Rối loạn tâm thần - cần lạc quan phòng tránh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng có đánh giá như thế nào về con số 30% người Việt bị rối loạn tâm thần?
Con số người tâm thần phân ra nhiều nhóm bệnh ở nhiều lứa tuổi chứ không phải hoàn toàn là giới trẻ. Ở giới trẻ thường mắc các bệnh nội sinh nhiều hơn. Còn với người cao tuổi mắc bệnh ngoại sinh có triệu chứng nhiều hơn. Ví dụ như ở lứa tuổi trẻ thường mắc các bệnh như trầm cảm, lo âu, cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt,… Những người trên 45 tuổi có thể bị rối loạn tâm thần dẫn đến đái tháo đường, u não, tai biến mạch máu não… hoặc do các bệnh lý khác sinh ra rối loạn tâm thần. Như vậy là theo từng lứa tuổi lại có những biểu hiện bệnh khác nhau.
Có một thống kê nói rằng, 30% người Việt bị mắc chứng bệnh tâm thần. Tôi được biết đây là khảo sát của Viện Sức khỏe tâm thần thống kê. Nó không phải con số đại diện cho toàn quốc, đại diện cho dân số Việt Nam. Theo thống kế của một số giáo sư tại BV Tâm thần Trung ương là một trong số những BV đầu ngành của cả nước, người ta chỉ đưa ra con số khoảng 15% dân số bị bệnh tâm thần. Còn 30% kia chỉ là một nghiên cứu, trong một quần thể nghiên cứu và chưa phải là con số phổ biến. Còn bình thường, ở BV Tâm thần Trung ương và các nhà tâm thần học thì con số người bị tâm thần là Việt Nam rơi vào khoảng 15%.
Bác sĩ có thể chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến chứng bệnh tâm thần này và các giải pháp chữa trị?
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến chứng bệnh tâm thần này. Nguyên nhân thứ nhất là nguyên nhân sinh học. Nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân tâm lý và nguyên nhân thứ ba là nguyên nhân xã hội học. Ví dụ như nguyên nhân sinh học thì nó là bệnh nội sinh như tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc… Những bệnh do nguyên nhân xã hội như rối loạn stress, tâm lý, những sang chấn tâm lý gây ra rối loạn tâm thần. Một nguyên nhân nữa là từ xã hội. Nhìn chung có thể gọi là tâm sinh xã hội học.
Tùy từng nguyên nhân mà có những giải pháp chữa trị riêng. Đa phần những rối loạn tâm thần ở xã hội phát triển thì nó liên quan đến yếu tố xã hội nhiều hơn. Ví dụ những sang chấn tâm lý, bế tắc trong công việc, áp lực trong cuộc sống… sinh ra những điều này. Những rối loạn về tâm thần do nguyên nhân tâm lý, nguyên nhân xã hội, tiên lượng tốt hơn là rối loạn tâm thần nội sinh. Nhiều khi chẳng có tác động tâm lý gì cũng bị mắc bệnh tâm thần. Tiên lượng ấy nặng hơn.
Theo ông, con số người mắc chứng bệnh tâm thần hiện nay như thế nào, đáng lo ngại ở mức độ nào?
Mặc dù xã hội phát triển và rối loạn tâm thần có thể mắc nhiều hơn nhưng tiên lượng vẫn tốt và không có gì đáng lo ngại. Những người mắc chứng bệnh này cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa, gặp chuyên gia tâm lý để được giải thoát, cân bằng tâm lý, bệnh sẽ ổn chứ không đến mức độ quá nguy hiểm. Chúng ta không nên quá đáng lo ngại về những con số này.
Đặc biệt, những bệnh có nguyên nhân xã hội thì không thực sự đáng ngại. Vì khi ta cân bằng được cuộc sống, nguyên nhân của bệnh mất đi thì bệnh sẽ thuyên giảm. Đừng đứng trước tình huống này mà hoang mang và lo sợ quá là không nên, không tốt. Khi chúng ta biết xử lý và cân bằng thì trạng thái cơ thể sẽ lại trở lại bình thường. Bệnh tâm thần cũng giống như các bệnh khác, như viêm họng chẳng hạn, nó chỉ xuất hiện nhiều vào mùa đông và sau một thời gian uống thuốc sẽ hoàn toàn khỏi bệnh.
Thêm nữa, hiện nay, kỹ thuật chữa bệnh tâm thần rất tốt, có nhiều thuốc tốt, không đáng lo ngại.
Theo như một số thống kê, nữ giới mắc chứng tâm thần nhiều hơn nam giới. Ông có thể phân tích sâu hơn về điều này?
