Nụ cười của những người bệnh là lời cảm ơn chân thành và đáng quý
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSau khi được chẩn đoán ung thư vào năm 2004, cụ Yến được điều trị phác đồ hoá chất. Ảnh: BVCC |
20 năm, hành trình vượt qua được căn bệnh ung thư
Nhớ lại những ngày đầu tiên đối diện với bệnh tật, hai chữ “ung thư” chưa bao giờ len lỏi trong suy nghĩ của mình, cụ Yến chậm rãi kể lại câu chuyện như thể cụ hiểu những người bệnh nằm cùng phòng điều trị cũng đang muốn được lắng nghe để cùng vượt qua và có được hành trình dài như của cụ.
Cách đây 20 năm, vùng cổ, cánh tay, sau cổ của cụ có những hạch nhỏ nổi lên, nghĩ là bệnh tuổi già, cụ nằm điều trị tại bệnh viện gần nhà. Sau hơn 2 tuần nằm điều trị chưa chẩn đoán ra bệnh, các hạch ngày càng to hơn, cụ và gia đình rất lo lắng, cũng tìm đến các phương thuốc nam để uống kết hợp nhưng không đỡ.
Một tháng sau đó, cụ được người quen tới thăm và khuyên phải tới Bệnh viện K để khám, chần chừ mãi bởi bệnh viện điều trị ung thư là nơi không người bệnh nào có mong muốn nghĩ tới, nhưng với sự động viên của gia đình, cụ chỉ đến với lời dặn dò 5 người con: “Đưa mẹ đi khám một lần ở đây rồi về nhé”.
Cụ Nguyễn Thị Hoàng Yến, một trong những chiến binh kỳ cựu của Bệnh viện K hơn 20 năm qua. Ảnh: BVCC |
“Khám xong thì bác sĩ bảo tôi ra ngoài chờ, để lại hồ sơ khám bệnh bác sĩ xem thêm, quay qua quay lại con tôi được bác sĩ gọi vào tư vấn lúc nào không hay, nhưng nhìn gương mặt thẫn thờ của con trai tôi khi trở ra là tôi hiểu có điều gì không hay rồi...”, cụ Yến kể.
Gặng hỏi mãi cuối cùng bác sĩ cũng đã trao đổi trực tiếp với gia đình, “cụ không may chẩn đoán ban đầu là ung thư máu, cần nhập viện điều trị” là câu nói ám ảnh đến tận bây giờ không thể quên.
“Những ngày sau đó bầu không khí cả gia đình trở nên nặng nề hơn, mọi người lo cho sức khỏe của mẹ và nghĩ đến sự chia ly là nhiều, bởi ung thư vẫn là nỗi ám ảnh quá lớn, không ai trong 5 người con từng hình dung ...”, con trai cụ Yến chia sẻ.
“Sau mấy ngày từ bệnh viện trở về, đã có lúc định uống thuốc nam để điều trị rồi đến đâu thì đến, nhưng con cái động viên nhiều, tôi ậm ừ lên nhập viện để nghe các bác sĩ tư vấn thêm điều trị ra sao, suy sụp lắm chứ nhưng lúc bấy giờ ngoài 60 rồi, con cái ổn định nên cứ mặc theo số phận. Đến viện thì bác sĩ điều trị cho tôi là bác sĩ Đỗ Anh Tú – giờ như một người thân của gia đình tôi, cũng chính là người giúp tôi vững tâm điều trị giờ được ngồi ở đây để nói chuyện”, cụ Yến cười hiền kể lại.
Nhắc đến bác sĩ Tú là cụ niềm nở, vui vẻ như nhắc đến một người thân, ấn tượng lần đầu tiên gặp bác sĩ mà đến giờ vẫn không quên. “Bác sĩ Tú khi ấy rất trẻ, ở phòng bệnh tư vấn, không hỏi tôi về bệnh mà thăm hỏi như một người nhà hỏi thăm bà, thăm người thân của mình...”, cụ Yến nhớ lại ngày đầu ở viện.
Và cho đến giờ, cụ vẫn nhớ câu nói của bác sĩ Tú ngày ấy: “Bệnh của bác cũng ở giai đoạn tiến triển rồi, để điều trị ổn định, bác cố gắng hợp tác cùng các bác sĩ, y học ngày càng phát triển nên bác cứ yên tâm, ngoài thuốc điều trị cho bệnh thuyên giảm, ở đây còn có chúng cháu nữa”. Cụ cho biết, cụ đã bật khóc sau câu nói ấy của người bác sĩ trẻ. “Đó là câu nói giúp tôi quyết tâm phải vượt qua bệnh tật”, cụ Yến xúc động nhớ lại.
Nỗi niềm với người bệnh lâu năm nhất từng điều trị
TS.BS Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ về người bệnh. Ảnh: BVCC |
Nói về cụ Yến, người bác sĩ được nhắc đến câu chuyện của cụ, TS.BS Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ: “Bệnh nhân Yến là người bệnh tôi điều trị lâu năm nhất trong suốt quá trình công tác, cách đây 20 năm cụ đã được chẩn đoán là bạch cầu mãn dòng lympho, bệnh đã ở giai đoạn III, tiên lượng cũng khá dè dặt nhưng ở thể trạng bệnh nhân tốt còn khả năng điều trị nên tôi cố gắng động viên cụ theo phác đồ. Tinh thần là yếu tố rất quan trọng để người bệnh vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này, lúc đó chỉ chia sẻ với cụ như với người thân là bà của mình, dần dần cụ cởi mở hơn, hiểu hơn về bệnh tình mà từ đó cố gắng. Và rất may mắn sau khi chẩn đoán năm 2004, cụ được điều trị phác đồ hóa chất, sau 8 lần truyền đáp ứng rất tốt, ổn định, và được về nhà theo dõi”.
“Vừa là bác sĩ, vừa ở vai trò quản lý nên tôi càng ý thức rõ về sự gương mẫu, trách nhiệm và thận trọng trong chăm sóc mỗi người bệnh và hướng dẫn các bác sỹ, học viên trong chuyên môn, đôi khi cũng thấy mình “khó” với các bạn đồng nghiệp. Nhưng đó là trách nhiệm, là cái “khó” cần có của mỗi bác sĩ khi chọn nghề y. Hàng ngày phải tôi luyện bản thân, trau dồi chuyên môn, kinh nghiệm sống bởi ngoài là người thầy thuốc, tôi và các đồng nghiệp cũng như người thân động viên bệnh nhân khi họ lựa chọn Bệnh viện K để gửi gắm niềm tin và sinh mệnh”, TS Tú chia sẻ.
Thành quả lớn nhất của người thầy thuốc có lẽ là sự yên tâm, hồi phục trở lại sớm của người bệnh. Nụ cười của những người bệnh như cụ Yến cũng là lời cảm ơn chân thành và đáng quý nhất, để những bác sĩ như TS Tú lặng lẽ hy sinh giây phút bên gia đình, bên người thân để gắn bó với bệnh viện, phòng hội chẩn, phòng bệnh. Đó cũng là sự hy sinh thầm lặng, cống hiến với công việc của rất nhiều y bác sĩ Bệnh viện K và những thầy thuốc đã, đang công tác trong ngành y, để mỗi khi nhớ về luôn trào dâng lên nỗi niềm tự hào, xúc động về những “thiên thần áo trắng”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại