Những đóa hoa kiên cường
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHai bạn trẻ Nghiêm Thu Loan (trái) và Vũ Thị Hải Anh chính là những tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. |
Tấm gương đầy nghị lực của bạn trẻ Nghiêm Thu Loan (25 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội) dù bị khiếm thị nhưng vẫn xuất sắc giành được học bổng trị giá 1,5 tỷ đồng của ĐH RMIT năm 2019, trở thành Chủ nhiệm mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam, tình nguyện viên dạy tiếng Anh tại lớp học Cầu vồng đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho nhiều người.
Ngoài ra, Loan còn là Chủ nhiệm, nhà sáng lập Câu lạc bộ Step - hành động vì người khiếm thị. Cô từng nhận Bằng khen của bộ LĐ-TB&XH; Giấy khen của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch. Năm 2022, Loan được tuyên dương gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu của Trung ương Đoàn trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.
Loan chia sẻ cô chào đời với đôi mắt không nhìn rõ ánh mặt trời do căn bệnh glocom (thiên đầu thống), hơn ai hết, Loan là người hiểu những khó khăn của những người bị khiếm thị nên bản thân không ngừng nỗ lực giúp đỡ những người chung hoàn cảnh. Học cấp 2, Loan đã trở thành tình nguyện viên với nhiệm vụ chuyển đổi sách văn học sang định dạng tiếp cận cho học sinh khiếm thị.
Những cuộc hành trình đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, thực hiện nhiều dự án, chiến dịch, hoạt động vì những người có hoàn cảnh khó khăn, Loan càng nuôi ước vọng sau này trở thành một nhà văn, diễn giải truyền cảm hứng và có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng. Loan chia sẻ trước đây, cô đã nhận được nhiều tình yêu thương của những người xung quanh nên đó là cách cô cảm ơn cuộc đời.
Hiện nay, bên cạnh chuyên ngành chính là truyền thông, Loan còn học nâng cao nhiều lĩnh vực như sư phạm, công nghệ thông tin, sáng tác văn học, công tác xã hội, quản lý và lãnh đạo, kinh tế và khởi nghiệp, MC và kỹ năng sân khấu,… để trau dồi bản thân, trang bị cho mình những hành trang vững chắc phục vụ cho công việc sau này. Loan tin rằng, bằng sự yêu thương, sẻ chia, hỗ trợ của mọi người, sự chăm chỉ, ý chí vươn lên của chính mình cùng với niềm hy vọng, lạc quan, một ngày không xa, cô sẽ chạm đến ước mơ từng ấp ủ.
Bạn Vũ Thị Hải Anh (22 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bị khiếm thị bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam của bố nhưng quyết không đầu hàng số phận. Càng trong khó khăn, cô gái trẻ càng mạnh mẽ, đam mê học hỏi để trưởng thành. Hải Anh từng được trao nhiều Bằng khen; giải Đặc biệt trong “Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019”; được nhận học bổng Học không bao giờ cùng của Hội Khuyến học Việt Nam; giải Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô năm 2019; Tuyên dương học sinh giỏi tiêu biểu của Thủ đô năm học 2019 - 2020,…
Đặc biệt, cô còn vinh dự được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lựa chọn tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”. Hiện tại, Hải Anh là thành viên công tác trong cộng đồng khiếm thị - chia sẻ - kết nối hỗ trợ, truyền cảm hứng tới cộng đồng để có cái nhìn tích cực hơn về những người khuyết tật, trong đó có khiếm thị.
Mặc dù bị khiếm thị, đối diện với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, công việc nhưng các bạn trẻ như Nghiêm Thu Loan và Vũ Thị Hải Anh vẫn cố gắng vươn lên, cống hiến cho cộng đồng, trở thành những tấm gương sáng, những “đại sứ” lan tỏa thông điệp “vượt khó khăn, vượt rào cản và khát vọng cống hiến”.
Đóa hoa nở muộn | |
Tháng ba về, những "đóa hoa" bích họa nở sáng bừng phố phường Hà Nội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại