Phạt tiền cao gấp đôi đối với vi phạm đất đai, phòng cháy chữa cháy
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh dựng nhà trên đất nông nghiệp tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội Ảnh: Công Phương |
Hội đồng Nhân dân Thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn
Tại Điều 33, Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ trong việc xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn TP, Hội đồng Nhân dân TP (HĐNDTP) quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP.
Người có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định trong các lĩnh vực nói trên có quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn do HĐNDTP quy định đối với các vi phạm trong lĩnh vực đó.
Đồng thời, trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh sau:
- Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
- Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy.
- Công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt.
- Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động.
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
- Công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.
Ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn
Quy định về biện pháp đặc thù, vượt trội trong xử lý một số vi phạm hành chính nêu trên được các đại biểu Quốc hội thảo luận khá kỹ lưỡng tại Kỳ họp thứ 7. Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, Luật không coi biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà xác định đây là biện pháp hành chính do cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội.
Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong trường hợp khẩn cấp. Cho rằng việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước chưa phải là biện pháp mạnh mẽ và triệt để nhất nhưng với các yêu cầu rất cao về trật tự, an toàn xã hội tại Thủ đô, ông Hải cho rằng, đây là biện pháp cần thiết.
Luật được thông qua cũng đã quy định rõ nguyên tắc xác định về thẩm quyền áp dụng để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tránh lạm dụng. Đồng thời yêu cầu thể hiện việc áp dụng biện pháp này trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước mà các bên ký kết để tăng tính khả thi trong quá trình thực hiện. Đây được xem như là bước dự phòng ban đầu, thể hiện sự cam kết và trách nhiệm của các bên trong việc bảo đảm an toàn, trật tự ở trên địa bàn TP.
Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phân tích, Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, nơi tập trung rất đông dân cư, khách du lịch cũng rất lớn, nên có yêu cầu cao về an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy... Qua những vụ hỏa hoạn cũng như vấn đề an ninh trật tự của Hà Nội cho thấy, việc cho phép chính quyền Hà Nội được áp dụng biện pháp đặc thù trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô là cần thiết, và các quy định được giới hạn chặt chẽ trong Luật Thủ đô (sửa đổi) phù hợp với yêu cầu về quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm xuất phát từ vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô. Thủ đô cần phải có các yêu cầu cao hơn trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhất là về phòng cháy, chữa cháy, lấn chiếm đất công, xây các công trình trái phép...
Luật được thông qua cũng quy định rõ trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ điện, nước trong việc ngừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu của người có thẩm quyền. Theo đó, người cung cấp dịch vụ điện, nước phải thông báo cho người sử dụng dịch vụ và thể hiện trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước...
Không có giải pháp PCCC, nhà ở kết hợp kinh doanh sẽ không được hoạt động | |
Quyết liệt xử vi phạm phòng cháy chữa cháy |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại