Thứ hai 29/04/2024 20:41

Những câu chuyện xúc động về những người thầy - người truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong chương trình “Thay lời tri ân”, chủ đề “Tôi chọn nghề giáo”, nhiều câu chuyện xúc động của các thầy cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc đã giúp mọi người càng trân trọng những cống hiến của những người lái đò thầm lặng. Dù hành trình “trồng người” có nhiều gian khó nhưng các thầy cô luôn nỗ lực vươn lên, gắn bó với nghề, chắp cánh cho những ước mơ của học trò bay cao, bay xa hơn.
Những câu chuyện xúc động về những người thầy - người truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò
Thầy giáo Bùi Văn Anh và thầy giáo Lương Văn Sắng tại chương trình. Ảnh: BTC

Trong chương trình, nhiều câu chuyện xúc động của các thầy, cô giáo được chia sẻ. Đó là câu chuyện về nghề “thầy nuôi dạy trẻ” của thầy giáo Bùi Văn Anh, Trường Mầm non Hạ Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Sau khi đi nghĩa vụ quân sự 4 năm, thầy trở về quê hương và quyết định đi học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương. Trong khi chờ đợi xin việc, thầy Văn Anh xin làm cán bộ văn hóa xã. Cũng nhờ công việc này đã đưa thầy đến với công việc giáo viên mầm non hiện nay. Được đến những thôn bản, được đi vào các nhà trường, thầy Văn Anh càng thấu hiểu sự khó khăn khi làm nghề của các cô giáo mầm non. Khi đó, thầy nghĩ các cô vẫn lạc quan, bám trụ với nghề thì tại sao mình lại không thể. Đó là lý do thầy quyết định đi học văn bằng 2 Sư phạm Mầm non tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Tốt nghiệp, thầy xin vào làm việc tại trường mầm non Hạ Trung. Tính đến nay, thầy đã gắn bó với nghề được 6 năm.

Một tấm gương khác là thầy giáo Lương Văn Sắng (Trường Mần non Văn Nho, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). 33 năm về trước, thầy tốt nghiệp THPT, thi đỗ vào trường ĐH Sư phạm. Tuy nhiên, thầy không đi học ĐH mà ở lại quê nhà để dạy các em nhỏ mầm non. Khi đó, gia đình, bạn bè không ủng hộ quyết định này của thầy Sắng vì họ cho rằng đi dạy mầm non thời điểm đó không có lương. Thầy Sắng chỉ được hưởng 10 kg thóc do thôn, bản chi trả. Có năm, thầy không được nhận thóc vì bà con mất mùa. Nhiều người cho rằng đi dạy bậc học phổ thông thì sẽ nhàn hơn và sẽ có lương. Khi đó, thầy từng bước thuyết phục mọi người. Thấy được việc thầy làm vô cùng ý nghĩa, gia đình và bạn bè đã ủng hộ và hỗ trợ thầy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tính đến nay, thầy đã gắn bó với nghề giáo viên bậc học mầm non được 33 năm.

Tỉnh Thanh Hoá cũng là địa phương có số thầy giáo mầm non khá nhiều, với 60 thầy, trong đó huyện Bá Thước có 18 thầy giáo, chiếm tỷ lệ cao nhất. Vượt khó khăn, gạt bỏ định kiến, thầy giáo Bùi Văn Anh và các đồng nghiệp vẫn ngày đêm tận tụy chăm sóc, bù đắp những thiệt thòi cho các học trò.

Những câu chuyện xúc động về những người thầy - người truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò
Cô giáo Đặng Thị Ngọc Hà được các học trò tri ân ngay trên sân khấu chương trình. Ảnh: BTC

Câu chuyện về cô giáo Đặng Thị Ngọc Hà, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội cũng để lại nhiều xúc động cho khán giả. Không chỉ chấm điểm, sửa bài chi tiết cho các em học sinh, cô Hà thường viết “thư tay” kẹp trong bài kiểm tra động viên các em tự tin phát triển bản thân, phấn đấu trong học tập. Những lời khen, góp ý chân thành của cô đã trở thành động lực để các em nỗ lực từng ngày và gặt hái nhiều thành công sau này.

