Niềm hạnh phúc từ những chuyến đi...
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững căn nhà ấm áp tình quân dân được hiện hữu vững chãi nơi bản vùng sâu, vùng xa ở Nghệ An. |
Kịp thời ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân
Gắn bó với Pháp luật và Xã hội trên 13 năm, cho đến đến bây giờ ấn phẩm đã "tròn 17 tuổi”, là một phóng viên thường trú tại địa bàn Bắc Trung Bộ nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng, phóng viên đã được sống trong một “kho báu” lớn về thông tin trên các mảng đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng... của một khu vực khá sôi động, đang ngày đêm vận động mạnh mẽ để vươn lên với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Với những người làm công tác báo chí, là phóng viên tại địa bàn thì đó là những cơ hội lớn và cũng không ít thách thức.
Thách thức nhất với phóng viên địa bàn như tại tỉnh Nghệ An có lẽ đó là việc đi lại, tác nghiệp sâu sát ở cơ sở. Sơ bộ để dễ hình dung rằng từ TP Vinh đi đến huyện vùng biên giới như huyện Kỳ Sơn có thể mất tới 4 đến 5 giờ đồng hồ bằng ô tô, còn từ trung tâm thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn vào các xã, bản vùng sâu, vùng biên, có những thời điểm mất cả vài ngày trời... Do đó, để chủ động về thông tin, bám sát địa bàn, phóng viên sẽ gặp nhiều vất vả hơn.
Điển hình cho câu chuyện này có thể kể đến hành trình hàng nghìn km trong tỉnh Nghệ An của phóng viên với đề tài góp ý dự thảo sửa đổi luật đất đai. Để kịp thời ghi nhận những góp ý, những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của các tầng lớp cử tri, Nhân dân, phóng viên đã lặn lội từ các xã vùng biển, đến các huyện, xã vùng trung du rồi tới các xã, bản vùng biên giới. Đó là một hành trình gian truân, miệt mài và đầy cực nhọc với hơn một tuần làm việc cật lực với cử tri các địa phương cũng như các cơ quan chức năng.
Đó là lặn lội nhiều ngày ở mảnh đất biên giới huyện Kỳ Sơn để làm việc với xã Mường Lống, cử tri Mường Lống, địa bàn cách trung tâm thị trấn huyện Kỳ Sơn 60km đường rừng quanh co, hiểm trở, nơi có “cổng trời” và được ví như Sapa xứ Nghệ. Với những người dân tộc thiểu số, họ là những người Mông có cuộc sống êm đềm với núi rừng quanh năm, nhưng họ đã và đang “chuyển mình” mạnh mẽ về kinh tế, tư duy, cuộc sống... trước những cơ chế, chính sách mà Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm tới bà con vùng cao, nơi biên giới, phên dậu của tổ quốc.
Người dân bản nay đã biết làm homes stay, làm du lịch cộng đồng, biến những khó khăn, thách thức, nét văn hóa đặc sắc thành cơ hội để phát triển kinh tế nâng cao đời sống. Và trong nhịp phát triển ấy, người dân đã biết đóng góp, nêu lên những tâm tư nguyện vọng chính đáng của mình về những nội dung như Luật đất đai mà UBND tỉnh, huyện, xã và các đoàn thể đang triển khai.
Là nỗi niềm của những người dân ở huyện Tương Dương về câu chuyện quản lý đất nông nghiệp, đất rừng, đất liên quan việc thu hồi làm dự án thủy điện. Thông qua các cuộc hội nghị được tổ chức tại các thôn, bản, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tương Dương đã kịp thời ghi nhận những ý kiến, đóng góp của cử tri trên địa bàn toàn huyện. Nêu lên những vấn đề cấp bách, băn khoăn của cử tri để trao đổi với phóng viên, để những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, cử tri được lan tỏa hơn qua những bài báo trên Pháp luật và Xã hội.
Người dân Mông xã Mường Lống nay đã biết làm du lịch cộng đồng với lợi thế văn hóa, ẩm thực... |
Cổ vũ, khích lệ và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái
Cũng trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Nghệ An đã và đang kêu gọi, hỗ trợ xây dựng những ngôi nhà kiên cố, vững chắc cho hàng ngàn hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh đang sống trong những ngôi nhà dột nát, tạm bợ. Hưởng ứng chương trình hành động lớn này, các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp đã chung sức chung lòng, đồng hành với UBND tỉnh Nghệ An, góp công, góp vật chất hướng về bà con, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, đồng hành chung tay xóa những ngôi nhà tạm, thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, chắc chắn, để những hoàn cảnh khó khăn ấy vững chãi hơn trong cuộc sống.
Ngay từ những ngày đầu phát động chương trình, mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025 sẽ hỗ trợ 15.300 hộ đang gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn, tỉnh Nghệ An đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp lớn từ Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An. Và từ đó hơn 2.400 căn nhà cho bà con vùng khó khăn, xã vùng biên giới chưa có nơi ở kiên cố đã được Chính quyền tỉnh Nghệ An cùng lực lượng Công an từ trên xuống dưới, từ cấp tỉnh đến cấp xã khẩn trương được hỗ trợ và dựng nên.
Những bài viết mang lại sự động viên, khích lệ với không chỉ là niềm vui của những bà con được hỗ trợ làm nhà, mà còn là niềm vui của chính quyền, của những lãnh đạo địa phương khi đón nhận sự quan tâm, chia sẻ từ các cấp đối với bà con nhân dân địa phương, để rồi bà con có chỗ ở vững chãi, an tâm làm ăn, sinh sống. Thông qua đó, kịp thời cổ vũ sự chung tay, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, đoàn thể từ cấp tỉnh tới huyện, xã trước việc gánh vác trọng trách lớn để những ngôi nhà mới khang trang được hiện hữu nơi những bản vùng cao, vùng xa khó khăn.
Hành trình ấy dấu có cực nhọc, có khó khăn, nhưng với phóng viên Pháp luật & Xã hội tại địa bàn như tỉnh Nghệ An lại là niềm đam mê, niềm vui, hạnh phúc sau những chặng đường...!
Để có thể ghi nhận rõ hơn về hành trình với những mái nhà ấm tình quân, dân vững chãi, kiên cố nơi vùng khó khăn, khu vực biên giới, phóng viên Pháp luật và Xã hội tại địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã phải “trèo đèo, lội suối”, đi qua biết bao cung đường miền núi quanh co, hiểm trở, gian nan để rồi kịp thời có những hình ảnh, câu chuyện nhằm động viên, khích lệ hơn nữa đối với những hành động tương thân tương ái, gNws bó nghĩa tình quân dân, sự quan tâm của chính quyền với Nhân dân, của lực lượng Công an với Nhân dân... |
Những chuyến đi vun đắp tình yêu nước, yêu nghề | |
Trưởng thành hơn từ những chuyến đi | |
Tài sản của người làm báo chính là những chuyến đi khắp mọi miền Tổ quốc |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại