Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBáo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: Đa số các vị đại biểu Quốc hội nhất trí cao về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng việc tham gia Công ước là phù hợp đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế - quốc tế một cách sâu rộng.
Về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Công ước, đa số các vị đại biểu Quốc hội tán thành các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Công ước như trong Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ khó khăn, thách thức đối với hệ thống Công đoàn Việt Nam sau khi gia nhập Công ước. Công đoàn phải đổi mới tổ chức và hoạt động để phát huy vai trò đại diện trong thương lượng tập thể để bảo vệ người lao động. UBTVQH cho biết: Tại tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ về phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các văn kiện liên quan đã xác định:“Đây là các thách thức đồng thời cũng là cơ hội, động lực cho tổ chức công đoàn, nhất là các tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn trong điều kiện mới của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Những thách thức này sẽ được giải quyết chủ yếu thông qua việc xây dựng những quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục thành lập, quản lý đăng ký hoạt động của tổ chức người lao động; chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm’’. “Hiện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang xây dựng đề án "Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới" trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể được 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. |
Về tổ chức đại diện người lao động, có ý kiến đề nghị quy định rõ trong luật điều kiện đảm bảo cho tổ chức đại diện người lao động hoạt động như: Kinh phí, cơ sở hoạt động, đồng thời làm rõ các tổ chức đại diện người lao động khác là những tổ chức nào, quy định tổ chức đại diện người lao động nằm ngoài hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ hội hay thách thức, mối quan hệ giữa các tổ chức đại diện người lao động, tổ chức công đoàn có sự chồng chéo nhau trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.
Một số ý kiến cho rằng tổ chức đại diện người lao động bên cạnh Công đoàn dễ gây mất ổn định chính trị, an ninh trật tự do các tổ chức này không nằm trong hệ thống chính trị của Việt Nam, ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng và tổ chức Công đoàn Việt Nam, vì vậy cần cân nhắc việc thành lập tổ chức này. UBTVQH cho rằng các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội rất xác đáng.
Vấn đề này hiện đã được BCH TW Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng trong quá trình đàm phán Hiệp định CPTPP trước đây, Hiệp định EVFTA hiện nay cũng như trong quá trình xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Những đề xuất sửa đổi, bổ sung vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, vừa tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm hoạt động lành mạnh trong phạm vi quan hệ lao động tại cơ sở của tổ chức đại diện người lao động đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vừa bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế về lao động, nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm của quan hệ lao động của Việt Nam.
Có ý kiến đề nghị cần xem xét kỹ để đảm bảo sự đồng bộ giữa quy định về quyền tổ chức và thương lượng tập thể với các quy định về tổ chức công đoàn, UBTVQH khẳng định: Thúc đẩy thương lượng tập thể thực chất và hiệu quả là một trong những công việc trọng tâm được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện thông qua các chương trình hành động, kế hoạch công tác trong nhiều năm qua. Việc gia nhập và thực hiện Công ước số 98 sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thúc đẩy hơn trong việc đổi mới, nâng cao năng lực, tăng cường thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cả về số lượng và chất lượng. Việc thực hiện các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể của Công ước số 98 phù hợp và đồng bộ với các quy định về tổ chức công đoàn.
Đối với quan điểm cho rằng quy định về thương lượng tập thể hiện nay vẫn chưa có tính khả thi và chưa đạt hiệu quả trên thực tế do cán bộ công đoàn cơ sở không phải là cán bộ công đoàn chuyên trách mà vẫn hưởng lương từ doanh nghiệp, UBTVQH cho biết: Việc cán bộ công đoàn cơ sở không phải là cán bộ công đoàn chuyên trách mà vẫn hưởng lương từ doanh nghiệp là thực tiễn phổ biến trên thế giới hiện nay. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy để cán bộ công đoàn cơ sở có thể tham gia vào thương lượng tập thể một cách thực chất, hiệu quả và bảo vệ được lợi ích tốt nhất của người lao động thì công đoàn cần được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử và can thiệp từ phía người sử dụng lao động và đó chính là thực hiện đúng tinh thần của Công ước số 98.
Về một ý kiến cho rằng việc cho phép thương lượng tập thể theo nguyên tắc tự nguyện có thể dẫn đến tình trạng thương lượng không thực hiện được, UBTVQH nhấn mạnh, thương lượng tập thể theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 có nhiều tiến bộ. Đây là hình thức quan trọng trong bảo vệ quyền lợi của người lao động, góp phần cải thiện điều kiện làm việc, ổn định và nâng cao đời sống của người lao động. Việc thực hiện thương lượng tập thể theo các tiêu chuẩn cao hơn của ILO tại Công ước số 98 sẽ góp phần bảo vệ công đoàn, tổ chức của người lao động tốt hơn, giúp các tổ chức này có thể tiến hành thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả hơn.
Theo Nghị quyết, Việt Nam sẽ áp dụng toàn bộ nội dung của Công ước số 98. Về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 tại Phụ lục 02 và các văn bản pháp luật khác để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyềnkịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và thực hiện các cam kết trong Công ước số 98.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 98; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 98 để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đăng ký gia nhập Công ước số 98 và xác định thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam theo quy định của Công ước.
Nghị quyết cũng giao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại