Nhiều Khó khăn khi áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt đô thị
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuang cảnh buổi hội thảo sáng 19/1. Ảnh: Công Phương |
Sáng 19/1, UBND TP Hà Nội chủ trì buổi hội thảo theo chủ đề: “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị”.
Phát biểu khai mạc hội thảo theo chủ đề: “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo quy hoạch GTVT Thủ đô hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến ĐSĐT (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh), với tổng chiều dài 417,8km (trong đó 75,6km đi ngầm). Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13km (Tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông) và đang triển khai thi công 12,5km (Tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội), như vậy theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị, đến năm 2035 TP Hà Nội phải hoàn thành 404,8km tuyến ĐSĐT còn lại.
Hiện nay, tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư đã đi vào khai thác vận hành, được toàn thể Nhân dân TP Hà Nội chào đón và sử dụng với tần suất cao, bước đầu cho thấy hiệu quả về mặt khai thác.
Sắp tới UBND TP Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao thuộc dự án tuyến ĐSĐT thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, cũng như UBND TP Hồ Chí Minh sắp đưa vào khai thác tuyến ĐSĐT số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Công Phương |
Trong quá trình triển khai thực hiện, cả hai dự án đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Trong số những nguyên nhân của việc chậm tiến độ đó là chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp một số vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước cũng như nước ngoài đối với các dự án, đặc biệt mỗi dự án sử dụng các công nghệ của các nước khác nhau thì áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn cũng khác nhau, những khó khăn trong công tác quản lý dự án.
Để đúc rút kinh nghiệm cho việc đầu tư hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn 2 thành phố lớn nhất cả nước. Hà Nội mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp về kinh nghiệm áp dụng hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ trong lĩnh vực đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng muốn lắng nghe các ý kiến góp ý về các chính sách sách ưu tiên, ưu đãi cho phát triển thị trường, các cơ sở công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ cho đường sắt; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án để tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nhà thầu nước ngoài; các mô hình tổ chức quản lý và thực hiện dự án đối với các dự án tương tự đã triển khai tại các nước phát triển.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn mong muốn rằng Hội thảo chuyên đề hôm nay sẽ là cơ hội tốt cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đường sắt đô thị cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm, bài học, ý tưởng về xây dựng, phát triển đường sắt đô thị nói riêng, giao thông đô thị nói chung. Hội thảo hôm này còn là một dịp quan trọng để các đơn vị tham dự tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau tạo nền tảng để xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong thời gian sắp tới.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã phát biểu tham luận, góp ý như: Đường sắt đô thị ở Việt Nam - Thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển; Thu hút nhà đầu tư vào các dự án TOD thông qua hình thức đầu tư tư nhân hay PPP; xây dựng và kiện toàn hệ thống tiêu chuẩn giao thông đường sắt ở Việt Nam; Một số vấn đề trong nghiên cứu xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho hệ thống đường sắt đô thị Việt Nam; Thực tiễn xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt ở Châu âu và khả năng, định hướng xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đường sắt đô thị tại Việt Nam,...
Sáng 17/1, UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh đã khai mạc tổ chức hội thảo quốc tế về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong ngày 17 và 18/1 đã diễn 3 hội thảo bao gồm: 1. Tổng quan phát triển ĐSĐT TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo mô hình TOD; 2- Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển ĐSĐT và khu vực TOD; 3- Huy động nguồn lực từ đất đai. Sáng 19/1, UBND TP Hà Nội chủ trì buổi hội thảo theo chủ đề: “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị”. |
Khai thác nguồn lực đất đai trong phát triển đường sắt đô thị Chiều 18/1, tại Phiên hội thảo khoa học chuyên đề “Huy động nguồn lực từ đất đai”, các chuyên gia, đại biểu đã thảo luận, ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại