Thứ tư 19/02/2025 04:32
Luật Thủ đô 2024

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
TS. Nguyễn Từ, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô năm 2024 đã đề cập việc thu hút, trọng dụng người có tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có cả quy định về người Việt Nam và người nước ngoài.
PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa trao đổi với các sinh viên về sản phẩm nghiên cứu khoa học trưng bày tại triển lãm sản phẩm sinh viên và các doanh nghiệp ngày 25/5/2024. Ảnh: Duy Thành
PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa trao đổi với các sinh viên về sản phẩm nghiên cứu khoa học trưng bày tại triển lãm sản phẩm sinh viên và các doanh nghiệp ngày 25/5/2024. Ảnh: Duy Thành

Thu hút, trọng dụng người có tài năng

Chia sẻ về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô theo quy định trong Luật Thủ đô 2024, TS. Nguyễn Từ, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô năm 2024 đã đề cập việc thu hút, trọng dụng người có tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có cả quy định về người Việt Nam và người nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 16 Luật Thủ đô 2024, việc thu hút, trọng dụng người có tài năng là công dân Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 16. Trong đó, người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Người được xét tuyển, tiếp nhận hoặc được ký hợp đồng làm việc quy định tại các điểm a, b và c khoản này được hưởng các chế độ, chính sách do Hội đồng Nhân dân Thành phố quy định.

Về chính sách ưu đãi, tại Điều 43 Luật Thủ đô 2024 quy định về các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố được ưu đãi như: dự án đầu tư thành lập mới cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tại các vùng khó khăn về kinh tế - xã hội; cơ sở đào tạo người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; dự án đầu tư thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các vùng khó khăn về kinh tế - xã hội; dự án hoạt động công nghệ cao, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô.

Dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải; dự án xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án phát triển làng nghề truyền thống.

Theo TS. Nguyễn Từ, Luật Thủ đô 2024 cũng quy định về một số dạng thức ưu đãi cũng được áp dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô. Trong đó, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bản thành phố. Đồng thời, miễn thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp hay một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu khi tham gia đấu thầu các gói thầu của thành phố, bao gồm yêu cầu về doanh thu, nguồn lực tài chính, hợp đồng tương tự và các yêu cầu khác để phù hợp với đặc thủ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo

TS. Nguyễn Từ cho biết thêm, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, vừa thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, Luật Thủ đô đã có một số quy định cụ thể để phát triển một số dạng thức mới có kiểm soát, đồng thời hướng tới thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo.

Điều 24 Luật Thủ đô 2024 về phát triển các khu công nghệ cao đề cập Ban Quản lý khu công nghệ cao và quy định: ban Quản lý khu công nghệ cao là tổ chức hành chính thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Theo quy định của Điều 24, Ban Quản lý khu công nghệ cao được chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được của các doanh nghiệp có trụ sở chính tại khu công nghệ cao hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị có vị trí công việc cần sử dụng người lao động nước ngoài mà phạm vi làm việc chỉ trong khu công nghệ cao; chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài của nhà thầu hoạt động tại khu công nghệ cao; cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động đối với người nước ngoài làm việc tại khu công nghệ cao; xác nhận người nước ngoài làm việc tại khu công nghệ cao không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Điều 25 Luật Thủ đô 2024 quy định về cơ chế cho phép việc thử nghiệm có kiểm soát. Đồng thời, Luật Thủ đô 2024 cũng quy định đối với việc xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố và quy định cụ thể đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, theo đó Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước.

Việc quy định về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước trong Luật Thủ đô 2024 đã bước đầu đáp ứng yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu công nghệ cao và phát triển mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo. Theo Điều 36 Luật Thủ đô 2024, thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.

Quỹ đầu tư mạo hiểm được bố trí vốn điều lệ từ ngân sách thành phố, được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trưởng, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn.

Tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Thủ đô phát triển
Kế hoạch soạn thảo, ban hành văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2025
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động