Thứ sáu 29/03/2024 14:02

Phát huy vai trò và trách nhiệm của Tuổi trẻ Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội,  đảng viên, đoàn viên và thanh niên Thủ đô đã tích cực tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ.    

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội khoá XV, Kỳ họp lần thứ 25, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Chu Hồng Minh đã thông tin về những ý kiến đóng góp của đảng viên, đoàn viên và thanh niên Thủ đô.

Qua tổng hợp, các ý kiến đóng góp đều cơ bản tán thành với những nội dung được nêu trong Dự thảo, đánh giá Dự thảo Báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu với 70 trang, trong đó 28 trang là phần kết quả thực hiện Nghị quyết, 7 trang đánh giá tổng quát, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và 34 trang là phần mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới là cân xứng; nội dung báo cáo đã bao trùm trên các lĩnh vực, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế, từ đó, đề ra những giải pháp để khắc phục. Nhất trí cao với kết cấu, bố cục, chủ đề và phương châm đại hội XVII Đảng bộ thành phố, trong đó, có nhiều điểm mới, điểm nhấn...

phat huy vai tro va trach nhiem cua tuoi tre thu do
Những ý kiến của đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt được Thành đoàn Hà Nội tổng hợp đóng góp vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. (Ảnh: Mai Anh)

Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn những nội dung trong Dự thảo và khẳng định rõ hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Thành đoàn Hà Nội đề xuất bổ sung những ý kiến đóng góp. Cụ thể:

Một là, ngay từ trang 2 của Báo cáo trước khi vào kết quả cụ thể ở các lĩnh vực, báo cáo cần khẳng định giá trị của việc ban hành các văn bản lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI ngay từ đầu nhiệm kỳ, cụ thể bổ sung đoạn văn bản sau: Trong nhiệm kỳ qua, với mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xây dựng và ban hành 08 chương trình công tác và 02 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa. Theo đó đã triển khai thực hiện có hiệu quả 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá, 14 vấn đề trọng tâm phát triển Thủ đô và 16 chỉ tiêu Đại hội đã đề ra”.

Hai là, trong Báo cáo khi viện dẫn các Chương trình của Thành ủy cần nêu rõ tên chương trình để người đọc là cán bộ, đảng viên, nhân dân biết và dễ hiểu; đồng thời dễ liên hệ, so sánh với các nội dung diễn giải về kết quả thực hiện chương trình. Hiện nay, Chương trình số 03-CT/TU về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020” chưa được viện dẫn trong báo cáo; đồng thời nội dung phát triển kinh tế tuy đã nêu khá cụ thể song cũng chưa phản ánh rõ nét kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.

Ba là, về kết quả thực hiện 3 khâu đột phá. Cơ bản khâu đột phá về hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và khâu đột phá về cải cách hành chính đã được khẳng định và nêu kết quả cụ thể trong báo cáo. Tuy nhiên, khâu đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới thì trong dự thảo Báo cáo còn chưa được khẳng định là khâu đột phá. Kết quả xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn chung chung trong dung lượng 6,5 dòng văn bản tại trang 08; 03 dòng văn bản ở nội dung ưu điểm trang 30 và 2,5 dòng văn bản ở nội dung hạn chế tại trang 33. Như vậy với việc đánh giá kết quả thực hiện một khâu đột phá của nhiệm kỳ là chưa tương xứng. Do đó, báo cáo cần nêu rõ hơn, đặc biệt là giá trị, sức lan tỏa, sự chuyển biến trong cán bộ, nhân dân Thủ đô khi thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố.

Bốn là, nội dung trong các phần I.1 (Kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; năng suất, chất lượng, hiệu qủa và sức cạnh tranh được cải thiện); I.2 (Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực); I.14 (Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt kết quả quan trọng) được trình bày hơi dài so với các phần còn lại.

Năm là, trong mục I.6 về “Phát triển khoa học và công nghệ được chú trọng đẩy mạnh”, nên bổ sung “Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu VietChallenge”, Ngày hội “Thành phố khởi nghiệp sáng tạo” vào sau “Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội”.

Sáu là, trong mục I.12 về Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cần bổ sung thêm kết quả cụ thể trong việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6, Chương trình 01-CTr/TU và Đề án 06-ĐA/TU; Đề án 21-ĐA/TU của Thành ủy; bổ sung thêm số liệu các công trình an sinh xã hội của các đoàn thể như: xây dựng nhà nhân ái, trồng cây xanh, hoạt động hiến máu tình nguyện; nên bổ sung những phong trào tiêu biểu của từng đoàn thể để tăng thêm vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội.

Bảy là, trong phần I.14 về “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng”, nên để nội dung: “Công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể quần chúng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội” trở thành một mục riêng bởi đây là điểm mới, sáng tạo riêng có của Thủ đô Hà Nội nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, đảm bảo vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Tám là, trong phần “Đánh giá tổng quát, về hạn chế trong việc phát triển khoa học - công nghệ”, nên bổ sung “hỗ trợ kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế còn hạn chế”“cơ chế chính sách cho các lĩnh vực kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ nội địa còn yếu, dẫn tới tình trạng “bảo hộ ngược” trong một số ngành, nghề, lĩnh vực; bổ sung thêm nhận định về khoa học công nghệ trong phần “sự nghiệp văn hóa - xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ…” (trang 30).

Chín là, trong phần Bài học kinh nghiệm, nên bổ sung “đầu tư” sau cụm từ “quan tâm” đối với “công tác nghiên cứu khoa học”.

Về mục tiêu, nhiệm vụ và những trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2020 – 2025, Dự thảo báo cáo xác định 20 chỉ tiêu, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Đảng bộ Thành phố giai đoạn 5 năm 2020 - 2025 là hoàn toàn phù hợp và toàn diện.

Mộc Miên (ghỉ)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động