Thứ sáu 08/11/2024 16:25

Sinh viên trường nghề tranh tài khởi nghiệp tại Startup Kite 2021

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau 3 tháng phát động, tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2021”, từ 1.518 ý tưởng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã lựa chọn được hơn 205 dự án thuộc 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 33 tỉnh, thành phố vào vòng bán kết.

Ngày 28-9-2021 tại Hà Nội, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA tổ chức khai mạc Vòng bán kết Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2021 từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.

Sau 3 tháng phát động, tổ chức cuộc thi, vòng sơ tuyển cuộc thi tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được diễn ra hết sức sôi nổi với 1.518 ý tưởng, dự án của các em học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã lựa chọn được hơn 205 dự án thuộc 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 33 tỉnh, thành phố vào vòng bán kết.

Sinh viên trường nghề tranh tài khởi nghiệp tại Startup Kite 2021

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu khai mạc cuộc thi. (Ảnh: Hà Quân)

Phát biểu Khai mạc Vòng bán kết, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, thế hệ trẻ của Việt Nam ngày nay có rất nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế so với những thế hệ đi trước. Toàn cầu hóa và internet đã tạo ra sự khác biệt, đã xóa bỏ khoảng cách địa lý và ranh giới quốc gia, tạo ra những cơ hội bình đẳng trong tiếp thu và học hỏi những tiến bộ của nhân loại.

Học sinh, sinh viên ngày hôm nay đã được đào tạo bài bản, có cơ hội tiếp xúc với những phương thức giáo dục tân tiến, tận dụng được công nghệ thông tin, tiếp thu được những cái mới nhất, cái hay nhất của thế giới, vì thế đang có những lựa chọn và cơ hội rất tốt cho khởi nghiệp.

Để thúc đẩy và khuyến khích phong trào khởi nghiệp ngay từ trong nhà trường, Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA tổ chức Vòng bán kết Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2021 từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.


Theo bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Phó trưởng ban tổ chức cuộc thi: Vòng bán kết cuộc thi được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ ngày 28-9-2021 đến ngày 2-10-2021 tại Hà Nội. Với tiêu chí chấm điểm gồm: Tính mới, sáng tạo; tính khả thi và cạnh tranh; tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh Covid 19; thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; tính hiệu quả kinh tế - xã hội và ứng dụng thực tế.

Ban tổ chức cũng đã mời các doanh nhân trẻ thành đạt là thành viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp Việt nam làm BGK và đồng hành với các em học sinh, sinh viên trong suốt quá trình dự thi. Ngoài ra, các đội thí sinh được lựa chọn vào vòng chung kết sẽ được các giảng viên doanh nhân tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tư duy về khởi nghiệp, các kỹ năng khởi nghiệp và khởi nghiệp tinh gọn.

Tại Vòng bán kết, một trong những ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp gây ấn tượng là dự án “Sosa - đồng hồ thông minh cho người khiếm thính” của nhóm sinh viên trường Cao đẳng FPT Polytechnic.

Sinh viên trường nghề tranh tài khởi nghiệp tại Startup Kite 2021
Dự án “đồng hồ thông minh cho người khiếm thính” của nhóm sinh viên trường Cao đẳng FPT Polytechnic gây ấn tượng. (Ảnh: Hà Quân)

Theo Nguyễn Hương Giang, thành viên nhóm khởi nghiệp của trường Cao đẳng FPT Polytechnic, trên thị trường có rất ít sản phẩm tiện dụng cho người khiếm thính, những sản phẩm này thường cồng kềnh, không tiện dụng trong cuộc sống thường ngày. Từ đó, các sinh viên của trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã sáng tạo ra ý tưởng về chiếc đồng hồ thông minh dành riêng cho người khiếm thính, tiện dụng và có thể hỗ trợ người khiếm thính trong cuộc sống hàng ngày.

Nguyễn Hương Giang cho biết, khác với các sản phẩm khác trên thị trường, đồng hồ thông minh dành cho người khiếm thính gồm chức năng như: Hiển thị phụ đề giọng nói (hỗ trợ người khiếm thính bằng cách chuyển giọng nói sang phụ đề khi có người giao tiếp), có cảnh báo rung khi đến các khu vực đông đúc hoặc không an toàn. Ngoài ra thì chiếc đồng hồ này cũng có chức năng như 1 chiếc đồng hồ thông thường như định vị, đo sức khoẻ, đo nhiệt độ, nhịp tim…

Dù chưa có điều kiện hiện thực hoá ý tưởng thành sản phẩm do điều kiện về tài chính, thời gian hạn hẹp, tuy nhiên nhóm sinh viên cũng đã cố gắng truyền tải ý tưởng qua việc thiết kế sản phẩm bằng đồ hoạ.

Cũng tại Vòng bán kết, một dự án khởi nghiệp khác là dự án Sports For all của nhóm sinh viên trường Cao đẳng thương mại và du lịch Hà Nội cũng đã gây được nhiều ấn tượng.

Sinh viên trường nghề tranh tài khởi nghiệp tại Startup Kite 2021
Các thành viên trường Cao đẳng thương mại và du lịch Hà Nội với dự án Sports For all. (Ảnh: Hà Quân)

Ngô Ngọc Thành, sinh viên trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch cho biết, nhóm sinh viên đã lên ý tưởng đưa các bộ môn thể thao giải trí vào trò chơi để trẻ em được tăng sự vận động, tránh sự nhàm chán, giúp cải thiện thể lực.

Dự án Sports For all là sự kết hợp của 7 bộ môn thể thao, như kết hợp bộ môn bowling và bóng đá. Những bộ môn này không tốn thể lực, ít gây chấn thương cho trẻ, do đó có thể giúp trẻ vừa vận động thể lực vừa vận dụng được trí tuệ.

“Lợi thế của bọn em là dựa trên nền tảng sẵn có, trải dài trên 40 tỉnh thành. Qua 3 tháng đầu tiên chúng em đã bán được 40 sản phẩm, qua khảo sát trong 10 người thì có 2 người muốn mua sản phẩm”, Ngô Ngọc Thành cho biết.

Phát biểu tại cuộc thi, bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện Quỹ Dân số liên hợp quốc tại Việt Nam bày tỏ sự ấn tượng với số lượng bài tham gia cuộc thi năm nay, đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19 và các hạn chế về khoảng cách xã hội. Điều này cho thấy những người trẻ tuổi thực sự quan tâm đến người lớn tuổi và người khuyết tật, truyền cảm hứng cho mọi người phải đổi mới.

Điều này cũng chứng tỏ chúng ta cần tạo nhiều cơ hội hơn nữa để giới trẻ thể hiện sự đổi mới và sáng tạo của mình.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động