Tại Hải quan cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên(PL&XH) - Tại cuộc họp báo ngày 26-11, ông Trưởng cũng khẳng định: “Không có chuyện xuất khẩu chui và quan điểm của tỉnh là hàng xuất đi phải được quản lý, đây là việc làm rất công khai, minh bạch".
Gần đây, nhiều cơ quan báo chí có những thông tin trái chiều về việc các xe hàng đông lạnh đã được xuất khẩu ngoài lối mở Co Sa tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn – nơi được Tổng Cục Hải quan và UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép. Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có thông tin chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, cách giải thích của UBND tỉnh Lạng Sơn và Cục Hải quan Lạng Sơn có nhiều điểm chưa thuyết phục…
Đoạn Văn bản số 968/HQCM-Th của Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma.
Ngày 10-4- 2012, Cục Hải quan Lạng Sơn có Công văn số 657/HQLS-BC gửi Tổng Cục Hải quan xin ý kiến cho phép làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa tại địa điểm Co Sa, thuộc xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình. Ngày 4-5, Bộ Tài chính có Công văn số 5922/BTC-TCHQ gửi UBND tỉnh Lạng Sơn, Cục Hải quan Lạng Sơn yêu cầu “dừng ngay việc cho phép hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và phương tiện vận tải của Trung Quốc” đi qua lối mở Co Sa vì tại khu vực Co Sa chưa đủ điều kiện để làm thủ tục xuất nhập khẩu (lực lượng chức năng và cơ sở vật chất – PV).
Ngày 9-5, UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục có công văn gửi Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan… đề nghị cho phép xuất, nhập khẩu hàng hóa qua lối mở Co Sa. Trong khi Bộ Tài chính chưa trả lời thì Tổng Cục Hải quan – cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính đã có Công văn số 2277/TCHQ-GSQL ngày 11-5 chấp thuận đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn, cho phép xuất khẩu hàng hóa qua lối mở Co Sa. Về vấn đề này, tại cuộc họp báo ngày 26-11, ông Nguyễn Công Trưởng, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng: "Về cơ sở pháp lý, tỉnh Lạng Sơn đã làm đủ các thủ tục theo quy định và đã có khảo sát, đánh giá cũng như để đưa việc kinh doanh vào khuôn khổ". “Thủ tục pháp lý” mà ông Trưởng đề cập là văn bản của Tổng Cục Hải quan và cả những văn bản của cơ quan có thẩm quyền trên cả… Bộ Tài chính. Người đứng đầu hải quan Lạng Sơn quên rằng, thủ tục pháp lý để xuất khẩu hàng hóa chính là lực lượng chức năng và cơ sở vật chất tại các lối mở như Co Sa. Nếu tại Co Sa lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, hải quan, y tế… đã đủ thì điều cốt yếu khác là cơ sở vật chất tại Co Sa vào thời điểm Hải quan Lạng Sơn cho xuất hàng (tháng 5-2012) là chưa thể đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Trên thực tế, khi UBND tỉnh Lạng Sơn có công văn xin ý kiến Bộ Tài chính ngày 9-5 thì trước đó, ngày 3-5, UBND tỉnh Lạng Sơn, Cục Hải quan Lạng Sơn và nhiều ban, ngành liên quan đã họp và thống nhất cho phép hàng hóa xuất khẩu qua lối mở Co Sa. Ngày 9-5, Cục Hải quan Lạng Sơn có văn bản xác nhận đủ điều kiện hoạt động đại lý hải quan cho Cty TNHH xây dựng Vĩnh Long (Cty Vĩnh Long).
Có hay không việc xuất hàng chui?
Tại cuộc họp báo ngày 26-11, ông Trưởng cũng khẳng định: “Không có chuyện xuất khẩu chui và quan điểm của tỉnh là hàng xuất đi phải được quản lý, đây là việc làm rất công khai, minh bạch".
Theo Văn bản số 968/HQCM-Th ngày 26-9 của Chi Cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma (HQCK Chi Ma) báo cáo Cục Hải quan Lạng Sơn: “Từ ngày 1-8-2012 đến nay việc quản lý, kiểm tra hàng tạm nhập tái xuất qua lối mở Co Sa thực hiện không đúng quy trình theo Quyết định số 386/QĐ-HQLS ngày 8-6-2012 của Cục Hải quan Lạng Sơn…”. Cụ thể: Cty Vĩnh Long không xuất khẩu tất cả hàng hóa qua lối mở Co Sa mà qua các lối mòn Co Pheo 1, Co Pheo 2, Nà Táng, Nà Căng – nơi cách Co Sa vài km.
Trước đó, ngày 10-8 Cty Vĩnh Long đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đề nghị cho phép trả hàng tại một số địa điểm mở rộng ngoài Co Sa. Và cũng chính Cục Hải quan Lạng Sơn đã thể hiện sự không đồng ý: Qua khảo sát thực tế tại các lối mở Co Pheo, Nà Táng… tuyến đường này còn có một số đường nhánh từ nội địa ra biên giới nên nếu cho phép giám sát hàng hóa xuất khẩu dọc tuyến đường này thì không đúng quy định tại Công văn số 2277/TCHQ-GSQL ngày 11-5-2012 của Tổng Cục Hải quan, nguy cơ thẩm lậu hàng hóa vào nội địa là rất cao… (Công văn số 1768/HQLS-GSQL ngày 22-8).
Dù Cục Hải quan Lạng Sơn đã ý kiến như vậy nhưng Báo cáo số 968/HQCM-Th của Chi cục HQCK Chi Ma đã thừa nhận Cty Vĩnh Long vẫn xuất hàng qua lối mòn Co Pheo 1, Co Pheo 2, Nà Táng… Vậy, xuất hàng qua lối mở không nằm trong Co Sa – nơi được UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép có phải là xuất khẩu “chui”?
Cũng có ý kiến biện minh, các lối mòn Co Pheo 1, Co Pheo 2, Nà Táng nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu nên việc Chi cục HQCK Chi Ma vẫn cho phép xuất hàng là không sai. Tuy nhiên, ngày 7-11, chính Chi cục HQCK Chi Ma đã ra văn bản yêu cầu, từ ngày 12-11 sẽ bắt giữ xử lý hàng hóa không xuất khẩu qua lối mở Co Sa?!
Nói về hoạt động thu phí tại Cty Vĩnh Long, ông Hà Hồng, Phó trưởng ban thường trực Ban quản lý cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn cho biết: "Chắc chắn không có chuyện các doanh nghiệp được cấp phép lại tự ý nâng thuế, phí”. Theo thông tin từ UBND tỉnh Lạng Sơn, mức phí Cty Vĩnh Long được thu theo quy định là 17 triệu đồng/container, cộng với một vài khoản thu nhỏ khác. Song Cty Vĩnh Long đã thu từ 37 – 40 triệu đồng/container.
Đã đến lúc Bộ Tài chính vào cuộc để giải thích những thông tin trái chiều trên và làm rõ câu hỏi: Bao nhiêu container hàng hóa đã tái xuất ngoài Co Sa?
Minh Đạo
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại
Tin mới hơn
Tin đã đăng