Quý I/2023: Bộ GTVT giải ngân đạt 99,97% kế hoạch vốn được giao
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Bộ GTVT giải ngân đạt 99,97% kế hoạch vốn được giao |
Theo báo cáo, năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công (qua 2 đợt) với tổng số hơn 94.135 tỷ đồng. Đến nay, Bộ GTVT đã giao chi tiết cho các dự án với tổng số 94.135 tỷ đồng đạt 99,97%.
Ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư thông tin: Giá trị giải ngân 3 tháng đầu năm của Bộ GTVT tập trung ở các dự án cao tốc Bắc-Nam với giá trị 11.198 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 80% giá trị giải ngân của cả ngành
Cụ thể, các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 (2017-2020) đã giải ngân 2.227 tỷ đồng, đạt 12,5% kế hoạch năm. Các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 (2021-2025) giải ngân 11.199 tỷ đồng, đạt 24,8% kế hoạch năm.
Các dự án trọng điểm, cấp bách, giải ngân gần 98 tỷ đồng, đạt 4,3% kế hoạch năm. Các dự án ODA giải ngân xấp xỉ 485 tỷ đồng, đạt 6,2% kế hoạch năm. Các dự án trong nước khác giải ngân 2.997 tỷ đồng, đạt 14,3% kế hoạch năm.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án (QLDA) hoàn thành và đưa vào khai thác một số dự án cao tốc thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây trong tháng 4/2023 theo đúng kế hoạch. Đối với các dự án có kế hoạch về đích trong năm 2023 và dự án trọng điểm đang thực hiện, các chủ đầu tư/ban QLDA phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vật liệu đảm bảo tiến độ triển khai các dự án theo đúng yêu cầu, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Xét theo nhóm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, giá trị giải ngân tập trung ở các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ với giá trị giải ngân gần 16.900 tỷ đồng, đạt 19,6% kế hoạch năm và chiếm tỷ trọng 99,3% giá trị đã giải ngân của Bộ GTVT.
Các chủ đầu tư khác tiến độ giải ngân đã có chuyển biến trong tháng 3 nhưng vẫn rất chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Trong đó, có 8/23 chủ đầu tư giải ngân với giá trị khoảng hơn 112 tỷ đồng, đạt trung bình 5% kế hoạch giao, gồm: Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Sở Đồng Tháp, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn và Lào Cai; có 15/23 chủ đầu tư chưa giải ngân, kế hoạch vốn bố trí cho các chủ đầu tư này chủ yếu phục vụ hoàn ứng và quyết toán dự án.
Riêng các dự án đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; các tuyến Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoàn chỉnh thủ tục về đầu tư xây dựng, sớm khởi công các dự án trước ngày 30/6/2023. Đồng thời, phối hợp với các địa phương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án cao tốc: Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP HCM - Chơn Thành.
Nhận định thời gian tới tình hình kinh tế tiếp tục có diễn biến khó lường, tốc độ tăng lạm phát vẫn ở mức cao, giá vật liệu xây dựng có xu hướng tăng cao, đặc biệt là giá cát khu vực miền Trung, lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu lường trước các khó khăn, xây dựng kế hoạch tập kết vật liệu xây dựng dự phòng trong trường hợp biến động mạnh giá vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công các dự án, công trình giao thông trọng điểm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại