Thứ sáu 22/11/2024 10:24

Sở Công thương Hà Nội lý giải nguyên nhân khiến nông sản rớt giá

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Do thời tiết thuận lợi nên nông sản được mùa, nông dân tăng vụ sản xuất trong khi nhu cầu tiêu thụ từ các bếp ăn trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhà hàng… giảm; thương lái e ngại việc xuất hàng đi các tỉnh trong dịch Covid-19 khó khăn nên bỏ đặt cọc, không thu mua. Những yếu tố đó khiến nông sản trên địa bàn có giá thấp và dư thừa.

Thông tin trên được bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế-xã hội tháng 2-2021 do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 4-3.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về các giải pháp hỗ trợ nông dân Hà Nội tiêu thụ nông sản để tránh tình trạng “được mùa, mất giá” thời gian qua, Quyền Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Vụ Đông-Xuân năm 2021 do thời tiết thuận lợi nên sản lượng các loại rau màu đạt năng suất cao trên địa bàn cả nước trong đó có các huyện thuộc TP Hà Nội. Song do diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19, các nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa, trường học không hoạt động. Mặt khác, do tháng 2 là tháng Tết, người dân đã mua sắm nhiều vào dịp trước Tết nên sức mua giảm; các bếp ăn trong các nhà máy không hoạt động do công nhân nghỉ Tết… dẫn đến giá cả các mặt hàng nông sản rớt mạnh trên địa bàn chung cả nước.

Đối với thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê linh, theo thống kê đến nay có khoảng 69ha (37ha củ cải ước 1.500 tấn; cà chua 10ha sản lượng ước 20 tấn…) đến thời điểm thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch khoảng. Trong 1.500 tấn có khoảng 500 tấn đang vào vụ thu hoạch cần tiêu thụ ngay còn khoảng 1000 tấn chuẩn bị thu hoạch trong khoảng 10 ngày tới.

Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch các bếp ăn trường học/khu công nghiệp, nhà hàng nghỉ Tết, nghỉ chống dịch và do thương lái bỏ đặt cọc vì sợ hàng không xuất được đi các tỉnh thì việc dư thừa còn do nông dân sản xuất tăng thêm các vụ (bình thường sản xuất 4 vụ/năm, người dân tăng lên sản xuất 5-6 vụ/năm) trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm. Vì vậy, nông sản dư thừa, giá rau, củ, quả xuống thấp (củ cải 2.000-3.000 đồng/kg; cà chua 2.000- 3.000 đồng/kg).

Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, Thành ủy, UBND TP về đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu UBND TP hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản Hà Nội và các tỉnh, TP có dịch đang gặp khó khăn.

Cụ thể, qua khảo sát thực tế cùng UBND huyện Mê Linh và Sở NN&PTNT, Sở TT&TT tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh; khảo sát tại nơi sản xuất của nhân dân tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, Sở Công Thương đã ban hành văn bản gửi các doanh nghiệp các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi, cửa hàng thực phẩm, ban quản lý các chợ để hỗ trợ tiêu thụ củ cải và nông sản xã Tráng Việt.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền kịp thời về tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh giúp đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm rau, củ, quả cho nhân dân xã Tráng Việt và huyện Mê Linh; Chỉ đạo, thông tin vận động các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, thương nhân, tiểu thương tại các chợ chủ động liên hệ, kết nối với các đơn vị thực hiện thu mua nông sản để kết nối tiêu thụ và sơ chế, chế biến củ cải khô.

Sở Công thương Hà Nội lý giải nguyên nhân khiến nông sản rớt giá
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin tại buổi họp báo

UBND huyện Mê Linh chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, các trường học, các cơ quan, doanh nghiệp đóng phối hợp với UBND xã Tráng Việt, HTX dịch vụ Nông nghiệp Đông Cao và các tiểu thương kinh doanh rau, củ quả trên địa bàn xã Tráng Việt để hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản phẩm cho nhân dân xã Tráng Việt.

Trong 8 ngày (từ 25-2 đến 12g ngày 3-3) sản lượng nông sản đã hỗ trợ tiêu thụ cho riêng nhân dân xã Tráng Việt được khoảng 864 tấn củ cải, cà chua và rau các loại: Hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiêu thụ đạt bình quân khoảng 6 tấn/ngày; tiêu thụ qua thương lái từ 50-100 tấn nông sản/ngày… Đến nay việc tiêu thụ sản phẩm của nhân dân vẫn đang diễn ra bình thường, đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng cho người dân, bà Trần Thị Phương Lan nói.

Tuy nhiên theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, trong quá trình sản xuất vẫn còn một số củ cải, cà chua để quá lứa, kém chất lượng hoặc trong quá trình thu hoạch có một số rau củ, quả bị thối, hỏng, không đạt chất lượng thương phẩm vì vậy không thể tiêu thụ ra thị trường.

“Để giữ gìn thương hiệu rau của huyện Mê Linh cũng như của xã Tráng Việt, UBND xã Tráng Việt và HTX dịch vụ Đông Cao- xã Tráng Việt đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thu hoạch, không tiêu thụ ra thị trường các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ATTP, xử lý tàn dư thực vật theo quy định, vệ sinh đồng ruộng để sản xuất vụ Xuân năm 2021 cho kịp thời vụ, trong đó có một số khu vực xử lý tàn dư rau củ quá lứa ven sông Hồng như báo đã nêu”, Quyền Giám đốc Sở Công Thương phân tích.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục giới thiệu, kết nối các đơn vị thu mua, tiêu thụ sản phẩm rau củ trên địa bàn xã Tráng Việt, huyện Mê Linh và TP Hà Nội. Đồng thời vận động các doanh nghiệp phân phối, siêu thị… triển khai ký hợp đồng nguyên tắc về bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; Vận động các doanh nghiệp chế biến, thu mua (cà chua) để sản xuất chế biến nước hoa quả… để nhân dân yên tâm sản xuất.

Bà Trần Thị Phương Lan đề nghị Sở NN&PTNT, UBND huyện Mê Linh tập trung chỉ đạo sản xuất, định hướng sản xuất rõ ràng, cụ thể, thông tin kịp thời tới các hộ sản xuất chỉ sản xuất đảm bảo cân đối cung cầu theo nhu cầu thị trường phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn TP và cả nước. Cùng đó, kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn để phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ. Chỉ đạo sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản phẩm an toàn, sạch theo các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp của Quốc tế và Việt Nam. Báo cáo đề xuất TP về việc kêu gọi thành lập các cơ sở chế biến ngay tại địa phương để đa dạng hóa tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khối lượng lớn, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.
T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động