Phòng chống cháy nổ tại các chợ dân sinh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường vụ cháy tại chợ tạm đêm Phú Hà, thị xã Sơn Tây. (Ảnh: sontay.hanoi.gov.vn) |
Mới đây, Công an thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội vừa khống chế thành công vụ cháy tại chợ tạm đêm Phú Hà, không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản không đáng kể.
Được biết, ngọn lửa bốc cháy tại Kiốt số 3 chợ tạm đêm Phú Hà, phường Phú Thịnh của hộ kinh doanh Phạm Thị Lý. Điểm xuất phát cháy tại khu vực để chứa thùng xốp, túi nilon cách mặt đường khoảng 3m, sau đó cháy lan sang Kiốt số 2 và Kiốt số 4. Chất cháy chủ yếu là bàn ghế, xô, chậu nhựa, nilon, thùng xốp… Diện tích đám cháy khoảng 7m2.
Ngay khi nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động 2 xe chữa cháy cùng 14 cán bộ, chiến sỹ phối hợp cùng các lực lượng khác triển khai đội hình 01 lăng B, 01 lăng C phun khống chế đám cháy, ngăn chặn cháy lan sang các Kiốt xung quanh, đồng thời hỗ trợ di chuyển tài sản ra vị trí an toàn. Nguyên nhân ban đầu được xác định do chập điện.
Những năm trước, chợ Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), chợ Quang (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cũng từng xảy ra cháy nổ, đáng nói đây đều là những chợ lớn, đông quầy hàng hóa.
Nguyên nhân chủ yếu khiến các chợ dân sinh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao là bởi bên trong chợ có nhiều hàng hóa và vật liệu dễ cháy như đệm mút, bông, vải, nhựa, gỗ, giấy…Trong khi đó, ý thức về an toàn PCCC của bà con tiểu thương chưa cao. Nhiều gian hàng bố trí, sắp xếp cản trở hành lang, lối thoát nạn, thoát hiểm, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Bên cạnh đó, việc sử dụng hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn PCCC. Nhiều chợ chưa được cải tạo, dây dẫn điện cũ hay quá hạn sử dụng chưa phù hợp với tiêu chuẩn... dễ dẫn đến quá tải, chập điện. Thậm chí, còn xảy ra thực trạng các hộ kinh doanh câu móc điện lung tung, không có aptomat riêng biệt, sử dụng quạt điện, bóng đèn điện dùng dây dẫn cắm trực tiếp vào ổ cắm.Tại một số chợ còn có hiện tượng đun nấu ngay tại các ki-ốt, sạp hàng gần các mặt hàng dễ cháy. Một số người còn thắp nhang, thờ cúng, hút thuốc ngay tại ki-ốt…
Dù hiện nay, do yêu cầu phòng chống dịch, số lượng quầy hàng tại một số chợ đã được phân loại, hoạt động theo quy định, giảm bớt mua bán tràn lan bên ngoài khu vực chợ, nhưng cơ bản, hàng hóa và người thực hiện các hoạt động mua bán tại các khu chợ vẫn thường xuyên, liên tục, nên không thể lơ là, cảnh giác về yêu cầu PCCC.
Theo quy định tại Phụ lục II Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi, có quy định về danh mục cơ sở có quy hiểm về cháy, nổ trong đó có:
Chợ kiên cố, bán kiên cố thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của UBND cấp huyện trở lên; các chợ kiên cố, bán kiên cố khác, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa có tổng diện tích các gian hàng từ 300 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
Và tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 79/2014/NĐ-CP có quy định:
Chợ kiên cố, bán kiên cố thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên; các chợ kiên cố, bán kiên cố khác, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa có tổng diện tích các gian hàng từ 300 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.
Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở; Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy; Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ;
Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này; Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.
Để đảm bảo công tác PCCC tại các khu chợ phải coi tuyên truyền về phòng, chống cháy nổ. Nhiều ban quản lý chợ và các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đã yêu cầu các hộ kinh doanh ký bản cam kết về sử dụng điện như: Không tự ý dùng máy phát điện, ắc quy, kích điện… để thắp sáng, không tự ý kéo thêm dây điện, bắt bóng điện chiếu sáng tại quầy, ki ốt, đảm bảo cẩn thận các vật liệu cháy nổ… Tuy nhiên, cam kết phải đi kèm với kiểm tra thường xuyên, sát sao, chế tài phù hợp mới có hiệu quả.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại