Nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Duy Linh |
Phát biểu tại họp báo, PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Cách đây 60 năm về trước, ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến tham dự, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; và cũng cách đây 40 năm, ngày 26/3/1983, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam), tổ chức tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN đã được thành lập với chủ tịch đầu tiên là GS.VS. Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa.
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, Liên hiệp Hội Việt Nam từ một tổ chức xã hội – nghề nghiệp đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại họp báo. Ảnh: Duy Linh |
Báo cáo tóm tắt quá trình hình thành, phát triển và thành tựu đạt được của Liên hiệp Hội Việt Nam trong 40 năm qua, Ths Lê Thanh Tùng, Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức cho biết: Sau Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, rất nhiều các Hội, ngành toàn quốc được thành lập như: Hội Luật gia Việt Nam, Hội Kinh tế Việt Nam, Hội Giống cây trồng Việt Nam, Hội Đúc luyện kim Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội… Đến năm 1983, 14 hội và Liên hiệp Hội Hà Nội đã thống nhất và đề xuất thành lập Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam vào ngày 26/3/1983.
Tính đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam có 156 hội thành viên gồm: 63 Liên hiệp hội địa phương và 93 Hội ngành toàn quốc. Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố tiếp tục được củng cố, kiện toàn; quy mô và cơ cấu tổ chức của các Hội ngành toàn quốc không ngừng được mở rộng (cùng với hội, tổng hội còn có các hiệp hội tham gia là hội thành viên). Hệ thống tổ chức KH&CN trực thuộc Đoàn Chủ tịch cũng tăng lên mạnh mẽ với gần 600 đơn vị. Liên hiệp Hội Việt Nam có 3 đơn vị trực thuộc là: Nhà xuất bản Tri thức; Quỹ hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - Vifotec; Báo Tri thức và Cuộc sống. Toàn hệ thống đã thu hút được trên 3,7 triệu hội viên, trong đó, có khoảng 2,2 triệu trí thức (chiếm 32,5% đội ngũ trí thức KHCN của cả nước).
Các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trải dài trên các lĩnh vực như: phổ biến kiến thức, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tôn vinh trí thức, tổ chức các giải thưởng sáng tạo khoa học và kỹ thuật, tư vấn, phản biện và giám định xã hội... Đơn cử như hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Từ khi thành lập đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam tập hợp được đông đảo chuyên gia, trí thức ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và đã thực hiện hàng nghìn nhiệm vụ tư vấn, phản biện, góp ý khách quan, thẳng thắn và kịp thời nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhiều dự án đầu tư trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Các nhiệm vụ tập trung vào góp ý các dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng các cấp, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; các dự thảo luật quan trọng; các dự án đầu tư trọng điểm; các vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức KH&CN từ trung ương đến địa phương.
Ông Lê Thanh Tùng (đứng), Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức cung cấp thông tin cho báo chí. Ảnh: Duy Linh |
Nổi bật có thể kể đến như góp ý Báo cáo chính trị trình các Đại hội của Đảng; góp ý dự thảo Hiến pháp năm 2013; Dự án Thuỷ điện Sơn La; Dự án Bauxit Tây Nguyên, góp ý xây dựng sân bay Long Thành, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh, Góp ý Quy hoạch mạng lưới đường sắt, đường bộ và cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Có thể nói, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Đồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động này đã và đang trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy giúp Đảng và Nhà nước khi xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ gặp mặt trí thức và 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam có ý nghĩa rất lớn của đội ngũ trí thức trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thể hiện sự quan tâm, coi trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với trí thức khoa học và công nghệ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển đất nước; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Để chuẩn bị cho sự kiện này, Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức một số các hoạt động như: Hội thảo “Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa: Cuộc đời và sự nghiệp” được tổ chức vào ngày 27/2; Hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước” vào ngày 23/3.
Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam (26/3/1983 -26/3/2023) sẽ được Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức vào 8h30 ngày 24/3/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu. |
Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm | |
Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động tri ân |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại