Thứ bảy 27/04/2024 02:53
Nguyên Tổng Biên tập Báo Pháp luật & Xã hội Nguyễn Văn Bình

Pháp luật & Xã hội luôn là kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm 2001, tôi bắt đầu về công tác tại Sở Tư pháp Hà Nội và được giao phụ trách Bản tin Pháp luật Thủ đô, khi đó xuất bản 2 kỳ/tháng. Thời gian đầu, đội ngũ nhân sự của bản tin còn thưa thớt, chỉ khoảng 5-6 người, gồm có tôi và các đồng chí: Nguyễn Xuân Khánh, Đỗ Thị Phương Hoa, Nguyễn Thị Lý, Võ Thúy Quỳnh và một số đồng chí đã chuyển công tác khác như: đồng chí Ngọc Trâm, Hoàng Phương, Kiều Phong Lan.
Pháp luật & Xã hội luôn là kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả

Nguyên TBT Báo PL&XH Nguyễn Văn Bình

Sau một thời gian hoạt động, bản tin được ghi nhận khi đã có những bài viết tốt, truyền tải được những văn bản pháp quy như: Tư vấn pháp luật, câu chuyện hoà giải,… Bản tin Pháp luật Thủ đô đã có những bước phát triển vững vàng. Thời điểm đó, Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ được đặc biệt chú trọng, TP cũng nhận thấy nhu cầu tiếp tục phải có một tờ báo để tuyên truyền về lĩnh vực pháp luật.

Ngày 17/7/2006, UBND TP Hà Nội quyết định thành lập báo Pháp luật & Xã hội trên cơ sở nâng cấp bản tin Pháp luật Thủ đô. Ngay sau đó, ngày 20/7, tờ báo Pháp luật & Xã hội ra số đầu tiên. Tôi còn nhớ, để chuẩn bị cho việc xuất bản số báo đầu tiên, cả đội ngũ nhân sự vốn còn non trẻ và thưa thớt ấy đã phải lao động cật lực, miệt mài trong nửa tháng liền. Từ khâu đọc bông cho đến khi ra nhà in đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, không để xảy ra sai sót nào.

Ngoài đội ngũ làm báo khi đó, còn có sự tham gia của đồng chí Đặng Văn Khanh - Giám đốc Sở Tư pháp lúc bấy giờ, trực tiếp theo dõi ma két báo. Để có được thành công bước đầu, không thể không nhắc tới sự giúp đỡ chân tình, vô tư của các anh, chị như: nữ nhà thơ Tố Hoa, anh Hoàng Ngọc Châu cùng với anh em họa sĩ bên báo An ninh Thủ đô, Khoa học và Đời sống.

Pháp luật & Xã hội luôn là kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả

Tôi nhớ mãi kỷ niệm về số báo đầu tiên. Hôm ấy, khoảng 8h tối, sau khi in xong, mọi người cùng tập trung để đọc báo. Tôi cùng với cố nhà văn Tuấn Vinh cùng ngồi đọc lại. Lúc đó, anh Tuấn Vinh có nhận xét: “Tờ báo có nhiều bài đọc được, thậm chí có nhiều bài hay, đặc sắc, toát lên một nét riêng, độc đáo. Nhiều bài viết chuyên sâu về luật nhưng lại rất dễ đọc”.

Lúc bấy giờ, tờ báo tuy còn non trẻ nhưng đã có nhiều chuyên mục hay, hấp dẫn bạn đọc như: Tư vấn pháp luật, Phóng sự - điều tra, 25 độ C... Chẳng hạn như chuyên mục 25 độ C do nhà báo Nguyễn Triều - một cây bút có tiếng của báo Hà Nội mới chắp bút.

Có nhiều anh em, bạn bè đồng nghiệp cũng như bạn đọc thắc mắc tại sao lại đặt tên chuyên mục là 25 độ C? Ý tưởng đặt tên chuyên mục đó xuất phát từ một công văn của TP về việc tiết kiệm điện, khuyến khích mọi người khi sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ không thấp hơn 25 độ C. Đây là mức nhiệt độ vừa đảm bảo được yếu tố tiết kiệm, lại vừa giữ được mức nhiệt độ hài hòa (không nóng quá và cũng không bị lạnh quá). Đối với tuyên truyền pháp luật cũng vậy, cần phải làm sao để giữ được sự hài hòa, không bị căng thẳng, khô cứng quá.

Những ngày đầu tiên ấy qua đi, Pháp luật & Xã hội dần trưởng thành, ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc Hà Nội và cả nước. Trong suốt quãng thời gian tồn tại và phát triển, báo Pháp luật & Xã hội đã thực hiện tốt việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong từng thời kỳ, cũng như việc báo Pháp luật & Xã hội được phát đến từng tổ hòa giải, đã giải quyết tốt khâu ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm ngay tại cơ sở.

Pháp luật & Xã hội luôn là kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả

Báo cũng luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, có sự phối hợp tuyên truyền với Vụ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ tư pháp, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cục Phòng chống tội phạm về trật tự - xã hội,…

Những ngày đầu tiên, báo chỉ ra 1 số/tuần, tuy nhiên, trước nhu cầu không ngừng gia tăng của bạn đọc, các sạp báo, đại lý phát hành, báo đã từng bước tăng số kỳ xuất bản lên tới 4 kỳ/tuần. Có những số báo tiếp cận được tới 200.000 bạn đọc.

Nhiều chuyên trang, chuyên mục của báo đã tạo được thương hiệu như: Văn bản pháp luật mới, Câu chuyện hòa giải, Thủ tục hành chính, Trợ giúp pháp lý, Góc nhìn thẳng, Vụ án tiêu điểm, Điều tra nóng, Phóng sự xã hội, Hồ sơ tư liệu, Tư pháp với người dân, Kết nối đa chiều, Ký sự pháp đình... thu hút lượng quan tâm lớn của độc giả. Nhiều PV, lãnh đạo cơ quan báo chí đã từng công tác, trưởng thành từ báo như: Hà Ánh Bình, Đỗ Minh Tuấn, Phạm Văn Dùng, Nguyễn Viết Việt, Trần Quang Khởi…

Báo cũng có được đội ngũ cộng tác viên vì yêu quý tờ báo nên rất gắn bó như cố nhà văn Tuấn Vinh- lúc đó chịu trách nhiệm về mảng Văn hóa - Xã hội, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Đoàn Tử Diễn… Điều đó cho thấy, Pháp luật & Xã hội là một tờ báo không chỉ tuyên truyền về pháp luật đơn thuần, mà còn là tờ báo có yếu tố văn hóa. Các chuyên mục như Tản văn, truyện ngắn… được lồng ghép, truyền tải cho bạn đọc cách ứng xử văn hóa, cũng như góp phần phục vụ tốt hơn cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Cho đến hiện tại, khi sáp nhập vào báo Kinh tế & Đô thị, Pháp luật & Xã hội vẫn luôn là kênh tuyên truyền pháp luật rất hiệu quả. Đồng thời, bên cạnh những thành tựu phát triển về kinh tế của TP cũng có bóng dáng của đội ngũ những người làm pháp luật, những người tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật, giúp người dân đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm túc các quy định về pháp luật.

Bàn giao, tiếp nhận Chi bộ và các tổ chức đoàn thể Báo Pháp luật & Xã hội về Báo Kinh tế & Đô thị
Pháp luật & Xã hội: Hành trình nỗ lực mở ra những cơ hội
UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo xử lý sai phạm sau phản ánh của Pháp luật & Xã hội
16 năm Pháp luật & Xã hội: Bản lĩnh và khiêm nhường
Duy Linh (ghi)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động