Phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhát triển và nâng cao hiệu quả KTTT mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc |
5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Kinh tế tập thể (KTTT) là những cơ sở kinh tế do các thành viên tự nguyện góp vốn, tài sản, tư liệu sản xuất hoặc/và góp sức; cùng SXKD; cùng quản lý theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng; phân phối theo vốn góp, lao động hoặc theo mức độ tham gia dịch vụ; thành viên KTTT khi tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên thì được tổ chức KTTT trả lại phần vốn, tài sản, tư liệu lao động đã đóng góp. KTTT tồn tại dưới nhiều hình thức, phổ biến hơn cả là HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác... Trong đó, HTX được coi là loại hình nòng cốt của KTTT.
Chính phủ vừa có Nghị quyết 09/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. Để đạt được thành tựu kinh tế cao, Chính phủ chỉ ra 5 nhiệm vụ cụ thể, giải pháp chủ yếu để yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1- Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
2- Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT. Hoàn thiện khung pháp lý về KTTT với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX...) và các tổ chức đại diện để nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành...
3- Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Có chính sách phù hợp để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của KTTT. Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức KTTT; kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong trào quần chúng Nhân dân tham gia phát triển các tổ chức KTTT...
4- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với KTTT. Xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước về KTTT tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước và hỗ trợ, phát triển KTTT có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về KTTT.
5- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh HTX Việt Nam đối với phát triển KTTT.
Mục tiêu xây dựng và phát triển nền KTTT, phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi phát triển KTTT mà Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra, đó là: Đến năm 2030 có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên, 45.000 HTX với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức KTTT đạt loại tốt, khá.
Trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Đến năm 2045, thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức KTTT. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức KTTT, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức KTTT nằm trong bảng xếp hạng 300 HTX lớn nhất toàn cầu do Liên minh HTX quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức KTTT đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số (CĐS) vào hoạt động SXKD, dịch vụ.
“Kích hoạt” CĐS trong HTX
CĐS là quá trình tất yếu đối với các lĩnh vực, không ngoại trừ kinh tế hợp tác, HTX. Đây là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về phương thức làm việc, sản xuất, phục vụ đắc lực cho các DN nhỏ, HTX SXKD tốt hơn, bền vững hơn theo xu thế thời đại. Việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX.
TP Hà Nội cũng tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình SXKD, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Từ năm 2016 HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã tìm hiểu và thực hiện CĐS trong 2 lĩnh vực là: Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và Cụm công nghệ eGap.
Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. Còn công nghệ số eGap giúp HTX thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau.
Từ thành công này, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn tiếp tục thí điểm hoàn thiện quy trình CĐS đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, kết nối tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử Kinhpeec/vn và Cadosa.vn có xác nhận chất lượng eGap trên tem nhãn sản phẩm. Đến nay, HTX đã số hóa được hàng chục sản phẩm rau.
Còn Cty CP Rau an toàn Hải Anh, xóm Ba, xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội), đơn vị đã đứng ra thu mua và tiêu thụ rau cho những nông dân liên kết sản xuất với Cty, bằng cách đăng tải hình ảnh về nông sản, sản phẩm OCOP của đơn vị, rao bán thông qua website, các trang mạng xã hội... để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và đặt hàng an toàn trong mùa dịch bệnh. Nhờ vậy, mỗi ngày Cty đã tiêu thụ được khoảng 5-6 tạ rau, củ cho người nông dân...
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng: Để chương trình CĐS trong nông nghiệp thành công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam xây dựng Kế hoạch CĐS lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch hằng năm. Các đơn vị trong ngành nông nghiệp cũng phối hợp đồng bộ chương trình kinh tế số từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các DN CĐS và các DN phân phối tiêu thụ sản phẩm. UBND các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục chủ động nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị tư vấn, các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch CĐS, CĐS trong nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2022-2025 theo chỉ đạo UBND TP; liên kết với các DN CĐS, phân phối và tiêu thụ sản phẩm kết nối sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở minh bạch thông tin mã số vùng trồng, nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ như eGap... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại