Quy trình tiêm vắc-xin được quy định ra sao?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Cụ thể, quy định về tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc-xin nêu rõ: Về cấp phát, tiếp nhận vắc xin-khi cấp phát vắc-xin, người cấp phát phải kiểm tra và lưu giữ thông tin theo mẫu quy định tại đơn vị cấp phát. Nếu phát hiện có bất thường về các thông tin liên quan đến vắc-xin thì hai bên giao nhận phải lập biên bản về tình trạng thực tế của vắc xin và xử lý theo quy định.
Bảo quản vắc-xin: Vắc-xin phải được bảo quản theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng. Vắc-xin phải được bảo quản riêng trong thiết bị dây chuyền lạnh, không bảo quản chung với các sản phẩm khác; Sắp xếp vắc xin đúng vị trí, tránh làm đông băng vắc-xin; Bảo đảm vệ sinh khi thực hiện thao tác với hộp, lọ vắc xin...
Về tổ chức tiêm chủng, một trong những điều bắt buộc là khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng: Khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em theo quy định của Bộ Y tế, quan sát toàn trạng, đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại đối với người lớn. Thông báo cho đối tượng tiêm chủng, cha, mẹ, người giám hộ của trẻ về tác dụng, liều lượng, đường dùng của loại vắc-xin được tiêm chủng trước mỗi lần tiêm.
Thực hiện tiêm chủng quy định các bước như: Kiểm tra vắc-xin, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng;
Cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vắc-xin trước khi tiêm chủng;
Thực hiện tiêm đúng đối tượng chỉ định tiêm chủng, đúng vắc xin, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời điểm;
Bơm tiêm, kim tiêm và vật sắc, nhọn sau khi sử dụng phải cho vào hộp an toàn ngay sau khi tiêm, không đậy nắp kim.
Sau khi tiêm thực hiện theo dõi đối tượng tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm chủng. Đồng thời hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường;
Đưa ngay đối tượng tiêm chủng tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥39°C), co giật, trẻ khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban và các biểu hiện bất thường khác hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.
Sau tiêm thực hiện ghi đầy đủ thông tin vào phiếu hoặc sổ tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng và trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia và hẹn lần tiêm chủng sau; Ghi ngày tiêm chủng đối với từng loại vắc-xin đã tiêm chủng cho đối tượng tiêm chủng và ghi chép các phản ứng sau tiêm chủng trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại