Chủ nhật 19/05/2024 01:46

Nữ Tiến sỹ ghi nhiều dấu ấn tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sinh ra, lớn lên ở một miền quê thuộc ngoại thành Hà Nội, tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp I với tấm bằng loại ưu, dù được giữ lại trường giảng dạy nhưng cô gái Nguyễn Thị Lộc năm ấy đã quyết định vào vùng đất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lập nghiệp và bền bỉ, miệt mài công tác kể từ đó. Sống, làm việc ở mảnh đất xa xôi ấy, với niềm say mê trong nghiên cứu khoa học, cô đã có nhiều cống hiến, được giới khoa học ghi danh, còn người dân nơi đây thì nhiệt thành đón nhận.

Nhớ lại những ngày đầu khăn gói vào miền Tây- mới đó đã 40 năm rồi mà cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên trong lòng TS. Nguyễn Thị Lộc. Năm 1980, chị ra trường và đơn vị chị được nhận công tác là Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp ĐBSCL (tiền thân của Viện Lúa ĐBSCL). Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, với khát khao nghiên cứu và cống hiến, chị đã vượt qua được những chập chững, thiếu thốn buổi đầu; dần vỡ vạc được nhiều điều quý giá. Tận mắt thấy khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân, chị đã nỗ lực bám trụ nơi này và tận tâm trong công tác. Làm sao nghiên cứu được chế phẩm thay thế những hóa chất độc hại để bảo vệ mùa màng cũng như sức khỏe người nông dân là câu hỏi chị luôn đau đáu tìm câu trả lời và chị đã tìm ra được.

nu tien sy ghi nhieu dau an tai vua lua dong bang song cuu long
TS. Nguyễn Thị Lộc luôn gắn bó với công tác nghiên cứu và giảng dạy. Ảnh: NVCC

Một trong những dấu mốc đầy cảm xúc được TS Lộc nhớ nhất là khi chị nhận được quyết định cử đi Ấn Độ học thạc sỹ bởi khi đó con đầu của chị mới 7 tuổi còn đứa nhỏ vừa ở tuổi lên 3. Hai vợ chồng là người cùng quê, không có người bên cạnh đỡ đần chuyện con cái nên mọi gánh nặng đều dồn lên đôi vai của chồng chị cùng đồng lương ít ỏi của anh. Cuộc sống và điều kiện quá khó khăn ấy đã trở thành động lực để chị cố gắng, nỗ lực nhiều hơn. Bảo vệ thạc sĩ với kết quả xuất sắc năm 1995, đến năm 1998, chị tiếp tục học lên Tiến sĩ tại nước Anh. Năm 2001, chị xuất sắc bảo vệ luận án tiến sĩ về nấm ký sinh côn trùng và được nhận học bổng sau tiến sĩ do Mỹ tài trợ với chuyên ngành công nghệ sinh học trong bảo vệ thực vật.

Trở về nước, chị cùng cộng sự bắt tay nghiên cứu, ứng dụng thành công 2 loài nấm xanh và nấm trắng để phòng trừ rầy nâu hại lúa và một số loài sâu hại cây trồng khác. Năm 2002, đề tài “Nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng 2 chế phẩm sinh học để quản lý các loài sâu hại lúa” của chị được đánh giá xuất sắc về mặt khoa học. Bộ NN&PTNT đã công nhận “Quy trình sản xuất hai chế phẩm sinh học M.a và B.b để quản lý các loài sâu hại lúa của Viện Lúa ĐBSCL” là tiến bộ kỹ thuật và cho phép ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Sau gần 8 năm nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, hai chế phẩm sinh học nấm xanh và nấm trắng đã được đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật với tên thương mại là Ometar và Biovip, được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ bọ xít, rầy hại lúa và bọ cánh cứng hại dừa. TS Lộc cũng phát triển hai chế phẩm nấm xanh mới để diệt rầy mềm và rầy chổng cánh hại cam quýt và bông xoài; đồng thời còn nghiên cứu, chuyển giao nhiều quy trình trồng rau an toàn, quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa, rau màu, cây ăn trái, mía.

Nói về các bước đường nghiên cứu của mình, điều chị luôn nhắc đến và trân trọng, đó là các cộng sự bởi “Nếu không có những cộng sự tuyệt vời ấy thì tôi không thể thành công. Thành công là của tập thể, tôi chỉ là người cầm lái…”- chị nói.

Thời gian sau này, TS. Lộc còn nghiên cứu thành công “Quy trình sản xuất nhanh chế phẩm Ometar ở quy mô nông hộ” và đã tập huấn chuyển giao cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân tại ĐBSCL. Quy trình này giúp tăng hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí sản xuất hàng ngàn tỷ đồng. Chị cũng đã chuyển giao 5 quy trình trồng rau an toàn cho 5 loài rau chủ lực, đem lại hiệu quả cao cho nông dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

Trong công tác nghiên cứu, TS Lộc đã chủ trì và tham gia thực hiện 42 đề tài, dự án (chủ trì 35 đề tài, dự án và tham gia thực hiện 7 đề tài) gồm các đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ, các chương trình khuyến nông và hợp tác quốc tế. Với những đóng góp đó, TS Lộc đã được trao nhiều huân chương, bằng khen của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học - công nghệ… Năm 2010, chị vinh dự được Hội LHPN Việt Nam trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia cho nhà khoa học nữ có nhiều cống hiến trong nghiên cứu khoa học. “Giải thưởng này có ý nghĩa rất đặc biệt; nó là nguồn động viên, khuyến khích các nhà khoa học nữ, trong đó có cá nhân tôi không ngừng vươn lên phấn đấu, khắc phục khó khăn, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học….”- TS Nguyễn Thị Lộc xúc động cho biết.

Linh Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động