Ô nhiễm không khí: Cần sự phối hợp hành động giữa chính quyền và người dân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHội thảo nhằm thông tin đầy đủ cho các cơ quan báo chí và người dân hiểu đúng về diễn biến ô nhiễm không khí trong thời gian qua. Hội thảo cũng là cơ hội để các bên liên quan nắm được nỗ lực của cơ quan quản lý trong thời gian qua và nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác cải thiện chất lượng không khí của Thành phố.
|
Xu hướng ô nhiễm không khí (ONKK) tại Hà Nội và một số nguyên nhân gây ONKK tại Hà Nội
Theo TS. Hoàng Bích Thuỷ (Viện Khoa học & Công nghệ môi trường), diễn biến nồng độ bụi PM10 trung bình năm theo xu hướng dài hạn đều cao hơn quy chuẩn khuyến nghị (trạm đo Láng). Đối với diễn biến nồng độ bụi PM2.5, nồng độ trung bình trong thời gian dài cũng cao hơn khuyến nghị của WHO và quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, nồng độ SO2 trung bình năm đều nằm trong quy chuẩn cho phép, nồng độ CO cũng chưa vượt chuẩn còn O3 có đôi lúc vượt chuẩn những chưa nghiêm trọng.
Cũng theo bà Thuỷ, theo số liệu tổng hợp từ các thiết bị quan trắc được lắp đặt tại Đại học Bách Khoa Hà Nội thì diễn biến của nồng độ bụi của các tháng rất khác nhau. Tháng 1 nồng độ cơ bản cao hơn so với tháng 7 và vào tháng 1 có sự biến động lớn, ban đêm có diễn biến nồng độ cao hơn ban ngày trong khi tháng 7 diễn biến nồng độ vào ban đêm thấp hơn.
“Trung bình cả năm tổng hợp lại sẽ có xu hường thấp vào ban ngày, ngược với các khí phát thải giao thông. Điều này thể hiện, các cơ chế ảnh hưởng độ tăng giảm của bụi PM2.5 khác với các loại bụi khác”, bà Thuỷ cho biết.
TS. Hoàng Bích Thuỷ cho rằng có mối tương quan giữa các thông số khí tượng và nồng độ bụi PM2.5. Qua thống kê, những yếu tố khí tượng có liên quan, ảnh hưởng rõ nét đến diễn biến của nồng độ bụi PM2.5.
Theo GS. Hoàng Xuân Cơ, có nhiều nguồn có thể gây ra ô nhiễm không khí nhưng nguồn tổng quát nhất là quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Nguồn điện chúng ta dùng hàng ngày, phương tiện giao thông chúng ta sử dụng, nhà chúng ta ở cũng góp phần phát thải ra bụi. Ông Cơ cũng cho rằng, phát triển thì phải đánh đổi, nhưng đánh đổi phải ở mức chấp nhận được. Do chúng ta đang phát triển nên nguồn thải chưa ổn định. Ví dụ nhu cầu điện tăng lên, nhà máy nhiệt điện than có thể phải tăng lên theo quy hoạch. Tuy nhiên, công nghệ chúng ta có thể kiểm soát được. Khi công nghệ kém thì mức phát thải cao, bây giờ công nghệ hiện đại thì mức phát thải giảm đi. Về giao thông, lượng ô tô, xe máy tăng nhưng chúng ta cóp thể kiểm soát được chất lượng của xe. Bên cạnh đó, GS.TS. Hoàng Xuân Cơ cũng cho rằng ngoài nguồn phát thải của Hà Nội thì các nguồn phát thải của các tỉnh lân cận và của các nguồn tự nhiên cũng ảnh hưởng đến nồng độ bụi PM2.5 của Hà Nội.
Theo ông Cơ thì Nhà nước và Thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều nỗ lực để kiềm hãm các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí như việc các nhà máy nhiệt điện đều được đặt cách xa thành phố, bỏ xăng pha chì, phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời…
Cần hiểu đúng về các chỉ số chất lượng không khí
Theo TS. Hà Đăng Sơn (Mạng lưới không khí sạch Việt Nam) thì so với 3 năm trước, hiện nay chúng ta có thể tiếp cận nhiều nguồn thông tin về ô nhiễm không khí (ONKK) như từ trang web của Tổng cục môi trường, AQICN (sử dụng 3 nguồn chính là DSQ Mỹ, Đại học UNIS, Tổng cục môi trường), Airnet, Pamair, Airnow… Tuy nhiên việc có quá nhiều nguồn thông tin như vậy cũng khiến cho người dùng bị phân vân, trong khi các nguồn thông tin cũng có độ chênh lệch nhất định.
Nói về đặc điểm của các nguồn dữ liệu này, ông Sơn cho rằng, dữ liệu thống kê của WHO thường theo năm, không theo thời gian thực, còn ĐSQ Mỹ cập nhật theo tháng, trong khi dữ liệu thực CEM, Fair Air… cập nhật mỗi2, 3 tiếng. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất theo ông Sơn là thiếu sự so sánh về dữ liệu giữa các đơn vị, nhiều nguồn gây ra nhầm lẫn và băn khoăn cho người dùng trong khi chúng ta chưa rõ quy trình kiểm định chất lượng thiết bị đo/ loại thiết bị.
TS. Hà Đăng Sơn khuyến cáo nên theo dõi/ trích dẫn nhiều nguồn thông tin để phản ánh nồng độ/ xu hướng bụi mịn chính xác hơn. Xu hướng ô nhiễm do bụi mịn phải có dữ liệu liên tục và dài( vài năm).
Ông Sơn cho rằng có 4 loại thiết bị đo bụi, đầu tiên là sử dụng phương pháp tham chiếu, phương pháp tương đương, thiết bị cầm tay và cảm biến giá rẻ. Trong khi các cơ quan Nhà nước sử dụng thiết bị có độ chính xác cao, mang tính chất tham chiếu thì nhiều nguồn lại sử dụng các thiết bị low-cost (giá rẻ) chỉ mang tính chất tham khảo. Bên cạnh đó, độ tin cậy của các thiết bị low-cost chưa được xác định. Tuy nhiên, thông tin từ các trạm quan trắc của Nhà nước thường có độ trễ nhất định, thông tin không kịp thời, vì vậy vấn đề là làm thế nào để cải thiện chất lượng thông tin, thông tin kịp thời cho người dân là câu hỏi được TS. Hà Đăng Sơn đặt ra.
Giải pháp của Hà Nội nhằm cải thiện chất lượng không khí
Cũng tại buổi hội thảo, đại diện sở TNMT Bà Lưu Thanh Chi (Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường) cho biết, Hà Nội đã và đang triển khai các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố.
|
Cụ thể, mạng lưới quan trắc đã được Thành phố xây dựng từ năm 2012 và hiện tại đang dần được hoàn thiện. Cuối năm 2016, TP đã kêu gọi đầu tư xã hội hoá được thêm 10 trạm, các trạm đều đang hoạt động ổn định và truyền dữ liệu về trung tâm Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó. TP cũng xây dựng Dự án Hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường với quy mô đầu tư mới 33 trạm quan trắc không khí tự động (trong đó có 20 trạm cố định, 12 trạm cảm biến và 1 xe quan trắc lưu động).
Ngoài các trạm quan trắc, TP cũng đầu tư cơ giới hoá, tăng tần suất quét rác, hút bụi hằng ngày trên các tuyến đường, tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt. Triển khai xử lý chất thải rắn bằng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại thay vì chôn lấp.
Triển khai chương trình thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến. Lộ trình đến 21-12-2020 không còn tình trạng sử dụng bếp than tổ ong.
Thành phố đã hoàn thành chương trình trồng 1 triệu cây xanh và tiếp tục trồng bổ sung thêm 600.000 cây xanh trong giai đoạn 2019-2020.
Bên cạnh những hành động thiết thực, TP Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường không khí cho các cấp, ngành và nhân dân Thủ đô.
Một trong những nguyên nhân gây ONKK là tình trạng đốt rơm rạ. TP Hà Nội cũng đang xây dựng chỉ thị về lộ trình chấm dứt đốt rơm, rạ. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con sử dụng các chế phẩm vi sinh để phân huỷ rơm. Kết nối nông dân và doanh nghiệp trồng nấm để góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
Cũng theo bà Chi, TP cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trong đó có việc cấm hút thuốc lá ở một số khu vực. Bên cạnh đó, để kiểm soát khói bụi trong nội thành, TP đã Ban hành các quy định về giám sát, quản lý các công trường xây dựng. Tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện chở vật liệu và phế thải xây dựng không đúng quy định.
Tiến tới việc giảm dần các phương tiện giao thông cá nhân, Hà Nội đang tích cực phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu sạch để giảm lượng khí thải. Tăng cường phương tiện giao thông công cộng để giảm dần PTGT cá nhân.
Trong một nỗ lực khác, TP Hà Nội đã triển khai các Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nôi giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” đã được phê duyệt tại Quyết định số 5953/QĐ-UBND ngày 24-8-2017. Đề án chống bụi, chống ồn trên địa bàn thành phố.
Cuối cùng, TP cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm không khí. Các chuyên gia, nhà khoa học đang tham gia dự án do WB (ngân hàng Thế giới) hỗ trợ để kiểm kê các nguồn thải trên địa bàn thành phố, qua đó chạy mô hình GAIN để tính toán lan truyền ô nhiêm, dự báo ô nhiễm không khí và đưa ra những giải pháp phù hợp. Phân tích thành phần hoá học của bụi PM2.5 để xác định nguồn gây bụi.
![Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại](/modules/frontend/themes/plxh/images/pc/qr-code.jpg?v=2.620250124154516)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại