Nhờ AI, bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện và điều trị sớm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPGS.TS Vũ Văn Giáp trình bày 6 trụ cột trong tầm nhìn 2030 của Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thành Dương |
Tại Hội nghị khoa học tổng kết công tác chỉ đạo tuyến bệnh viện Bạch Mai năm 2024, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc bệnh viện đã chia sẻ về một trường hợp điển hình được phát hiện và chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn sớm nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Theo đó, bệnh nhân nam 49 tuổi đến khám với bệnh nền tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đã đặt 3 stent. Trong quá trình khám sức khỏe định kỳ, kết quả chụp X-quang phổi của bệnh nhân phát hiện một đám mờ đáng ngờ. Khi làm thêm cận lâm sàng khác như nội soi phế quản thì chưa có gì đáng chú ý, nhưng đây chính là lúc công nghệ AI thể hiện vai trò của mình.
PGS.TS Vũ Văn Giáp chia sẻ, với các bác sĩ thiếu kinh nghiệm hoặc trong trường hợp đọc kết quả không kỹ, những tổn thương như thế này rất dễ bị bỏ qua, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội chẩn đoán sớm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, hệ thống AI đã tự động phân tích và nhận diện được tổn thương ở thùy phổi phải, đồng thời đánh giá đây là một nốt mờ có nguy cơ ác tính và tỷ lệ ung thư cao.
Dựa trên cảnh báo này, bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Các hình ảnh sau đó được đưa vào hệ thống AI do nhóm nghiên cứu phát triển để phân tích. Kết quả một lần nữa xác nhận đây là tổn thương có nguy cơ cao là ung thư phổi. Thông thường, với bệnh nhân có bệnh nền phức tạp và tổn thương nhỏ, các bác sĩ có thể chọn phương án theo dõi trong 6 tháng. Tuy nhiên, điều này có thể khiến bệnh nhân mất cơ hội điều trị triệt căn sớm nếu khối u phát triển và di căn trong thời gian chờ đợi.
Với sự hỗ trợ của AI cùng kinh nghiệm lâm sàng phong phú, Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện đã quyết định phẫu thuật cắt toàn bộ khối u phổi, bỏ qua bước sinh thiết xâm lấn có thể gây biến chứng như chảy máu hay tràn khí. Việc phân tích mô bệnh học sau đó cũng được thực hiện với sự hỗ trợ của AI, xác nhận chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến ở giai đoạn T1M0N0 - giai đoạn sớm cho phép điều trị triệt căn hoàn toàn mà không cần hóa trị hay xạ trị.
Đặc biệt, PGS.TS Vũ Văn Giáp đã tự hào công bố một thành tựu quan trọng: nhóm nghiên cứu của họ đã phát triển được ba module chẩn đoán liên thông, từ chẩn đoán hình ảnh đến nội soi phế quản và mô bệnh học - được cho là duy nhất trên thế giới hiện nay.
Tự xử lý vết thương, hai bệnh nhân nguy kịch vì uốn ván |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại