Thứ sáu 19/04/2024 06:47
Sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô

Phát huy tiềm năng, thế mạnh, “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”

Chiều 19-1, tại UBND quận Hoàn Kiếm đã diễn ra tọa đàm về thi hành Luật Thủ đô và đề xuất cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chủ trì tọa đàm.

Tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, qua việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, tổng kết thi hành Luật Thủ đô cho thấy: TP Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, Hà Nội cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đảm bảo trật tự, an toàn, kỷ cương xã hội.

Những tồn tại, hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, trong đó, nguyên nhân chủ quan là cơ bản, nhưng cũng xuất phát từ một trong những nguyên nhân khách quan rất quan trọng là hệ thống pháp luật còn có những hạn chế, vướng mắc, thậm chí là “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, TP Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, TP Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành

Luật Thủ đô năm 2012 được Trung ương quan tâm chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương ủng hộ và được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 4, với mong muốn là một đạo luật quan trọng có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, qua 8 năm thi hành, Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành Luật không cao, dẫn đến Luật Thủ đô khó đi vào cuộc sống.

Hiện nay, TP Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, yêu cầu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội, trong đó tập trung vào 4 vấn đề chính sách lớn.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nêu kiến nghị các cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế ban đêm; tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xây dựng chính quyền đô thị
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nêu kiến nghị các cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế ban đêm; tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xây dựng chính quyền đô thị

Cụ thể: (1) Đổi mới tổ chức bộ máy các cấp chính quyền TP theo hướng tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt của Thủ đô; (2) Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; (3) Nâng cao tính chủ động, ổn định, tăng nguồn thu của ngân sách, thu hút nguồn lực của xã hội phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển Thủ đô; (4) Tăng cường phân quyền, phân cấp trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự để nâng cao tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền TP Hà Nội.

Tạo thuận lợi cho việc phát triển diện mạo đô thị

Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thời gian qua có những thuận lợi, khó khăn, bất cập; đồng thời đưa ra những kiến nghị cụ thể và việc sửa Luật Thủ đô là thực sự cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô.

Trong đó, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nêu kiến nghị các cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế ban đêm; tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xây dựng chính quyền đô thị.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc lựa chọn quận Hoàn Kiếm để khảo sát việc xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là phù hợp với thực tế, bởi đây là địa bàn mang đầy đủ bản chất của Thủ đô, gắn với văn hóa Thăng Long
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc lựa chọn quận Hoàn Kiếm để khảo sát việc xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là phù hợp với thực tế, bởi đây là địa bàn mang đầy đủ bản chất của Thủ đô, gắn với văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc lựa chọn quận Hoàn Kiếm để khảo sát việc xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là phù hợp với thực tế, bởi đây là địa bàn mang đầy đủ bản chất của Thủ đô, gắn với văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Điều đó cho thấy việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần xác định được vị trí của Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, sau đó là trung tâm giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, kinh tế, trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Hà Nội vừa là Thủ đô, vừa là kinh đô ngàn năm văn hiến với những yếu tố văn hóa đậm nét, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội còn thấp, Hà Nội còn dư địa, lợi thế của địa phương đi sau trong lĩnh vực này; 80% các trường đại học trên cả nước đóng trên địa bàn, cùng 65% đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học của cả nước tại Hà Nội. Vì thế, việc xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tính đến những đặc thù cho việc phát triển quận Hoàn Kiếm, với vị thế là quận nội đô của Thủ đô Hà Nội.

“Ngoài ra, cần có các cơ chế, chính sách để phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của quận Hoàn Kiếm cũng như Thủ đô Hà Nội; đầu tư xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Đồng thời, việc xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển diện mạo đô thị của quận Hoàn Kiếm cũng như Thủ đô khi Luật Thủ đô sửa đổi là hết sức cần thiết” - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Hồng Thái
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động