Những câu chuyện xúc động về những người thầy - người truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò
Cô giáo Nguyễn Thị Như Yến (phải) và học trò Đinh Thị A Nênh. Ảnh: BTC

“Hoa mặt trời ở Tây Nguyên” là biệt danh nhiều người đặt cho cô Nguyễn Thị Như Yến - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Lê Qúy Đôn (xã Yang Trung, huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai). Không chỉ dạy kiến thức trên lớp, cô còn chở những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn về nhà bổ túc kiến thức và chăm sóc. Gia đình cũng rất ủng hộ quyết định của cô Như Yến.

Sự nhiệt huyết, chân thành, tận tụy của cô Như Yến đã truyền lửa nghề giáo viên cho chính học trò của mình - cô giáo Đinh Thị A Nênh (Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi, xã Đăk Tơ Pang, huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai). Cô giáo Đinh Thị A Nênh chia sẻ ngày trước, khi cô còn là cô học trò nhỏ, mỗi tối, cô và bạn bè thường sang nhà tập thể của xã - nơi cô Như Yến ở khi giảng dạy tại đây để ngủ và học bài. “Khi cô Yến còn rất trẻ, cô đã lựa chọn xa gia đình để vào công tác tại bản còn rất nhiều khó khăn. Qua quá trình cô dạy chúng tôi, cô Yến rất nhiệt tình, yêu thương học trò. Thấy tấm gương của cô Yến, tôi chỉ muốn làm giáo viên”, cô giáo Đinh Thị A Nênh bày tỏ.

Một câu chuyện truyền cảm hứng khác đến từ TS Nguyễn Phi Lê, hiện đang công tác tại ĐH Bách khoa Hà Nội và đảm nhiệm vai trò là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI). Cô Phi Lê đã từ chối lời mời làm việc tại Nhật Bản sau khi học xong Tiến sĩ tại đất nước "mặt trời mọc" để trở về nước. Theo cô, “về nước mình sẽ làm được nhiều việc hơn, giúp được nhiều hơn cho sinh viên nước mình".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Phó Thủ tướng cũng nhắc lại thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành Giáo dục, đồng thời nhấn mạnh, trong thế giới rộng mở ngày nay, định hình của một quốc gia, của một dân tộc là bản sắc, là văn hóa. Giáo dục là nơi xác lập những giá trị căn cốt cho mỗi người. Sức mạnh của một dân tộc, của một đất nước không chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có, mà từ tri thức được xây đắp bằng trí tuệ mỗi người.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhìn nhận, sự lựa chọn chính là điểm khởi đầu trong hành trình vinh quang nhưng cũng đầy nhọc nhằn, gian khổ mà các thầy giáo, cô giáo qua nhiều thế hệ đã đóng góp. “Với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, chúng ta hãy dành tình cảm, sự biết ơn, lời chúc, nụ cười, những đóa hoa tươi thắm nhất đến tất cả thầy, cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn tới toàn thể những người đã và đang chọn nghề dạy học làm sự nghiệp của mình, dù với bất cứ nhân duyên hay lý do nào; đồng thời ghi nhận và cảm ơn những đóng góp to lớn của tất cả các cô giáo, thầy giáo, cả những điều đã được xã hội biết tới và những điều thầm lặng không ai biết tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, ngày 20/11 là ngày tri ân các nhà giáo, như một đạo lý và nét đẹp văn hóa. Nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo cũng xác định, dịp 20/11 hằng năm là dịp mà toàn ngành bày tỏ và nói lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tới toàn thể phụ huynh, tới các cấp, các ngành Trung ương và địa phương, tới toàn thể Nhân dân, xã hội. Bởi nhà giáo vinh dự có một nghề vinh quang và đang được đặc biệt quan tâm chăm chút, được coi là quốc sách hàng đầu và đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

Người thầy đáng kính của những “huy chương quốc tế” Người thầy đáng kính của những “huy chương quốc tế”
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động