Phú Thọ: UBND tỉnh yêu cầu dừng khai thác cát trên sông Chảy
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐất canh tác dọc bờ sông Chảy, đoạn qua xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ bị sạt lở nghiêm trọng kể từ khi đoạn sông trở thành “mỏ cát” của DN được quyền khai thác. Cho rằng cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, gần mười ngày qua nhiều nông dân đã tập trung trước trụ sở UBND xã Đông Khê, đánh trống, căng băng rôn… yêu cầu chấm dứt hoạt động khai thác cát tại địa phương.
Hiện tượng sạt lở đất canh tác diễn ra nghiêm trọng ở khu vực "mỏ cát" trên sông Chảy (xã Đông Khê) |
Trao đổi với PV báo PL&XH về sự việc, ông Doãn Minh Khang – Chủ tịch UBND xã Đông Khê cho biết: Hiện tượng sạt lở đất bãi bồi dọc sông Chảy, đoạn qua địa bàn xã thời gian gần đây diễn ra khá nghiêm trọng. Đã có khoảng gần 10ha đất canh tác của người dân bị cuốn trôi. Người dân địa phương cho rằng, thực trạng sạt lở đất do nguyên nhân DN tiến hành khai thác cát gây nên. Chính vì thế, mấy ngày nay họ tập trung tại UBND xã đòi cơ quan chức năng phải xử lý dứt điểm tình trạng trên.
“Chúng tôi đã tiến hành các buổi đối thoại với người dân. Đồng thời báo cáo các cơ quan cấp trên nhằm tìm hướng tháo gỡ. Về sự việc này, lãnh đạo UBND tỉnh, huyện và đại diện các cơ quan chức năng cũng về trực tiếp làm việc với bà con. UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã có văn bản yêu cầu Cty CP Vật tư và Xây dựng Đô thị Phú Thọ, đơn vị được cấp phép khai thác cát, phải tạm dừng hoạt động khai thác cát tại đoạn sông chảy qua địa bàn xã” – ông Doãn Minh Khang nói.
Cụ thể, tại văn bản số 1264/UBND-KTN về việc dừng khai thác cát sỏi lòng sông Chảy đoạn qua địa bàn xã Đông Khê, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo: Giao Sở TN&MT thông báo cho Cty CP Vật tư và xây dựng Đô thị Phú Thọ tạm dừng khai thác cát sỏi; giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với huyện Đoan Hùng, cơ quan liên quan kiểm tra tình hình sạt lở bờ vở sông, đề xuất báo cáo tỉnh phương án xử lý bảo đảm an toàn bờ vở sông Chảy, địa bàn xã Đông Khê.
Vệt sạt lở kéo dài cả km, nuốt trôi cả chục hecta đất bãi của nhiều hộ nông dân xã Đông Khê |
Như vậy, đây là lần thứ 2 cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ yêu cầu dừng khai thác cát, sỏi trên sông Chảy sau khi người dân tụ tập phản đối việc khai thác cát gây sạt lở đất sản xuất. Trước đó, ngày 28-6-2018 tại văn bản số 592/UBND-TNMT huyện Đoan Hùng cũng từng yêu cầu các đơn vị khai thác cát trên sông Chảy tạm dừng khai thác cát tại những điểm có nguy cơ sạt lở bờ vở sông; thực hiện các biện pháp phòng chống sạt lở bờ vở sông do hoạt động khai thác cát gây ra; tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Hình ảnh tàu khai thác cát hoạt động tại "điểm mỏ" trên sông Chảy, xã Đông Khê |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đến thời điểm tháng 4-2019 tình hình sạt lở đất nông nghiệp tại điểm mỏ khai thác cát trên sông Chảy, địa bàn xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng, không được ngăn chặn mà ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Cho rằng cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, ngó lơ cho các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi…, người dân xã Đông Khê đã cầu cứu khắp nhiều nơi, thậm chí họ dựng lều, đánh trống, tụ tập nấu cơm ăn ngay trước cổng trụ sở UBND xã.
“Kể từ khi UBND tỉnh Phú Thọ ký cấp giấy phép cho Cty CP Vật tư và xây dựng Đô thị Phú Thọ ngày 5-7-2017 thì DN trên được khai thác khoáng sản cát, sỏi trên diện tích 10,6ha tại 2 xã Đông Khê và Nghinh Xuyên, huyện Đoan Hùng. Khi DN tiến hành khai thác cát tại điểm mỏ được cấp phép, cũng là lúc xuất hiện tình trạng sạt lở đất nông nghiệp. Chúng tôi đã nhiều lần cầu cứu, lãnh đạo các cơ quan chức năng cho biết sẽ kiểm tra, làm rõ và động viên người dân giải tán, hoặc yêu cầu tạm dừng khai thác một thời gian. Nhưng sau đó, các tàu cát lại tiếp tục hoạt động đã khiến người dân mất niềm tin và cho rằng có sự “tiếp tay” cho các hành vi vi phạm trọng hoạt động khai thác cát ở địa phương…” – một người dân xã Đông Khê nói.
Được biết, là yêu cầu cơ quan chức năng ra quyết định chấm dứt vĩnh viễn hoạt động khai thác cát tại địa phương. Đồng thời yêu cầu DN được cấp quyền khai thác, phải đền bù số diện tích canh tác của những hộ gia đình đã bị sạt lở xuống lòng sông.
Người dân cũng cho PV báo PL&XH biết một thực tế đang xảy ra tại xã Đông Khê: Khi nhiều người dân có mảnh đất canh tác bị sạt lở dần mòn mất đến hơn 2/3 diện tích, thì lúc đó mới có người tìm đến nhà để rủ rỉ yêu cầu hộ có đất nhận một khoản tiền và bán đứt phần đất còn lại cho họ. Có những hộ, do quá chán nản vì công sức sản xuất cứ bị “hà bá” nuốt trôi, nên tặc lưỡi nhận tiền cho xong, nhưng phần nhiều các gia đình đều không chấp nhận điều đó. Nghiêm trọng hơn, là khu vực đê tràn Đồng Mả, trước đây cũng là nơi mà người dân tiến hành canh tác. Nhưng từ khi hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ, đã khiến ruộng đất của họ bị sạt lở, hiện tại đoạn đê này cũng đã bị nuốt trôi, không còn dấu tích.
Chính vì thế, người dân xã Đông Khê mong muốn cơ quan chức năng ra quyết định chấm dứt vĩnh viễn hoạt động khai thác cát tại địa phương; đồng thời yêu cầu DN khai thác cát phải đền bù thiệt hại tài sản của người dân, và tài sản của nhà nước (đoạn đê tràn Đồng Mã) đã bị cuốn trôi.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại