Ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo buộc, không hài lòng với thái độ của bị cáo Trịnh Xuân Thanh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhông bằng lòng với thái độ của bị cáo Trịnh Xuân Thanh
Tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng bày tỏ thái độ không bằng lòng với thái độ đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh. “Anh Thanh nói, nếu tập đoàn không chỉ đạo thì PVC không làm. Nói xin lỗi anh Thanh, anh Thanh nói thế là tự tát…” – lời bị cáo Thăng. Ông Thăng cho rằng, việc thẩm định giá hợp đồng để làm dự án Ethanol Phú Thọ là quyền của chủ đầu tư.
“Đại diện VKSND nói có nhóm lợi ích, tôi xin được trao đổi lại, nhóm lợi ích nào, bao nhiêu tiền?” – bị cáo Thăng đề nghị đại diện VKSND đối đáp . Với cáo buộc là người đứng đầu, bị cáo cho rằng, những người đứng đầu không chỉ có mình bị cáo. Ở các ban ngành địa phương thì những người đứng đầu ở những địa phương có dự án họ cũng phải chịu trách nhiệm. Suốt quá trình tự bào chữa, bị cáo Thăng đều phủ nhận vai trò “đầu tàu” lý giải rằng, không có chuyện giới thiệu liên danh nhà thầu, đó là thẩm quyền của chủ đầu tư.
Bào chữa cho bị cáo, luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, động cơ và mục đích của bị cáo Thăng là đúng đắn, chỉ muốn phát triển ngành dầu khí, phát triển ngành nguyên liệu sạch. Theo luật sư, Ban Chỉ đạo triển khai các Dự án nhiên liệu sinh học được thành lập để tư vấn cho HĐQT và nguyên tắc là không làm thay chủ đầu tư. Nhưng cáo trạng lại đi ngược điều này. Hành vi của ông Thăng không có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại vụ án.
Trong vụ án, ông Đinh La Thăng bị cáo buộc, dù biết PVC không đủ năng lực thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng đã ban hành chủ trương, chủ trì các cuộc họp để kết luận chỉ đạo quyết liệt PVB, PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu trái quy định. Hậu quả dẫn đến dự án phải dừng thi công, gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Đinh La Thăng phạm vào tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại toà. |
Trước đó, trong phần bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, luật sư Ngô Thị Thu Hằng cho rằng, đối với cáo buộc về hành vi chỉ đạo cấp dưới tạm ứng cho Cty PVCKB số tiền 25 tỷ đồng trái quy định. Tuy nhiên, nghiên cứu hồ sơ vụ án thì không có bất cứ một tài liệu, chứng cứ vật chất nào thể hiện có cuộc họp vào tháng 6-2010 và tại cuộc họp này bị cáo Thanh đã chỉ đạo tạm ứng cho PVCKB 25 tỷ đồng.
Về việc mua đất của bị cáo Trịnh Xuân Thanh ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, luật sư nói, cơ quan truy tố cáo buộc bị cáo Thanh bàn bạc với Đỗ Văn Hồng tìm mua đất nghỉ dưỡng là không đúng vì việc mua khu đất là theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ thông qua ý kiến của HĐQT PVC Kinh Bắc. Cty Mai Phương không phải của Trịnh Xuân Thanh, tài liệu chứng cứ vật chất về hồ sơ doanh nghiệp không có Trịnh Xuân Thanh. Việc chuyển nhượng khu đất 3.400m2 đất giữa PVC Kinh Bắc và Cty Mai Phương không chứng minh được sự liên quan đến Thanh. Mọi tài liệu chứng cứ, vật chất đều không có sự tham gia của bị cáo Thanh.
Các luật sư đề nghị tuyên bị cáo Thăng, Thanh Thanh không phạm tội.
Nếu biết sai, không bao giờ tôi ký?
Cáo buộc cho rằng, ông Phạm Xuân Diệu, với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám PVC, dù biết Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu TK05 nhưng đã tiếp nhận chỉ đạo của ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, ký văn bản gửi PVB, PVN xin được chỉ định thầu.
Bị cáo còn đồng ý với nội dung cuộc họp HĐQT với Ban TGĐ PVC và nghị quyết của HĐQT PVC về thực hiện gói thầu TK05; ký tờ trình đề xuất HĐQT PVC xem xét và thông qua dự thảo nội dung hợp đồng EPC và trực tiếp đại diện PVC ký hợp đồng EPC theo hình thức chỉ định thầu… gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng.
Tự bào chữa, bị cáo Diệu trình bày: "Nếu tôi biết việc lựa chọn nhà thầu không đúng pháp luật, không bao giờ tôi ký các văn bản liên quan". Ông Diệu cho rằng, mình không vụ lợi, không lợi ích nhóm. Thiệt hại của vụ án không do hành vi của bị cáo gây ra. Việc dự án phải dừng, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng không phải do năng lực của Liên danh nhà thầu, không phải do PVC được chỉ định thầu mà do khi triển khai hợp đồng đã không làm đúng như 30 điều khoản đã ký.
Theo bị cáo, dự án Ethanol phải dừng là do chủ đầu tư thiếu vốn và do nhiều nguyên nhân khác, chứ không phải do năng lực của PVC. “Tôi nhận thấy lỗi của tôi nếu có chỉ là vi phạm hành chính, mong HĐXX cân nhắc xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho tôi, đồng thời miễn trách nhiệm dân sự cho bị cáo”, cựu TGĐ PVC trình bày.
Bào chữa cho bị cáo Diệu, luật sư đưa ra quan điểm, thiệt hại trong vụ án mà cáo trạng nêu là lãi ngân hàng phát sinh từ năm 2013 đến khi khởi tố vụ án là thiếu cơ sở, chưa khách quan, công bằng.
Trước đó, đại diện đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Thăng mức án từ 12 – 13 năm tù; bị cáo Thanh từ 11-12 năm tù tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”; 10-11 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là 21-23 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án thấp nhất từ 30-36 tháng tù, cao nhất mức 7-8 năm tù và phải liên đới bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại