Thứ bảy 23/11/2024 05:25
Giải đáp pháp luật

Quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản thông qua thủ tục trả giá công khai giữa nhiều người muốn mua và người trả giá cao nhất là người được quyền mua tài sản bán. Đấu giá tài sản có thể là bắt buộc (theo quyết định của Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền) hoặc tự nguyện (theo nhu cầu của chủ sở hữu tài sản).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi có nghe nhắc đến đấu giá tài sản. Vậy, xin quý báo cho biết, thế nào là đấu giá tài sản. Luật quy định quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá như thế nào?

(Nguyễn Anh Tuấn, quận Tây Hồ, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản thông qua thủ tục trả giá công khai giữa nhiều người muốn mua và người trả giá cao nhất là người được quyền mua tài sản bán. Đấu giá tài sản có thể là bắt buộc (theo quyết định của Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền) hoặc tự nguyện (theo nhu cầu của chủ sở hữu tài sản).

Người bán tài sản có thể tự tổ chức đấu giá hoặc thông qua người bán đấu giá. Ở Việt Nam, người bán đấu giá là các trung tâm dịch vụ bán đấu giá do Sở Tư pháp trực tiếp quản lí hoặc là các thương nhân hoạt động bán đấu giá chuyên nghiệp được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp nhà nước, công ti trách nhiệm hữu hạn, công ti cổ phần. Đấu giá có thể được thực hiện dưới phương thức đấu tăng giá hoặc đấu hạ giá (đấu giá kiểu Hà Lan/Dutch auction). Pháp luật Việt Nam chỉ quy định về đấu tăng giá.

Thông thường, để đấu giá tài sản, người bán đấu giá phải đưa ra giá khởi điểm của tài sản muốn bán và phải trưng bày tài sản để những người muốn mua xem trước. Những người muốn mua sẽ tham gia trả giá theo thủ tục nhất định. Người trả giá cao nhất là người dành được quyền mua tài sản.

Đấu giá tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại của Việt Nam, được cụ thể hoá trong Quy chế bán đấu giá tài sản.

Điều 47 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 nêu:

1. Người có tài sản đấu giá có các quyền sau đây:

a) Giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá;

b) Tham dự cuộc đấu giá;

c) Yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá khi có căn cứ cho rằng tổ chức đấu giá tài sản có hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 9 của Luật Đấu giá tài sản;

d) Yêu cầu đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá dừng cuộc đấu giá khi có căn cứ cho rằng đấu giá viên có hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 của Luật này; người tham gia đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c hoặc d khoản 5 Điều 9 của Luật Đấu giá tài sản;

đ) Đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vô hiệu theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về dân sự;

e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Người có tài sản đấu giá có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chịu trách nhiệm về tài sản đưa ra đấu giá;

b) Ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản;

c) Giao tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật;

d) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, diễn biến cuộc đấu giá và kết quả đấu giá tài sản trong trường hợp đấu giá tài sản nhà nước;

đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Luật Đấu giá tài sản quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Về đối tượng áp dụng (Điều 2):

1. Đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản.

2. Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

3. Người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá.

4. Cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.

Đ.P
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động