Những người khuyết tật về tay, chân và các bộ phận khác trên cơ thể vẫn được cấp CCCD
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChuyến bay cổ tích của chàng trai bán vé số
"Em bị cụt không có bàn tay, không có vân tay nên không được làm giấy CMND mà chỉ có giấy chứng nhận khuyết tật của ủy ban xã cấp. Nay bố em ngoài quê bị tai biến đang mong em về nên mới hỏi thăm để đi máy bay", đứng trước quầy vé giờ chót trong ngày cuối cùng của tháng 5, chàng trai tên Nguyễn Quốc Phương khẩn khoản trình bày với người chị Thảo (nhân viên bán vé hãng hàng không Bamboo Airways).
Được biết, Phương quê ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, vào TP Hồ Chí Minh 3 năm nay, mưu sinh kiếm tiền gửi về quê bằng nghề bán vé số. Mỗi lần về quê thăm bố, Phương đều đi xe khách vì không có giấy tờ tùy thân. Nghe Phương nói, chị Thảo vội đi hỏi trưởng ca, nhờ báo cáo với bộ phận an ninh và cấp trên về trường hợp của chàng trai khuyết tật này.
Trưởng ca của Thảo là anh Nguyễn Đoàn Trí vẫn hy vọng giúp được Phương nên dẫn cậu đến các cửa để xin "giải quyết linh động". Sau khi anh Trí lo xong giấy tờ hỗ trợ bay, đến lượt xuất vé thì Phương khựng lại, hỏi: "Vé bây giờ nhiều tiền không chị?". Thảo báo giá vé thấp nhất cho chuyến bay cuối cùng lúc 17g50 về sân bay Nội Bài, Hà Nội là 900.000 đồng.
Anh Nguyễn Quốc Phương cầm trên tay tấm vé số để về quê thăm bố |
Phương dốc chiếc túi đựng vé số ra nhờ Thảo đếm toàn bộ "gia tài" của mình, tổng cộng được 350.000 đồng. Phương tần ngần rồi nhờ Thảo giữ giùm số tiền, còn mình sẽ đi xe ôm về quận 7 mượn tiền của bạn rồi quay lại mua vé. Nhưng, như vậy sẽ lỡ chuyến bay cuối cùng trong ngày về Hà Nội.
Tấm vé mang tên Nguyễn Quốc Phương được xuất, sau cái níu tay của chị Thảo và trưởng ca Nguyễn Đoàn Trí: “Tiền thiếu tụi này sẽ bù ". Bởi "biết thiếu nhưng ảnh không hề hỏi hay nhờ ai ủng hộ mà định quay về đi vay tiền. Mình thấy rất đáng quý nên cùng mọi người quyết định giúp".
Trong lúc anh Trí dẫn Phương lên cổng an ninh để đảm bảo chàng trai lên được máy bay, chị Thảo cũng kịp chạy quanh, kêu gọi các nhân viên an ninh ở cổng, nhân viên quầy vé ủng hộ thêm cho Phương ít tiền làm lộ phí. "Mấy người chúng tôi, mỗi anh em một ít, gom đủ vé bay cho anh, còn dư một chút cũng nhét thêm vào túi anh làm lộ phí về quê từ sân bay Nội Bài. Sau khi thanh toán tiền vé máy bay, tôi đưa anh sang quầy làm thủ tục", anh Trí kể.
Nhận vé rồi hướng dẫn lên phòng chờ, anh Phương tần ngần một lúc rồi xin tên những nhân viên đã giúp đỡ, bịn rịn nói lời cảm ơn. "Anh ấy mừng và muốn khóc", chị Thảo nhớ lại. 19g30 tối 31-5, anh Phương đáp xuống sân bay Nội Bài, 2 tiếng đồng hồ sau, anh về đến nhà ở Hưng Yên.
Sáng 1-6, anh vào bệnh viện, được biết tình hình của bố đã đỡ hơn, anh thở phào. Anh cho biết sẽ ở nhà chăm sóc bố, chờ đến ngày tình hình Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh ổn định sẽ vào lại. Thời gian tới, anh sẽ ra UBND xã xin cấp căn cước công dân, hoàn thiện giấy tờ tuỳ thân. "Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các anh chị hãng bay đã lo lắng và hỗ trợ để tôi nhanh chóng được về bên người thân", anh Phương nói.
Người khuyết tật vẫn được cấp CCCD
Câu chuyện của chàng trai khuyết tật Nguyễn Quốc Phương kết thúc có hậu, nhưng qua sự việc đã không ít người băn khoăn về thông tin chàng trai đưa ra: “Em bị cụt không có bàn tay, không có vân tay nên không được làm giấy CMND..." và đặt câu hỏi về việc cấp CCCD cho người khuyết tật được quy định ra sao?
Theo Luật Căn cước công dân, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp CCCD. Số thẻ CCCD là số định danh cá nhân. Người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục theo quy định. Như vậy, những người khuyết tật về tay, chân và các bộ phận khác trên cơ thể vẫn được cấp CCCD.
Về việc thu thập vân tay khi làm CCCD, khoản 3 Điều 5 Thông tư 11/2016/TT-BCA quy định: Thu nhận vân tay chụm của 4 ngón bàn tay phải; vân tay chụm của 4 ngón bàn tay trái; vân tay của 2 ngón cái. Trường hợp nếu không thu nhận được đủ 10 vân tay của công dân thì mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.
Lực lượng công an tận tình giúp đỡ người khuyết tật làm CCCD |
Tại điểm d khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2016 của Bộ Công an quy định về trình tự thủ tục cấp CCCD cũng nêu rõ, cán bộ cơ quan quản lý CCCD chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ CCCD in trên phiếu thu nhận thông tin và thẻ CCCD.
Cán bộ cơ quan quản lý CCCD thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay. Trường hợp ngón tay bị cụt, khoèo, dị tật, không lấy được vân tay thì cán bộ quản lý CCCD ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó. Với những trường hợp người khuyết tật ở tay không thu được vân tay thì cán bộ quản lý CCCD sẽ ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó trên phiếu thu thập thông tin và thẻ CCCD.
Thực tế cho thấy, trường hợp khi lăn dấu vân tay để làm CMND hay CCCD mà không thể thấy được dấu vân tay thì mục dấu vân tay sẽ được đánh dấu “x”. Lúc này cơ quan công an sẽ tiến hành định danh bằng những đặc điểm nhận dạng khác. Pháp luật hiện nay không có quy định nào bắt buộc là phải lăn tay được thì mới được làm CMND và CCCD.
Một số địa phương còn thực hiện công tác làm thủ tục cấp CCCD tại nhà cho người già, người bệnh và người khuyết tật không thể đi lại được. Đây là việc làm hết sức thiết thực, ý nghĩa được chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Vì vậy, chúng ta có thể thấy, pháp luật luôn bảo đảm quyền cho người khuyết tật. Dù họ có những khó khăn nhất định nhưng họ vẫn không bị hạn chế trong việc xin cấp CCCD, luôn được nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại