Những tín hiệu tích cực cho sự hồi phục của nghệ thuật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNghệ sĩ xiếc nỗ lực giữ lửa trên sân khấu |
Những dấu hiệu khởi sắc
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 2 năm qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long gần như dừng mọi hoạt động biểu diễn trực tiếp. Thay vào đó, nhà hát xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật ghi hình phát sóng online để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Tối 19-2, là đêm diễn đầu tiên nhà hát mở cửa đón khách trở lại. Đêm diễn giới thiệu nhiều tiết mục đặc sắc và hấp dẫn về múa rối nước truyền thống - chương trình nghệ thuật được rất nhiều khán giả trong nước và quốc tế yêu thích trong nhiều năm qua. Đồng thời, Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng gấp rút hoàn thành chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Lễ Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc, sẽ được tổ chức vào ngày 23-2-2022.
Thông tin Hà Nội mở cửa trở lại các rạp chiếu phim và cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật từ 10-2 khiến nhiều người như được tiếp thêm sức mạnh. Từ 21 – 25-2, sân khấu Lệ Ngọc sẽ diễn 5 đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội với ba vở “Vụ án người đốt đền”, “Làm vua” và “Nước mắt của mẹ”, sau đó cả ba vở sẽ lưu diễn tại TP Hồ Chí Minh từ 13 – 23-3, trung bình 2 suất diễn/ngày.
Viện Pháp tại Hà Nội cũng thông báo “cháy vé” đêm nhạc cổ điển “Ấn tượng” diễn vào ngày 25-2, tại L’espace (24 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm). Ban tổ chức và dàn nghệ sĩ đã quyết định diễn thêm 1 đêm nhạc vào tối 24-2 để đáp ứng nhu cầu khán giả.
Sự khởi sắc này không phải tự nhiên mà có, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Hầu hết các đơn vị tổ chức biểu diễn đều đã chuẩn bị kỹ, đặc biệt là việc bảo đảm công tác phòng, chống dịch, như vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ rạp; giới hạn số ghế ngồi trong mỗi suất diễn… Vì vậy, các khán giả yên tâm mua vé thưởng thức.
Cùng với những tín hiệu vui dịp đầu năm mới từ các đơn vị nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đã khởi động Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V - Hà Nội 2022. Liên hoan dành cho các đơn vị nghệ thuật trong nước và quốc tế. Đây cũng là sân chơi nghệ thuật dành cho người làm nghề chuyên nghiệp, đề cao sự tìm tòi, khám phá mới, có tính thử nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của các biên kịch, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, diễn xuất, âm thanh ánh sáng, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình sân khấu.
Sốc lại tinh thần nghệ sĩ
Sau một thời gian dài phải ngừng biểu diễn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không chỉ nghệ sĩ mong mỏi đứng trên sân khấu mà khán giả cũng có nhu cầu cao được xem biểu diễn nghệ thuật trực tiếp. Vì vậy, các đơn vị, tổ chức nghệ thuật cần sớm chuẩn bị những chương trình mới để phục vụ khán giả.
Có thể thấy, sân khấu Thủ đô đang từng bước trở lại, đại diện các nhà hát cho rằng, việc cần làm bây giờ là sốc lại tinh thần nghệ sĩ và khắc phục những thiệt hại về kinh tế trong 2 năm qua, mà điều này chỉ riêng các đơn vị nghệ thuật thì không làm được. Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho hay: “Chúng tôi không mong khán giả kín rạp nhưng cũng phải được một lượng nhất định, bởi thời điểm này có lẽ nhiều khán giả chưa sẵn sàng đến rạp. Việc khởi động lại rất quan trọng, tuy nhiên vì nghệ thuật, nghệ sĩ và khán giả cần được an toàn, như thế phải có sự chung tay của cơ quan Nhà nước giúp các nhà hát giảm áp lực về kinh tế trong bối cảnh nỗi lo giá xét nghiệm Covid-19 chồng giá vé”.
NSND Tống Toàn Thắng, Phó GĐ Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ: “Không chỉ khán giả cảm thấy phấn chấn mà các nghệ sĩ cũng rất phấn khởi. Họ đã được sống cùng nghề sau một khoảng thời gian quá lâu không được biểu diễn trước khán giả. Đó là những tín hiệu tích cực cho sự hồi phục của nghệ thuật sau đại dịch…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại