Những điều cần biết về tập sự hành nghề Thừa phát lại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTPL tư vấn cho khách hàng |
Theo Điều 7, Thông tư số 05/2020/TT-BTP, ngày 28-8-2020, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL, nội dung tập sự hành nghề TPL bao gồm: Tiếp nhận, phân loại yêu cầu thực hiện công việc của TPL (sau đây gọi là yêu cầu); kiểm tra tính xác thực, tính hợp pháp của các giấy tờ có trong hồ sơ yêu cầu, năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu; Ứng xử theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp TPL; giải thích cho người yêu cầu hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý khi thực hiện yêu cầu, lý do khi từ chối thực hiện yêu cầu;
Nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết hồ sơ yêu cầu; Kỹ năng lập vi bằng, soạn thảo văn bản thuộc thẩm quyền của TPL; Kỹ năng tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; Kỹ năng xác minh điều kiện thi hành án; Kỹ năng tổ chức thi hành án; Sắp xếp, phân loại hồ sơ đã được thực hiện để đưa vào lưu trữ; Các kỹ năng và công việc khác liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của TPL theo sự phân công của TPL hướng dẫn tập sự.
Đáng chú ý, Thông tư dành cả Điều 8 để nêu rõ về nhật ký tập sự, báo cáo kết quả tập sự; kiểm tra, giám sát việc tập sự. Cụ thể: Người tập sự lập nhật ký tập sự hành nghề TPL để ghi chép các công việc thuộc nội dung tập sự mà mình thực hiện trong suốt thời gian tập sự. Nhật ký tập sự có xác nhận hàng tuần của TPL hướng dẫn tập sự và xác nhận của Văn phòng TPL nhận tập sự khi kết thúc quá trình tập sự.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian tập sự, người tập sự phải gửi nhật ký tập sự, báo cáo kết quả tập sự đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự để xem xét công nhận hoàn thành tập sự. Trong thời gian 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được nhật ký tập sự, báo cáo kết quả tập sự, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho người tập sự về việc người tập sự đã hoàn thành tập sự; trường hợp không công nhận hoàn thành tập sự thì Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do cho người tập sự.
Trường hợp người tập sự gửi nhật ký tập sự, báo cáo kết quả tập sự không trong thời hạn quy định tại khoản này mà không có lý do chính đáng thì Sở Tư pháp không công nhận hoàn thành tập sự và thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do cho người tập sự. Người tập sự có quyền khiếu nại về việc Sở Tư pháp không công nhận hoàn thành tập sự.
Báo cáo kết quả tập sự gồm các nội dung chính sau đây: Số lượng, nội dung, cơ sở pháp lý và kết quả giải quyết các công việc được TPL hướng dẫn tập sự phân công, hướng dẫn thực hiện; Kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề TPL theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này và kinh nghiệm thu nhận được từ quá trình tập sự; Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tập sự; Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị (nếu có); Báo cáo kết quả tập sự phải có nhận xét của Thừa phát lại hướng dẫn tập sự và xác nhận của Văn phòng TPL nhận tập sự về quá trình tập sự và kết quả tập sự.
Sở Tư pháp kiểm tra, giám sát việc tập sự của người tập sự, việc hướng dẫn tập sự của TPL và việc nhận tập sự của Văn phòng TPL theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp cung cấp nhật ký tập sự, tự mình hoặc đề nghị Sở Tư pháp xác minh, làm rõ việc tập sự của người tập sự.
Về điều kiện nhận, hướng dẫn tập sự hành nghề TPL, ông Phạm Anh Dũng, Nguyên Trưởng văn phòng TPL Hai Bà Trưng, cho biết, Văn phòng TPL nhận tập sự phải có TPL đáp ứng đủ điều kiện hướng dẫn tập sự theo quy định tại khoản 2 Điều này. TPL hướng dẫn tập sự phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm hành nghề TPL. Thừa phát lại bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề Thừa phát lại thì sau 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được hướng dẫn tập sự hành nghề TPL. Trong cùng một thời gian, 1 TPL không được hướng dẫn nhiều hơn 3 người tập sự.
TPL từ chối hướng dẫn tập sự trong trường hợp không đủ điều kiện hướng dẫn tập sự theo quy định tại khoản 2 Điều này; thuộc trường hợp quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 10 của Thông tư này; bị tạm đình chỉ hành nghề TPL; vì lý do sức khỏe hoặc lý do khách quan khác.
TPL từ chối hướng dẫn tập sự theo quy định tại khoản này phải thông báo bằng văn bản cho Văn phòng TPL nhận tập sự. Văn phòng TPL nhận tập sự phân công một Thừa phát lại khác đủ điều kiện hướng dẫn tập sự; trường hợp Văn phòng TPL không có Thừa phát lại khác đủ điều kiện hướng dẫn tập sự thì phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Văn phòng TPL, Sở Tư pháp chỉ định một Văn phòng TPL khác nhận tập sự; trường hợp không có Văn phòng TPL đủ điều kiện nhận tập sự thì thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do cho người tập sự.
TPL là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; trong đó: - Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do TPL thực hiện theo quy định của pháp luật; - Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do TPL trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại