Tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhách hàng mua sắm tại Siêu thị Mega Market Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Phúc Nguyễn |
Khách du lịch lữ hành tăng
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 35,8%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 2/2024 ước đạt 509,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 22,6%; may mặc tăng 20,8%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,4%; du lịch lữ hành tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1,031 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,0% (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,9%). Theo Tổng cục Thống kê, tăng mạnh nhất là doanh thu du lịch lữ hành với mức tăng gần 36%.
Nhờ hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực của chính quyền và người dân nên số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2/2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 64,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, doanh thu du lịch lữ hành 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu 2 tháng đầu năm 2024 của một số địa phương tăng so với cùng kỳ năm trước như sau: Hà Nam tăng 88%; Đà Nẵng tăng 86,3%; Hà Nội tăng 49,8%; TP Hồ Chí Minh tăng 23%; Quảng Ninh tăng 21,5%; Cần Thơ tăng 9%; Hải Phòng tăng 4%. Doanh thu dịch vụ khác trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 105,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng mức và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%. Như vậy, mức tăng này đã vượt mục tiêu Chính phủ đưa ra từ đầu năm là tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường nội địa đã chứng minh cho vai trò quan trọng trong góp phần tăng trưởng kinh tế của đất nước. Với mức tăng của doanh thu bán lẻ như trên, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là vẫn có sự hấp dẫn rất lớn.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa của Hà Nội tăng
Theo Cục Thống kê Hà Nội, tháng 2/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 71,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa của TP đạt 46,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% và tăng 19,8%, doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% và tăng 21,9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% và tăng 56,4%; doanh thu dịch vụ khác đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% và tăng 8,8%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 138,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 89,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,7% tổng mức và tăng 12,6%. Cụ thể: đá quý, kim loại quý tăng 17,8%; lương thực, thực phẩm tăng 14,3%; ô tô con tăng 12,9%; xăng dầu tăng 11,5%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 9,4%; hàng may mặc tăng 6,3%; hàng hóa khác tăng 17,8%.
Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 17,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,5% và tăng 17,4% (dịch vụ lưu trú tăng 37,3%; dịch vụ ăn uống tăng 15,6%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3% và tăng 49,8%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 27,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,8% và tăng 5,3%.
Số liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 2017-2022 đạt 8,5%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và cao gần gấp đôi mức bình quân tăng trưởng của thế giới. Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng được ATKearney xếp thứ 9 trong 35 quốc gia về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2021. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. |
Hà Nội: Siêu thị "tung” khuyến mãi để thúc đẩy tiêu dùng | |
Tạo sức lan tỏa, xây dựng nét văn hóa tiêu dùng của người Việt | |
Tháng 2/2024, 10/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại