Thứ sáu 19/04/2024 19:16

Những người tố cáo nghệ sĩ Hoài Linh có bị vướng quy định pháp lý?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dư luận đặt câu hỏi việc Nghệ sỹ Hoài Linh không ăn chặn tiền từ thiện, những người tố cáo có bị xem xét về hành vi vu khống?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, cơ quan CSĐT CA TP HCM đã ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan việc quyên góp từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh do không có dấu hiệu tội phạm đang nhận được rất nhiều sự chú ý từ dư luận.

Cụ thể, ngày 22-12, cơ quan CSĐT CA TP HCM đã có thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm, liên quan một số cá nhân tố cáo ông Võ Nguyễn Hoài Linh, SN 1969, ngụ quận Phú Nhuận có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh, xác định nội dung các tố giác không có sự việc phạm tội. Do vậy, cơ quan CSĐT CA TP HCM đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 1156-01, ngày 23-11-2021.

Ngày 30-11-2021, VKSND TP HCM có Kết luận số 406/KLKS-VKS-P2 xác định: "Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của CQCSĐT CA TP HCM là có căn cứ, đúng pháp luật", Thông báo của cơ quan CQCSĐT CA TP HCM nêu.

Trước đó, CA TP HCM nhận được đơn tố giác tội phạm của 4 cá nhân ở TP HCM, Hà Nội và tỉnh Bình Thuận, cho rằng nghệ sĩ Hoài Linh có hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Vậy, các trường hợp có đơn tố cáo nghệ sĩ Hoài Linh trục lợi có thể bị xử lý được không? Nếu có thì xử lý thế nào? Căn cứ vào đâu để xử lý?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu những cá nhân đứng đơn tố cáo nghệ sĩ Hoài Linh ăn chặn, trục lợi tiền từ thiện xuất phát từ sự vô tư, khách quan mà không có bất cứ động cơ, mục đích nào khác nhằm làm xấu đi hình ảnh, sai sự thật dẫn đến ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nghệ sĩ Hoài Linh thì dù sau đó cơ quan chức năng không đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm đối với người bị tố cáo là nghệ sĩ Hoài Linh thì cũng khó có thể để xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân đứng đơn tố cáo.

Ngược lại, luật sư Nguyên cũng cho biết, nếu những cá nhân tố cáo nghệ sĩ Hoài Linh trục lợi, ăn chặn tiền từ thiện nhưng vô căn cứ, biết rõ là không đúng sự thật, đồng thời có những động thái, động cơ khác như chia sẻ, lan truyền lên mạng xã hội, làm cho nhiều người hiểu sai sự thật về nghệ sĩ Hoài Linh, dẫn đến uy tín, danh dự, thậm chí thương hiệu cá nhân của nghệ sĩ Hoài Linh bị ảnh hưởng tiêu cực thì những cá nhân tố cáo sai sự thật đó có thể bị xử lý trách nhiệm về hành vi “Vu khống” theo Điều 156, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, người có hành vi “Vu khống” có thể bị xử phạt cao nhất lên đến 7 năm tù theo quy định tại khoản 3 Điều 156 BLHS năm 2015. Ngoài ra, nếu việc tố cáo sai sự thật đó dẫn đến những thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần cho nghệ sĩ Hoài Linh thì người tố cáo sai sự thật phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những tổn thất đó theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Nhìn nhận trong vụ việc trên, luật sư cho rằng, cái sai của người nghệ sĩ Hoài Linh là có sự chậm trễ trong việc sử dụng tiền từ thiện vào đúng mục đích. Người góp tiền từ thiện luôn mong muốn đồng tiền mình góp được sử dụng đúng mục đích, đúng thời điểm.

Ngoài việc chậm làm từ thiện, Hoài Linh cũng mắc sai lầm là không có giải trình minh bạch. Dù Hoài Linh đã chuyển được hay chưa chuyển được số tiền quyên góp từ thiện thì hiện số tiền có bao nhiêu, giữ ở tài khoản nào, kế hoạch xử lý tiền đó ra sao thì Hoài Linh cũng nên thông tin công khai cho dư luận được biết.

Theo đó, luật sư Nguyên cho biết, pháp luật hiện hành vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể những hoạt động từ thiện kiểu này. Một số văn bản quy định về kêu gọi sử dụng tiền từ thiện như Nghị định 93/2021/NĐ-CP nhưng không tương thích, không đầy đủ cho hoạt động từ thiện của giới nghệ sĩ đã làm trong thời gian vừa qua.

“Khi nghệ sĩ tham gia các hoạt động xã hội cần phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác. Đặc biệt dùng uy tín cá nhân để lan tỏa giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng, chú trọng các hoạt động liên quan đến giáo dục sức khỏe cộng đồng, lối sống thân thiện và bảo vệ môi trường. Công khai, minh bạch kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân”, luật sư Nguyên phân tích.

Qua những vụ việc từ thiện trong thời gian qua, luật sư Nguyên cho rằng, Chính phủ cần sớm nghiên cứu ban hành những quy định nhằm đưa ra cách thức làm từ thiện, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn cho hoạt động từ thiện. Đồng thời, nên có cơ chế để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền làm bên thứ ba giám sát hoạt động từ thiện để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động