Chủ nhật 19/05/2024 07:31

Phát hiện sớm, xử lý nghiêm vi phạm xây dựng ngay từ những viên gạch đầu tiên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại Hội nghị giao ban trực tuyến quý 3-2018 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP với các quận, huyện, thị xã.

Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá 2 nội dung: Kết quả 1 năm thực hiện NQ số 11-NQ/TU, ngày 31-5-2017, của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Kết quả khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP, sau 1 năm thực hiện NQ số 11, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường đã được đẩy mạnh. Năm 2017, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường đã kiểm tra, thanh tra gần 2,6 nghìn cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 751 cơ sở với số tiền gần 18,5 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng của TP đã kiểm tra, thanh tra tại 681 cơ sở, xử phạt 159 cơ sở với số tiền trên 5,1 tỷ đồng.

phat hien som xu ly nghiem vi pham xay dung ngay tu nhung vien gach dau tien

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh:T.T

Nhằm khắc phục, xử lý các điểm ô nhiễm môi trường, năm 2017, TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) tiến hành rà soát, kiểm tra, xác định 187 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn 21 quận, huyện, thị xã. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT đang tiến hành phân loại, đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm tại các điểm này để đề xuất phương án xử lý, khắc phục. Đồng thời, TP tiếp tục triển khai cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ nội thành bằng chế phẩm Redoxi-3C. Đến nay, đã xử lý được 88 hồ trong khu vực nội thành và 44 hồ khu vực ngoại thành; lắp đặt bè thủy sinh trên 61 hồ và máy sục khí trên 49 hồ; tiến hành nạo vét bùn tại 8 hồ khác.

Đối với công tác xử lý nước thải sinh hoạt, TP đang vận hành hiệu quả các trạm xử lý nước thải hiện có, như: Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Yên Sở, Bắc Thăng Long - Vân Trì, Hồ Tây, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực để đến năm 2020 tiếp tục đưa vào vận hành các dự án xử lý nước thải Yên Xá; hệ thống thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực quận Hà Đông, Sơn Tây; Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô; trạm xử lý nước thải Đầm Bẩy (Hồ Tây)…

Bên cạnh những kết quả trên, báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP cũng chỉ ra một số điểm còn tồn tại, hạn chế, như việc phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện còn chưa chặt chẽ; một số đơn vị triển khai các nhiệm vụ còn chậm; việc thực hiện nhiều chỉ tiêu của NQ 11 còn chưa đạt yêu cầu, cần phải tập trung trong thời gian tới.

Ban Cán sự Đảng UBND TP đề ra 4 nhóm giải pháp lớn, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường; huy động sự tham gia của nhân dân trong việc hạn chế, tiến tới không sử dụng bếp than tổ ong; vận động nhân dân thu gom rác thải, vệ sinh môi trường hàng tuần gắn với tham gia phong trào trồng cây xanh, trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát về môi trường; xử lý nghiêm khắc, triệt để các trường hợp vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải làm rơi vãi; đề xuất tăng mức xử phạt nặng đối với chủ cơ sở, công trình gây ô nhiễm môi trường; hoàn thiện việc quy hoạch mạng lưới điểm tập kết, trung chuyển rác thải, đảm bảo mỗi xã có tối thiểu từ 1-2 điểm tập kết, trung chuyển rác thải, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đổ đất, phế thải không đúng nơi quy định…

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua và chỉ rõ một số nhiệm vụ cần thực hiện để khắc phục những tồn tại, hạn chế như: Xử lý, thu gom rác thải sinh hoạt, phải tăng cường kiểm tra, những đơn vị nào không đảm bảo yêu cầu phải xử lý nghiêm; Việc triển khai thực hiện các dự án về môi trường nhìn chung tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý ô nhiễm, cải tạo chất lượng nước sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy còn chưa được chú trọng; di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra...

Nhấn mạnh một số giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tiếp theo, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị các quận, huyện, Sở ngành phải tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. “Các cấp ủy đảng, chính quyền phải thấy được trách nhiệm của mình trong vấn đề này để chỉ đạo; chi tiết hóa các kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, kiểm tra thường xuyên để xử lý”.

Trong công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, đề nghị UBND TP chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch còn thiếu, cùng với đó là các quy chế quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, đây là những công cụ giúp thực hiện tốt công tác quản lý; bàn giao các quy hoạch, mốc giới để các quận, huyện quản lý cho rõ trách nhiệm; sớm triển khai quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát đầu tư xây dựng theo giấy phép đã cấp để phát hiện sớm vi phạm, xử lý nghiêm ngay từ những viên gạch đầu tiên, không làm cho tình hình phức tạp và không để thành “sự đã rồi”.

Nhấn mạnh 2 lĩnh vực bảo vệ môi trường và quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng rất quan trọng, quyết định tới sự phát triển bền vững của Thủ đô, do vậy, cả hệ thống chính trị phải tập trung thực hiện, làm tốt trong thời gian tới.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động