Thứ năm 21/11/2024 16:29
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển cống hiến hết mình cho ngành múa Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển (SN 1943) là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng của ngành múa Việt Nam. Cả sự nghiệp của mình, bà không ngừng nỗ lực, sáng tạo nên những tác phẩm múa xuất sắc, được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển ngành múa của nước nhà.
PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển cống hiến hết mình cho ngành múa Việt Nam
PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển. Ảnh: NVCC

Gia tài nghệ thuật đồ sộ

PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển được biết đến là một trong những nghệ sĩ gạo cội, đặt nền móng cho lĩnh vực biên đạo múa chuyên nghiệp của Việt Nam. Nữ nghệ sĩ chia sẻ, bà sinh ra ở Phú Xuyên (Hà Nội) nhưng năm 3 tuổi đã phải cùng gia đình tản cư bởi thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Hà Nội năm 1946.

Cả gia đình bà vào Nghệ An, sống ở vùng Đô Lương. Khi bà học hết lớp 4, gia đình chuyển về TP Vinh để các con có điều kiện học hành. Năm lớp 8, bà đang học tại Trường Huỳnh Thúc Kháng thì có giáo viên Trường Múa ngoài Hà Nội về tuyển chọn. Bà mạnh dạn tham gia và vượt qua vòng sơ tuyển. Bố mẹ biết tin bà được ra Hà Nội thi tiếp thì không tin con gái sẽ đỗ bởi theo ông bà, con gái chỉ giỏi múa ở nhà, còn múa ở Hà Nội sẽ có rất nhiều “đối thủ” mạnh. Nhưng bố vẫn động viên con ra Hà Nội thi, cũng là thăm thú quê hương của mình.

Với sự cố gắng của mình, bà trúng tuyển, trở thành học viên Khóa 1 Trường Múa Việt Nam vào năm 1959. Với thành tích xuất sắc của năm học thứ nhất, bà được cử sang Liên Xô học biên đạo tại Trường Đại học Nghệ thuật Sân khấu Quốc gia Mátxcơva.

“Sống và học tập tại Liên Xô, chúng tôi trải qua rất nhiều khó khăn như nhớ nhà, thời tiết khắc nghiệt, việc luyện tập gắt gao… nhưng ai nấy đều cố gắng vượt qua mọi thử thách, với mong muốn về nước, cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà” - PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển chia sẻ.

Kết thúc khóa học, bà tốt nghiệp với tấm bằng đỏ xuất sắc và trở về nước, công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, hỗ trợ các nghệ sĩ của nhiều đoàn nghệ thuật như Đoàn Ca Múa Hà Nội (nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long), Đoàn Ca Múa Nghệ Tĩnh, Đoàn Ca Múa Kịch Nghệ An…

Cô gái trẻ ngoài 20 khi ấy tràn đầy nhựa sống và khát khao cống hiến. Bà đặt chân đến nhiều vùng miền trong cả nước để tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo nên những tác phẩm xuất sắc. Dù học tập lâu năm tại môi trường nước ngoài nhưng những tác phẩm của bà luôn thấm đẫm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hòa cùng tinh hoa văn hóa thế giới.

Theo nữ nghệ sĩ, hồn cốt dân tộc là điều phải luôn được làm nổi bật trong các tác phẩm nghệ thuật vì điều đó tạo nên lòng tự tôn dân tộc, tình yêu đất nước, con người, sống vị tha, bác ái. Đó cũng là lý do bà luôn nghiêm túc, chuyên nghiệp, chỉn chu, cố gắng chắt chiu những khoảnh khắc đắt giá đưa vào các tác phẩm múa.

PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển cống hiến hết mình cho ngành múa Việt Nam
PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển hướng dẫn các nghệ sĩ trẻ tại Nghệ An. Ảnh: NVCC

Gia tài nghệ thuật của PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển gồm hàng trăm tác phẩm múa với đủ các hình thức, thể loại như: kịch múa, thơ múa, tổ khúc múa, múa tình tiết, múa trong các vở diễn sân khấu…Những tác phẩm múa của bà gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả phải kể đến kịch múa: “Trừ Văn Thố”, “Thạch Sanh” (Nguyễn Thị Hiển, Thanh Hùng) và các tác phẩm múa: “Những cô gái Chàm”, “Xuân về trên bản Khơ Mú”, “Nhớ về Đồng Lộc”, “Hoa phong lan trên đỉnh Truông Bồn”, “Những cô gái sông Hương”, “Bức tranh thôn nữ”, “Bên dòng sông quê hương”, “Quê hương”, “Những cánh hoa xuân”…

Bà cũng là một trong những nghệ sĩ của ngành múa Việt Nam vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2022 cho chùm tác phẩm: Thơ múa “Hoa phong lan trên đỉnh Truông Bồn”, “Xuân về trên bản Khơ Mú” và “Bức tranh thôn nữ”.

Trong đó, Thơ múa “Hoa phong lan trên đỉnh Truông Bồn” thể hiện hình tượng những cô gái thanh niên xung phong trong tiểu đội thép anh hùng, đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc đấu tranh giành độc lập tư do và thống nhất đất nước đã chạm đến tận cùng trái tim khán giả.

Sau khi tác phẩm này ra đời, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tặng PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển “Kỷ niệm chương thanh niên xung phong” (1995) và “Huy chương vì thế hệ trẻ” (1996). Thơ múa “Hoa phong lan trên đỉnh Truông Bồn” của bà cũng được tặng huy chương Vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 1995; Giải thưởng nghệ thuật hạng A - Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam 1995; Giải thưởng Văn học nghệ thuật hạng Nhì của Bộ Quốc phòng về đề tài Lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc (1994 - 1999).

Tác phẩm “Xuân về trên bản Khơ Mú” ca ngợi vẻ đẹp và tình yêu đôi lứa trong sáng, đằm thắm của các chàng trai, cô gái Khơ Mú trong những ngày xuân rực rỡ được xây dựng từ chất liệu múa dân gian của dân tộc Khơ Mú tỉnh Nghệ An. Tác phẩm đã được tặng huy chương Vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 1985; Giải A tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc năm 1994.

Tác phẩm “Bức tranh thôn nữ” thể hiện hình tượng cô thôn nữ với vẻ đẹp trữ tình kín đáo, tràn đầy những cảm xúc sâu lắng và vẻ đẹp tâm hồn của cô gái trẻ trước cảnh sắc mùa xuân. Tác phẩm đạt huy chương Bạc Hội thi Ca Múa Nhạc dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc 1992; Giải thưởng nghệ thuật xuất sắc - Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (1992)…

PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển cũng được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 với các tác phẩm Kịch múa Trừ Văn Thố; Múa quạt (Dân tộc Chăm) và Thơ múa Trên ngã ba Đồng Lộc.

PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển cống hiến hết mình cho ngành múa Việt Nam
PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển hướng dẫn nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh biểu diễn. Ảnh: NVCC

Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, bà vinh dự được tặng 16 Huy chương Vàng, Bạc, giải riêng cho Biên đạo múa trong các kì Hội diễn, Hội thi Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, 4 giải thưởng Nghệ thuật hạng A, 2 giải thưởng hạng B, và rất nhiều giải thưởng hạng C của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Hai giải Nhì của Bộ Quốc phòng tặng các tác phẩm có giá trị nghệ thuật về đề tài người lính, lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng…

Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ

Với mong muốn lan tỏa, phát triển ngành múa đến nhiều thế hệ, PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển quyết định bước vào con đường giảng dạy. Năm 1983, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nghệ thuật học tại Học viện Nghệ thuật Sân khấu Matxcơva, bà về làm giảng viên và là Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm khoa Múa, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Múa của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Với phương pháp dạy gần gũi, mộc mạc, học đi đôi với hành, bà đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên thêm say mê, bền bỉ gắn bó với ngành múa.

Cũng bởi mong muốn chuyên tâm cho chuyên môn cũng như chăm lo gia đình nên PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển đã "từ chối" nhiều lời mời làm lãnh đạo. Bà chia sẻ bản thân không thích làm quản lý, cộng với gia đình neo người, chồng bà - NSND Bùi Đình Hạc công việc bận rộn nên bà muốn chăm lo tốt cho con cái.

PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển cống hiến hết mình cho ngành múa Việt Nam
Một tiết mục múa do PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển biên đạo. Ảnh: NVCC

Ngoài việc sáng tác, giảng dạy, PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển còn tham gia nghiên cứu khoa học, chủ trì và tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, chủ biên và biên soạn hầu hết các chương trình đào tạo đại học, cao đẳng Biên đạo Múa cho Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) và là một trong 5 tác giả biên soạn các mục từ về nghệ thuật múa cho Từ điển Bách Khoa Việt Nam, đã xuất bản năm 2002.

Đặc biệt, bà còn là tác giả của công trình nghiên cứu khoa học - giáo trình cấp Bộ đầu tiên của ngành múa Việt Nam “Nghệ thuật biên đạo múa” được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá loại xuất sắc và đã được Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam tặng Giải thưởng hạng A năm 2005; được NXB Văn học, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội xuất bản năm 2008.

PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển cống hiến hết mình cho ngành múa Việt Nam
PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển cùng học trò của mình, là biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh và NSND Mai Trung Kiên. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển còn là giảng viên cao cấp giảng dạy môn chuyên ngành chính Nghệ thuật biên đạo múa đại học từ năm thứ nhất đến năm cuối cùng, hướng dẫn các bài thi tốt nghiệp cho 8 khóa đại học biên đạo múa. Trong số học viên của bà có tới 9 người được phong danh hiệu NSND, hơn 30 biên đạo khác đã được phong danh hiệu NSƯT (tính đến năm 2018).

PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển đã có một sự nghiệp nghệ thuật rực rỡ, với nhiều thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện tại, bà đã về nghỉ hưu nhưng vẫn đau đáu một tình yêu son sắt với nghệ thuật. Bà hy vọng các thế hệ nghệ sĩ sẽ luôn giữ sự nhiệt huyết, đam mê, gìn giữ nghề để nghệ thuật nước nhà thêm tỏa sáng và gặt hái nhiều thành công.

PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển cống hiến hết mình cho ngành múa Việt Nam
Ảnh gia đình của PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển. Ảnh: NVCC

Về đời tư, PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển là vợ của cố NSND Bùi Đình Hạc - một đạo diễn tài ba của điện ảnh nước nhà. Ông là một trong những nghệ sĩ đặt viên gạch đầu tiên cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nhiều bộ phim nổi tiếng ông từng thực hiện như: Đường về quê mẹ, Nguyễn Văn Trỗi, Hà Nội 12 ngày đêm; các phim tài liệu: Nước về Bắc Hưng Hải, Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin, Đường về Tổ quốc, Hồ Chí Minh - chân dung một con người…Trong đó có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Điều đặc biệt của gia đình hai NSND là ông bà đều vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Hai nghệ sĩ sinh được hai người con, một trai, một gái, đều theo nghệ thuật. Trong đó, con trai của ông bà là NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải, một đạo diễn, biên kịch tài năng, từng có nhiều phim giành được giải thưởng cao tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Tiết lộ về vai diễn đặc biệt của “Em bé Điện Biên” gây sốt trên mạng xã hội Tiết lộ về vai diễn đặc biệt của “Em bé Điện Biên” gây sốt trên mạng xã hội
Giọng đọc Giọng đọc "mê hoặc" khán giả của đội thuyết minh Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động