Nữ giới mắc nhiều hơn nam giới nhưng cũng tùy từng bệnh. Ví dụ bệnh trầm cảm thì phụ nữ nhiều hơn nam giới, nhưng với bệnh tự kỷ thì nam giới nhiều hơn nữ giới. Như vậy, mỗi bệnh lại có những tỉ lệ khác nhau giữa nam và nữ. Ví dụ bệnh trầm cảm, tỉ lệ nữ là 2 nữ trên 1 nam. Sức chịu đựng áp lực của phụ nữ kém hơn nam giới. Nhưng ở bệnh tâm thần phân liệt thì nam giới lại mắc nhiều hơn nữ giới. Theo thống kê thì hơn 1 nam lại có 1 nữ bị mắc chứng tự kỷ.
Ông có thể chỉ ra một số dấu hiệu của bệnh tâm thần và làm sao để mọi người có thể nhận biết, phòng tránh?
Những dấu hiệu của bệnh rối loạn về mặt tâm thần được biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đầu tiên có thể là triệu chứng mất ngủ, lo lắng, mệt mỏi, cảm thấy thờ ơ trước cuộc sống, áp lực trước cuộc sống, mệt mỏi,… Nặng hơn, người bệnh có thể có những hoang tưởng, ảo giác đi kèm.
Khi gia đình thấy người nhà mình có những hiện tượng lạ, cảm xúc thất thường, biểu hiện lạ kéo dài trên 2 tuần là phải đưa đến gặp chuyên gia tâm lý và bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Để tránh những trạng thái rối loạn tâm lý, tâm thần do những sang chấn trong cuộc sống, mỗi người nên sống lạc quan. Cá nhân một người cũng nên có nhân sinh quan về xã hội tốt hơn, nhìn nhân mọi việc theo hướng tích cực. Đây là một trong những cách tốt nhất để không mắc vào chứng tâm thần.
Chúng ta cần nhìn nhận cuộc sống một cách tích cực, đứng về mặt khoa học để nhìn nhận, cảm xúc cũng phải tích cực. Không nên nhìn nhận một điều gì tiêu cực, bi quan. Thêm nữa, nếu không may mắc các chứng bệnh cảm xúc có tính thất thường, ví dụ như vui buồn thất thường mà không phải do tác động từ cảm xúc thực tế thì nên đi gặp các bác sĩ từ sớm.
Tất nhiên, phải đi gặp các bác sĩ sau khi những triệu chứng có dấu hiệu chỉ điểm về mặt tâm thần, tốt nhất là trong vòng 2 tuần. Nhưng nếu giả sử bệnh nhân có những triệu chứng đặc biệt nguy hiểm như muốn tự tử là phải đi gặp bác sĩ ngay, không thể chần chừ trong những trường hợp này. Chúng ta không thể chờ đợi 2 tuần với những trường hợp có dấu hiệu nặng như vậy, thậm chí có thể nói là rất nặng, không thể kéo dài. Những trường hợp muốn tự tử, quyên sinh là phải gặp bác sĩ ngay.
Có những cơn trầm cảm cấp trên thực tế dẫn đến có thể làm cho người bệnh tự sát ngay, rất nguy hiểm. Thêm nữa, bệnh tâm thần này không gây cho mình chết người ngay, mà nó chủ yếu chết do mình tự sát mà chết. Đây là điều rất đặc biệt. Ví dụ những bệnh như viêm phổi hay tim mạch thì người bệnh chết do nguyên nhân bệnh lý đó. Nhưng bệnh lý về tâm thần không gây chết người vì bệnh lý mà chết vì tác động của bệnh. Ví dụ, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái sầu uất quá mà tự sát, chết. Thực tế, tâm thần không dẫn đến cái chết mà chính vì tự sát mà chết.
Có những dấu hiệu mang tính nguy hiểm khi người bệnh lên cơn hoang tưởng ảo giác cấp, nghĩ rằng có ma quỷ ám sát, nhìn người thân lại thành ra những hung thủ để rồi dẫn đến việc truy sát người thân. Những trường hợp như vậy phải đưa đến BV ngay, không chờ đợi 2 tuần để gây hậu quả nghiêm trọng.
Là một bác sĩ chuyên khoa tâm thần, ông đưa ra những lời khuyên nào?
Chúng ta phân tích là để đưa ra những giải pháp cụ thể. Nhìn nhận những dấu hiệu nhận biết là để phòng, tránh, làm sao mỗi người tự lạc quan cuộc sống và suy nghĩ của mình, tránh bị bệnh. Tuy nhiên, tôi cũng khuyên mọi người không nên lo lắng quá trước những thông tin thống kê về con số tâm thần kể trên. Vì đó chỉ là một trong số những nghiên cứu. Chúng ta không nên quá bi quan dẫn đến tự mình rơi vào thể tâm thần thì sẽ lại là điều đáng nguy hiểm hơn. Thêm vào nữa, thuốc và các địa chỉ chữa bệnh tâm thần đều đã phổ biến trên cả nước. Vì vậy, nếu có dấu hiệu của bệnh, chúng ta nên đến bác sĩ để được chữa trị kịp thời, không đoán già đoán non, suy nghĩ nhiều dẫn đến bệnh nặng thêm.
Cảm ơn bác sĩ!
Nhật Minh - Văn Biên / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại