Quyết nghị đặt tên mới cho 38 đường, phố mới của Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuang cảnh kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI. Ảnh: TTXVN |
Nghị quyết quyết nghị việc đặt tên mới cho 38 đường, phố, trong đó có 20 đường, phố mang tên địa danh và tên khác; 18 đường, phố mang tên danh nhân thuộc các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông; các huyện Đông Anh, Gia Lâm… và 9 tuyến đường được điều chỉnh độ dài…
Sau khi thông qua Nghị quyết, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền quận, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp đường, vỉa hè và hạ tầng kỹ thuật đối với các đường, phố dự kiến đặt tên để đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và mỹ quan đô thị. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để Nhân dân biết và hiểu được ý nghĩa của các đường, phố được đặt, đổi tên; chỉ đạo công tác gắn biển tên, đánh số nhà đối với các đường, phố mới được đặt, đổi tên theo đúng quy định; Công an thành phố, các sở, ngành, UBND các cấp tập trung thực hiện điều chỉnh quản lý dân cư và các giấy tờ liên quan.
Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục rà soát, cập nhật danh mục tên các danh nhân, địa danh vào ngân hàng tên để đặt tên đường, phố trên địa bàn thành phố. Trong đó, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn. Đồng thời, lưu ý phương án đặt tên các tuyến đường, phố theo xu hướng hiện đại (theo ký tự, số), nhất là tại các khu vực đô thị mới phát triển. Tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm việc tự ý gắn biển tên đường, phố trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
UBND các quận, huyện phối hợp rà soát việc gắn biển chỉ dẫn các tuyến đường, phố tại khu vực giáp ranh đối với các tuyến đường, phố mới; các quận, huyện hiện nay đang có tốc độ đô thị hóa cao, có các tuyến đường được xây dựng hoặc đã hoàn thành cần căn cứ vào các quy hoạch đô thị để có kế hoạch thực hiện đồng bộ với đặt tên đường, phố mới hoặc điều chỉnh độ dài.
Trước đó, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2022. Theo Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2022, tổng biên chế hành chính là 11.639 biên chế (biên chế công chức là 10.560 biên chế, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 1.079 chỉ tiêu); biên chế sự nghiệp là 132.935 biên chế (biên chế viên chức là 114.059 biên chế; lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 10.464 chỉ tiêu; lao động hợp đồng theo định mức là 8.412 chỉ tiêu).
HĐND thành phố ban hành Nghị quyết dựa trên cơ sở: Năm 2021, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, gắn với rà soát, phân công, phân nhiệm lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp công lập trong hệ thống chính trị thuộc cấp thành phố và cấp huyện được thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả.
Nhờ đó, góp phần thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của toàn thành phố cả giai đoạn đạt kết quả tích cực theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, việc rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy các phường, quận, thị xã theo Nghị quyết số 97/2012/QH14 của Quốc hội, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã được UBND thành phố thực hiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp tình hình thực tế.
Công tác xây dựng các đề án vị trí việc làm đối với toàn bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị của thành phố đã được hoàn thành từ năm 2017, được Trung ương đánh giá cao và triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Năm nay, các đề án đó đã tiếp tục phát huy giá trị trong việc quản lý, bố trí cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đúng chuyên môn, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức.
Trong năm 2021, đội ngũ công chức, viên chức đã tinh giản được 173 trường hợp, tổng số biên chế tinh giản từ năm 2015 đến tháng 11-2021 là 1.543 người. Việc thực hiện tinh giản biên chế (công chức, viên chức) của cả giai đoạn 2016-2021 đã đạt và vượt so với chỉ tiêu trong Nghị quyết 39-NQ/TƯ đề ra.
Tại buổi làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa XVI, bên cạnh thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2022; Nghị quyết về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021, HĐND Thành phố còn xem xét Tờ trình về quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội; Tờ trình thông qua Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri (Theo khoản 4 Điều 74 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015); Tờ trình về kế hoạch tổ chức các kỳ họp HĐND Thành phố trong năm 2022.
Tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, các đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác phòng, chống dịch của thành phố; qua đó, các đại biểu cũng hiến kế các giải pháp cho năm 2022 với mong muốn mọi lĩnh vực của thành phố sẽ đạt kết quả tốt hơn.
Về những phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp đã lựa chọn trúng nội dung mà cử tri và Nhân dân quan tâm như công tác phòng, chống dịch Covid-19; xem xét lại, phân tích rõ nguyên nhân vì sao nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ;... Câu hỏi chất vấn và câu trả lời ngắn gọn, xúc tích, rõ ràng, đi thẳng trọng tâm.
Tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, HĐND thành phố Hà Nội sẽ đánh giá toàn diện tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu chi ngân sách, công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 và kế hoạch năm 2022. HĐND thành phố Hà Nội xem xét, thảo luận và thông qua 22 báo cáo, 8 nghị quyết thường kỳ và 12 nghị quyết chuyên đề, trong đó nhiều nội dung rất quan trọng như: Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công 5 năm và kế hoạch năm 2022; các nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội; một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; Quy định mức tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Luật Thủ đô; Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025… |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại