Thứ tư 15/05/2024 03:22

Quy định nồng độ cồn bằng 0: nồng độ cồn trong máu của các bệnh nhân tai nạn giao thông

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Nhiều đại biểu tiếp tục có ý kiến về quy định nồng độ cồn bằng 0. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu thực hiện tại BV Việt Đức chỉ rõ, người uống rượu có khả năng bị tai nạn giao thông cao gấp 4,4 đến 5 lần những người không uống rượu.
Quy định nồng độ cồn bằng 0: nồng độ cồn trong máu của các bệnh nhân tai nạn giao thông
Quy định nồng độ cồn bằng 0 tiếp tục nóng nghị trường. Ảnh: Quochoi

Tiếp tục “nóng” về quy định nồng độ cồn bằng 0

Tham gia ý kiến về dự án luật, đại biểu Lê Hữu Trí cho biết, thời gian qua, diễn biến an toàn trật tự giao thông có nhiều vấn đề phức tạp mới phát sinh, có diễn biến phức tạp, trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định cụ thể, sát với thực tiễn để người tham gia giao thông tự giác, chưa quy định đầy đủ, cụ thể về biện pháp duy trì trật tự an toàn giao thông.

Mặt khác, nhiều yếu tố khác về giao thông đường bộ cần được quy định đầy đủ, cụ thể, để tạo hành lang pháp lý quan trọng về đầu tư, xây dựng phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ. Vì vậy, việc ban hành riêng biệt Luật TTATGT đường bộ là cần thiết.

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự án luật, đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chính phủ đã có ý kiến giải trình hợp lý. Theo đó, quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông quan trọng.

Trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như góc độ sinh học… Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở đảm bảo yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, đảm bảo tính khả thi.

Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, đối với băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội về việc khi tham gia giao thông có được có nồng độ cồn hay không?

“Chúng ta đang muốn kiểm soát năng lực hành vi, trong khi rượu chỉ là một trong số những tác nhân. Và rượu khi uống nhiều quá mới ảnh hưởng đến năng lực hành vi, uống ít thì có lẽ cũng chưa có ảnh hưởng. Chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa năng lực hành vi với tác nhân, việc dùng hay không dùng rượu”, đại biểu nêu quan điểm.

Còn theo đại biểu Trịnh Minh Bình – Đoàn DBQH tỉnh Vĩnh Long, ông cho rằng, không nên quy định một cách tuyệt đối, cưng nhắc mà nên quy định như luật cũ, có nghĩa là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở, khi vượt qua mốc đó thì mới phạt.

Tranh luận, đại biểu Lê Hoàng Anh, Đoàn ĐBQH Gia Lai cho rằng, Quốc hội quyết định các vấn đề cần dựa trên bằng chứng khoa học, kết luận khoa học của cơ quan có thẩm quyền chứ không thể dựa trên cảm tính.

Theo đại biểu, hồ sơ dự án luật, Chính phủ cũng khẳng định sẽ nghiên cứu và sẽ có căn cứ khoa học cho vấn đề này. "Tức là tại thời điểm này là chưa có căn cứ khoa học", ông Hoàng Anh nêu.

Đại biểu cho hay, ông đã xem lại hồ sơ dự án luật Phòng, chống tác hại rượu bia thì cũng chưa có tài liệu của cơ quan có thẩm quyền khẳng định bằng chứng khoa học của việc này.

Quy định nồng độ cồn bằng 0: nồng độ cồn trong máu của các bệnh nhân tai nạn giao thông
Cần thiết xây dựng quy định về đo nồng độ cồn trong máu. Ảnh: Quý Khánh

Nồng độ cồn trong máu và trong huyết thanh của các bệnh nhân tai nạn giao thông

Trước đó, trong một báo cáo nghiên cứu nồng độ cồn trong máu và nồng độ huyết thanh của bệnh nhân tai nạn giao thông tại BV Việt Đức của 1 nhóm tác giả, nguyên nhân hàng đầu của tai nạn giao thông là do uống rượu-lái xe. Những người uống nhiều rượu có khả năng bị tai nạn giao thông cao gấp 4,4 đến 5 lần những người không uống rượu.

Báo cáo nêu rõ, trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã đưa ra tỷ lệ chuyển đổi giữa nồng độ cồn trong máu và nồng độ cồn trong huyết thanh. Nghiên cứu của Trung tâm khoa học pháp y của Canada cho thấy nồng độ cồn trong huyết thanh cao hơn nồng độ cồn trong máu toàn phần. Tỷ lệ chuyển đổi nồng độ cồn trong huyết thanh sang nồng độ cồn trong máu từ 1,04 đến 1,26, giá trị trung bình là 1,14.

Căn cứ vào 200 bệnh nhân nhập viện tại BV Việt Đức, lựa chọn theo tiêu chuẩn bao gồm các bệnh nhân được chẩn đoán qua cảm quan và quan sát (thái độ, hành vi, màu sắc da mặt, mùi rượu, cồn trong hơi thở) nếu bệnh nhân không tỉnh, không có người thân đi cùng, qua điều tra (hỏi) bệnh nhân có uống đồ uống có cồn trước khi xảy ra tai nạn và trong vòng 6 giờ trước khi đến khám cấp cứu tại bệnh viện, bệnh nhân trên 15 tuổi, không phân biệt giới tính và nghề nghiệp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân tai nạn giao thông có cồn trong máu chủ yếu tập trung ở nam giới và nhóm tuổi từ 19-29, chiếm 51,8% so với các nhóm tuổi khác, đứng thứ hai là nhóm tuổi từ 30-39 chiếm 24,1%.

Thời gian từ lúc uống cho đến khi được cấp cứu và xét nghiệm hầu hết trong khoảng thời gian từ 4 – 6 tiếng, có 36,5% trường hợp bệnh nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu được xét nghiệm trong khoảng thời gian này. 32% trường hợp được xét nghiệm sau khi uống rượu trên 6 tiếng.

Tỉ lệ bệnh nhân tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não cao nhất với 111 trường hợp chiếm 55,5%, sau đến chấn thương chi và đa chấn thương chiếm 43,5% và 38,5%.

Báo cáo này cũng thể hiện, hầu hết bệnh nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu cao vượt mức cho phép (trên 50 mg/dl – căn cứ theo Luật giao thông đường bộ 2009), có 169 trường hợp chiếm 84,5%. Trong khi đó, bệnh nhân được xét nghiệm nồng độ cồn trong huyết thanh trên 50 mg/dl có 178 trường hợp chiếm 89%, nhiều hơn kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong huyết thanh.

Qua nghiên cứu và thực hiện xét nghiệm trên 200 bệnh nhân tai nạn giao thông trên 15 tuổi, nghiên cứu cho kết quả trung bình tỉ lệ quy đổi từ nồng độ cồn trong huyết thanh sang nồng độ cồn trong máu là 1,2, với độ lệch chuẩn là 0,2. Tỉ lệ quy đổi nhỏ nhất là 0,91 và lớn nhất là 3,16.

Từ kết quả nghiên cứu đó cũng chỉ ra việc cần thiết phải tăng cường giám sát và xây dựng quy định về đo nồng độ cồn trong máu và đo nồng độ cồn trong huyết thanh và cách tính quy đổi giữa nồng độ cồn trong máu và huyết thanh.

Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã giải trình việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong dự thảo luật lần này dựa trên quan điểm tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết. Quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông.

Quy định, theo ông Lâm, cũng thống nhất với quy định của luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại khoản 6 điều 5 của luật này, quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm.

Bộ trưởng Công an cho biết vừa qua, sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể.

Do đó, với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.

Bộ Công an thông tin về quy định tỉ lệ nồng độ cồn Bộ Công an thông tin về quy định tỉ lệ nồng độ cồn
Hiệu quả của việc xử lý nồng độ cồn Hiệu quả của việc xử lý nồng độ cồn
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động