Tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh) |
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn 2 ý quan trọng trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền dân quyền Pháp về những quyền bất khả xâm phạm của con người, qua đó cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Người, nhằm ngăn chặn những thế lực muốn làm khó cách mạng Việt Nam sau này.
Cách đây 78 năm, trong tình thế sục sôi của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gấp rút soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập. Đây là một văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định vị thế của một nước Việt Nam mới, đồng thời khẳng định những giá trị cơ bản về quyền con người và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, Chuyên gia nghiên cứu Lịch sử Đảng nhấn mạnh, với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những vấn đề cực kỳ cơ bản, đúng đắn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, nhưng phù hợp với giá trị chung của nhân loại.
PV: Thưa Giáo sư, trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc trước quốc dân, đồng bào vào ngày 2/9/1945, ngay trong phần mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn trích đoạn trong bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp. Việc trích dẫn này có ý nghĩa thế nào?
GS-TS Mạch Quang Thắng: Tôi nhớ, trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đọc tại Vườn hoa Ba Đình, Bác không trích dẫn đúng từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy, mà chỉ dẫn hai ý quan trọng trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền dân quyền của nước Pháp thế này: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. “Người ta sinh ra tự do, bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Dẫn ra như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp rằng, nước Việt Nam mới, chế độ chính trị mới của nước Việt Nam cũng đi theo dòng chảy tư tưởng tiến bộ của nhân loại. Và với tầm nhìn xa, rộng và sâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn lấy giá trị đó để ngăn lực lượng diều hâu trong hai chính phủ Mỹ và Pháp sau này muốn làm khó cho cách mạng Việt Nam.
PV: Mở đầu bản Tuyên ngôn, Bác Hồ đã nói về vấn đề nhân quyền, cụ thể là quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt Người muốn khẳng định trong bản Tuyên ngôn, thưa Giáo sư?
GS-TS Mạch Quang Thắng: Đúng vậy, đây là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đặt trong một văn kiện chính thức của thể chế chính trị mới, đầu tiên của nước Việt Nam mới. Và đây là một văn kiện cực kỳ quan trọng của một quốc gia khi mới ra đời.
Điểm nhấn thứ hai, tôi thấy rằng nó khẳng định những giá trị cơ bản, đúng đắn trong phép chính trị so sánh với các luồng chính trị văn minh trên thế giới. Không như nhiều thế lực sau này cứ nói khác đi, xuyên tạc, lươn lẹo đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Các tầng lớp nhân dân tề tựu về quảng trường Ba Đình trong sáng 2/9/1945. (Ảnh: TTXVN) |
PV: Như vậy, quyền cao nhất của quyền con người là quyền sống và những ai không cho người khác quyền sống, tước đoạt quyền sống của người khác là vi phạm nhân quyền?
GS-TS Mạch Quang Thắng: Đúng thế, quyền con người có giá trị cao nhất, lớn nhất đó là quyền được sống. Thế lực nào và những ai không cho người khác quyền sống, thì đích thị thế lực đó, người đó vi phạm nhân quyền lớn nhất, trắng trợn nhất. Điều này, tất nhiên, tất yếu dẫn đến cái logic là, chính các thế lực đế quốc, thực dân đem quân vào xâm lược nước Việt Nam, là vi phạm nhân quyền rõ nhất, tệ hại nhất.
PV: Quyền sống là quyền cao nhất của mỗi người. Nhưng sống mà không được tự do, sống trong một đất nước không có độc lập, thì quyền sống cũng không được bảo đảm, thưa Giáo sư?
GS-TS Mạch Quang Thắng: Đúng vậy, ngoài quyền được sống, còn có quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Được sống, nhưng lại không được tôn trọng, không được bình đẳng, không được tự do, vẫn cứ bị đói, bị rét, thì chẳng có nghĩa lý gì. Cho nên với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những vấn đề cực kỳ cơ bản, đúng đắn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, nhưng phù hợp với giá trị chung của nhân loại.
Từ những nội dung của quyền con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh suy rộng ra cho quyền của một dân tộc. Tôi khẳng định, không phải chỉ lúc đó, mà ngay cả đến hiện nay, chưa có, hiếm có chính khách nào trên thế giới nói được điều này. Bởi nếu nước đã mất độc lập, tự do, thì tất yếu quyền con người sẽ ở mức con số không. Nói cách khác, nếu nước đã mất, thì đừng nói đến chuyện nhân quyền. Vậy nên trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, trong lời kêu gọi của Người năm 1966 có ý này. Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu kiên cường để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp cũng là để đi đến giải phóng con người.
Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, chuyên gia nghiên cứu Lịch sử Đảng |
PV: Hiện vẫn có một số người luôn xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Theo Giáo sư, họ là ai, bản chất của những giọng điệu lạc lõng này là gì?
GS-TS Mạch Quang Thắng: Thành phần này rất phức tạp, có những người thù hằn với chế độ chính trị của nước ta, có cả những người phản bội lại đất nước, vì bất mãn với chế độ, thành thử họ cay cú, họ viết, họ nói với thái độ hằn học, đổi trắng thay đen, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như thành quả cách mạng của nước ta.
Theo tôi, việc những người này có giọng điệu lạc lõng xuyên tạc về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, là bởi mấy điều sau. Thứ nhất là họ có cái tâm không trong sáng, nói như Đại thi hào Nguyễn Du “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Cái tâm của họ là tâm đen cho nên họ không thấy được mặt sáng trong giải quyết vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Họ chỉ nhìn thấy bức tranh nhân quyền Việt Nam một màu đen kịt.
Thứ hai là họ không muốn chế độ chính trị hiện hành chúng ta đang xây dựng. Họ muốn thay đổi chế độ chính trị ở nước ta, hướng lái nước ta đi theo một chế độ có lợi cho họ. Và đã có không ít những thế lực gây mất ổn định, bạo loạn… Tất cả đều nhằm cái đích là xuyên tạc, nói xấu chế độ, muốn lái đất nước ta đi khỏi con đường xã hội chủ nghĩa. Bản chất của những giọng điệu này là như vậy thôi.
PV: Xin cảm ơn ông.
“Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” | |
Ký ức về ngày độc lập và sức mạnh đoàn kết chống dịch Covid-19 | |
Thăm căn nhà đầu tiên đón Bác Hồ về Hà Nội năm 1945 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại