Nữ “chiến binh” trong tâm dịch Covid-19: Những âm thanh vút cao trong bản hoan ca
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNói như vậy không phải để phủ nhận những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ đến gia đình của nam nhân viên y tế khi lao vào tâm dịch. Tuy nhiên, dường như bản năng của người mẹ cũng như những thiên chức của người phụ nữ được mặc định suốt bấy lâu đã khiến cho những “nữ chiến binh” diệt Covid-19 vẫn đau đáu lo lắng đến từng miếng ăn, giấc ngủ của con. Nhưng trên hết, khi lao vào tâm dịch, họ đã kìm nén, đã giấu đi những tâm tư ấy để hoàn thành nhiệm vụ một cách trọn vẹn, an toàn.
Tại tâm dịch Chí Linh, tỉnh Hải Dương, bác sĩ Đỗ Thị Kim Oanh, 36 tuổi, khoa Truyền nhiễm, TTYT TP Chí Linh chính là người đầu tiên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 ở đây. Dù đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng với căn bệnh SARS-CoV-2 hoàn toàn mới đã khiến chị Oanh không thể không lo lắng khi cùng lúc tiếp nhận gần 30 bệnh nhân.
Trải qua những giây phút trấn an, ổn định tâm lý các đồng nghiệp, chị Oanh đã được bác sỹ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hướng dẫn cách tiếp xúc, điều trị và và theo dõi các chỉ số của từng bệnh nhân. Công việc cứ thế kéo dài đến 12g đêm nhưng chị Oanh và mọi người đều miệt mài, cẩn trọng thực hiện với tâm thế xác định chiến đấu lâu dài với “con virus”.
Nữ bác sỹ 2 lẫn hoãn cưới, xung phong vào vùng dịch với mong muốn chung tay đẩy lùi dịch bệnh (ảnh BYT). |
Cho đến nay, TP Chí Linh đã trở lại cuộc sống “bình thường mới”, chị Oanh cũng trở lại với gia đình, nhưng những ngày ở trong tâm dịch khiến chị không thể quên bởi với nhiệm vụ chuyên môn đầy mới mẻ chị không tránh khỏi bỡ ngỡ, áp lực ban đầu. Và bên cạnh đó là những nỗi niềm lo lắng không yên khi các con nhỏ ở nhà-cháu nhỏ nhất mới 19 tháng tuổi vẫn cần hơi ấm của mẹ. Rồi chị cũng lo lắng cho bệnh tình của bố chồng, khi ốm đau chị không thể chăm sóc…
Trong những ngày phục vụ phòng dịch tại khoa Xét nghiệm, TTYT Chí Linh, tỉnh Hải Dương, chị Phan Thị Hương, Kỹ thuật viên Trung tâm đã có những ngày không quên khi cùng đồng nghiệp miệt mài, gấp rút làm công việc lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng và xét nghiệm cho bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại trung tâm. Lúc ấy, chị Hương và đồng nghiệp đã phải chạy đua cùng thời gian để lấy mẫu, xét nghiệm kịp thời nhằm phát hiện, khoanh vùng ca bệnh. Công việc thầm lặng ấy của chị Hương đã góp phần khống chế sớm nhất những “vết dầu loang” từ ổ dịch ban đầu.
Đón giao thừa tại khu điều trị, hình ảnh những đồng nghiệp với tâm trạng khác nhau khiến chị Hương không khỏi xúc động nhưng chị vẫn nhắn nhủ con: Có nhiều lúc nhớ gia đình, nhớ con mẹ khóc nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc con ạ. Gác lại niềm vui của mình sang một bên để đổi lại sức khỏe của hàng triệu gia đình con nhé…”.
Chị Phan Thị Hương, Kỹ thuật viên Trung tâm Y tế Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã động viên con cùng vượt qua nỗi nhớ để mẹ yên tâm làm việc, đổi lại sức khỏe của hàng triệu gia đình (ảnh Huy Hoàng). |
Nói đến sự hi sinh của nữ bác sỹ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch không thể không kể đến câu chuyện của bác sỹ Đỗ Thị Băng Ngân, khoa Phục hồi chức năng, BV Phổi Quảng Ninh-người đã tình nguyện 3 lần hoãn cưới để xung phong vào khu cách ly điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Đợt dịch đầu tiên vào tháng 2-2020 khi xảy ra ca bệnh, bác sỹ Ngân đang có kế hoạch tổ chức đám cưới nhưng đã xung phong tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Quảng Ninh dù không biết khi nào sẽ là thời gian trở về. Thời gian chị hết cách ly đã là tháng 5, chưa kịp lo chuyện cưới xin, đợt dịch mới tại Hải Dương (8-2020) lại bùng phát, chị Ngân tiếp tục tham gia công tác chống dịch.
Và năm 2021, khi kế hoạch tổ chức đám cưới chưa kịp xây dựng, bác sỹ Ngân lại tiếp tục tham gia công tác chống dịch với mong muốn góp chút sức lực nhỏ bé cùng Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung sớm đẩy lùi được đại dịch.
Còn với chị Trần Thị Dung, cán bộ của BV Bạch Mai tăng cường, phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn tại BV Dã chiến số 2 Hải Dương thì cái tết Tân Sửu 2021 thật đặc biệt và khó quên. Bình thường ở trong gia đình chị là người lo toan việc nhà, từ quét dọn, sắm sửa đồ đạc, bày biện bàn thờ… Năm nay chị đi công tác xa mọi việc giao phó lại cho chồng khiến chị không khỏi băn khoăn. Hoặc những lần trò chuyện với cô con gái nhỏ qua video, thấy con đòi mẹ, khóc vì nhớ mẹ, chị cũng trào nước mắt.
Thế nhưng, ngày 26 Tết khi tình hình dịch tạm ổn, chị Dung lại quyết định tiếp tục xin ở lại vì không yên tâm nếu mình không trực tiếp giám sát về công tác nhiễm khuẩn. Suốt thời gian đó, chị đã cố nén lại những nỗi niềm riêng để hoàn thành công việc tốt nhất.
Họ-những nữ bác sỹ/nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch vốn là người “chân yếu, tay mềm” với những tâm tư, tình cảm rất yếu mềm nhưng khi lăn lộn với công việc đã nỗ lực hoàn thành công việc, góp phần khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, mang lại cuộc sống bình an cho cộng đồng.
Hình ảnh những “nữ chiến binh” trong vùng dịch thực sự đẹp như những bông hồng: Vừa cứng cỏi, kiên cường nhưng cũng không kém phần dịu dàng, sâu lắng. Những cống hiến, hi sinh của các “nữ chiến binh” như những âm thanh đẹp, trong trẻo, vút cao trong bản nhạc ngợi ca chiến công của Việt Nam trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại