Thứ sáu 19/04/2024 19:20
Phúc thẩm vụ tranh chấp hui, họ ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh

Nhiều chứng cứ phản tố bất hợp lý?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau khi phát hiện việc đóng tiền hụi, họ hơn trăm xuất phường ròng rã trong mấy năm trời nhưng chỉ được lấy một phần nhỏ nên bà Nhị đã làm đơn khởi kiện ra toà để đòi lại quyền lợi. Song, chủ phường phản tố, xuất trình nhiều tài liệu có dấu hiệu tạo dựng và bất hợp lý… nhưng vẫn được HĐXX cấp sơ thẩm chấp nhận?
hdxx so tham chap nhan nhieu chung cu phan to bat hop ly Bài 10: Khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt cán bộ bán đất trái thẩm quyền
hdxx so tham chap nhan nhieu chung cu phan to bat hop ly Cty “ma” bán đấu giá lô tài sản gần chục tỷ của VNPT Hưng Yên?
hdxx so tham chap nhan nhieu chung cu phan to bat hop ly Vì sao HĐXX không muốn làm rõ bản chất của vụ án?

Góp họ nhưng không được… lĩnh tiền?

Ngày 11-9, TAND tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp hụi, họ” xảy ra trên địa bàn huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Trước đó, ngày 11 và 17-1-2017, TAND huyện Yên Phong đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm do Phó Chánh án TAND huyện Yên Phong Hoàng Tuấn Anh làm thẩm phán, chủ toạ phiên toà.

HĐXX cấp sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (vợ chồng bà Đào Thị Nhị và ông Phan Viết Yến, trú tại xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn), chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn là vợ chồng bà Dương Thị Huân và ông Trương Công Kiên, trú tại xã Đông Tiến, huyện Yên Phong. Sau khi đối trừ việc thực hiện nghĩa vụ dân sự, HĐXX đã quyết định buộc bà Nhị phải trả cho vợ chồng bà Huân hơn 578 triệu đồng. Bản án này sau đó bị kháng cáo.

hdxx so tham chap nhan nhieu chung cu phan to bat hop ly
Vợ chồng bà Nhị mọng muốn HĐXX phúc thẩm đánh giá lại những chứng cứ phản tố của bị đơn

Theo bản án sơ thẩm số 03/2017/DSST, tại đơn khởi kiện ngày 9-10-2012 của bà Nhị thể hiện, do có mối quan hệ quen biết nên từ đầu năm 2007 đến giữa năm 2011, bà Nhị có tham gia chơi 15 bát họ (phường) với 118 xuất. Trong đó, 12 bát họ do vợ chồng bà Huân làm chủ, còn 3 bát họ bà Nhị nhờ vợ chồng bà Huân chơi giúp.

Bà Nhị trình bày, vợ chồng bà đã tham gia chơi 118 xuất trên 15 bát họ, song chủ họ mới cho lĩnh 18 xuất, còn lại 100 xuất chủ phường không cho bà Nhị lĩnh. Chính vì vậy, vợ chồng bà Nhị khởi kiện đến TAND huyện Yên Phong giải quyết buộc vợ chồng chủ họ là bà Huân và ông Kiên phải trả lại bà số tiền gần 11 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Nhị còn đề nghị TAND bác bỏ số tiền gần 6,5 tỷ đồng mà vợ chồng bà Huân đã bắt bà ký nhận nợ khống.

Về phía bị đơn, vợ chồng bà Huân trình bày, trong quá trình chơi có một số bát họ bà Nhị đã húc trúng nên đã được lấy tiền và được thể hiện ở các biên bản vay tiền phường, biên bản thế chấp tài sản, giấy biên nhận lấy tiền phường. Còn các bát phường chưa được lĩnh là vì hàng tháng bà Nhị không chịu đến đóng tiền họ.

Bản án sơ thẩm thể hiện, vợ chồng bà Huân thừa nhận, bà Nhị chưa được lĩnh hết các xuất họ đã tham gia chơi tại 6 bát họ. Cụ thể, bà Nhị chưa được lĩnh 45 xuất họ tại 3 bát họ do vợ chồng bà Huân làm chủ và chưa được lĩnh 10 xuất họ (5 triệu đồng/xuất/tháng) do bà Nhị nhờ vợ chồng bà Huân chơi hộ.

Kết quả giám định “vênh” nhau

Trong quá trình giải quyết vụ án, vợ chồng bà Huân đã cung cấp cho toà án tổng cộng 23 chứng cứ (3 giấy biên nhận lấy tiền phường; 4 biên bản vay tiền; 12 giấy biên nhận vay tiền và 4 bản thế chấp tài sản) và cho rằng đây là các giấy biên nhận do tay bà Nhị viết. Bà Nhị không thừa nhận và có đơn đề nghị trưng cầu giám định chữ ký và chữ viết.

Sau đó, TAND huyện Yên Phong đã ba lần trưng cầu giám định tại Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, Bộ Công an; Trung tâm tư vấn, giám định dân sự, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam và Phòng Giám định kỹ thuật hình sự, Bộ Quốc phòng. Song, các kết luận giám định này lại “vênh” nhau. Cụ thể:

Kết luận giám định số 1237/C45-P5 ngày 23-6-2014 của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự thể hiện, phần lớn chữ viết trên 23 tờ chứng cứ và các chữ “Đào Thị Nhị” và chữ ký của bà Nhị so với các mẫu so sánh là do cùng một người viết ra. Kết luận giám định số 92/GĐKTHS-P11 của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự, Bộ Quốc phòng thể hiện, chữ viết cần giám định trên các tài liệu cần giám định với các mẫu so sánh là do cùng một người viết ra. Đáng chú ý, Kết luận giám định số 92/GĐKTHS-P11 lại không giám định chữ ký theo yêu cầu của TAND huyện Yên Phong.

Trong khi đó, Bản giám định số 08/2016/TTTVGĐDS của Trung tâm tư vấn, giám định dân sự kết luận, chữ ký và chữ viết trong 4 tờ Giấy biên nhận vay tiền với chữ viết, chữ ký của bà Nhị trong các mẫu so sánh không phải do cùng một người viết và ký ra. Bản giám định số 08/2016/TTTVGĐDS thể hiện, phương pháp giám định so sánh rất chi tiết chữ ký, chữ viết trong các mẫu cần giám định và mẫu so sánh. Mặt khác, chỉ cần nhìn trực quan chữ viết, chữ ký trong 23 tờ chứng cứ cũng có thể dễ dàng thấy sự khác biệt nhau rất rõ ràng.

HĐXX sơ thẩm đánh giá, Kết luận giám định của Trung tâm tư vấn, giám định dân sự và Kết luận của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự, Bộ Quốc phòng cùng về một tài liệu trưng cầu giám định và cùng về một mẫu so sánh đã cho ra hai kết luận hoàn toàn khác nhau. Tại toà, hai giám định viên của hai đơn vị trên đều giữ nguyên quan điểm trong kết luận giám định.

Trong khi các kết luận giám định “vênh” nhau và Kết luận giám định số 92/GĐKTHS-P11 chưa đủ điều kiện là chứng cứ vì không giám định chữ ký theo yêu cầu của toà án nhưng HĐXX sơ thẩm vẫn cho rằng, Kết luận giám định của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự, Bộ Quốc phòng là có căn cứ, phù hợp với lời khai của các đương sự cần được chấp nhận, do vậy có cơ sở để khẳng định, trong thời gian bà Nhị chơi họ với vợ chồng bà Huân thì bà Nhị có vay của vợ chồng bà Huân, tổng số tiền hơn 2,23 tỷ đồng.

Đề nghị xem xét huỷ bản án sơ thẩm!

Tại phiên toà xét xử phúc thẩm, bà Huân trình bày, hình thức chơi là loại phường húc, tức là hàng tháng vào ngày mở bát họ những người tham gia chơi đến húc, ai húc giá thấp nhất thì sẽ được lấy tiền trước, ai chưa lấy thì được đóng tiền theo giá húc. Theo thể lệ, chủ phường được lấy đầu tiên một xuất, từ tháng thứ 2 trở đi thì các thành viên được đến húc.

Bà Huân cũng thừa nhận, số tiền ghi trong các giấy biên nhận vay tiền chính là số tiền bà Nhị lấy xuất phường của mình sau khi húc trúng trong các bát phường. Chỉ có chủ phường và người lấy xuất cuối cùng là được nhận mức tiền cao nhất. Những xuất còn lại chỉ được lấy số tiền thấp hơn.

Luật sư Đinh Văn Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nhị đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý và có dấu hiệu tạo dựng trong 23 tờ chứng cứ do vợ chồng bà Huân cung cấp cho TAND huyện Yên Phong để phản tố. Cụ thể:

Bà Huân khẳng định, mỗi tháng, người chơi chỉ được lấy 1 xuất trong 1 bát họ. Thế nhưng, nhiều tài liệu vợ chồng bà Huân dùng để phản tố lại thể hiện, bà Nhị lấy nhiều xuất phường trong 1 bát họ. Song, nhiều chứng cứ bất hợp lý này vẫn được HĐXX cấp xơ thẩm chấp thuận để đối trừ nghĩa vụ dân sự giữa hai bên.

Mặt khác, trong các giấy biên nhận vay tiền được cho rằng bà Nhị đã lấy 1 xuất phường đều ghi với mức tiền cao nhất mà chỉ có chủ phường và người lấy xuất cuối cùng được hưởng; hầu hết trong các giấy biên nhận vay tiền đều ghi người thừa kế thứ nhất là ông Phan Viết Yến, chồng bà Nhị và người thừa kế thứ hai là anh Phan Viết Phong, con trai bà Nhị.

Trong khi đó, bà Huân thừa nhận, bà Nhị không phải là chủ phường và không phải là người nhận xuất cuối cùng nên không được nhận mức phường cao nhất; ông Yến và anh Phong không biết, không ký và không phải chịu trách nhiệm với các giao dịch giữa bà Huân và bà Nhị.

Tại cấp tòa phúc thẩm, bà Nhị đã đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh việc phản tố của vợ chồng bà Huân như đã nói ở trên là sai. Bởi lẽ, bà Nhị đã đối chứng với các giấy tờ biên nhận và giấy vay tiền đồng thời cung cấp bằng chứng là quyển sổ ghi chép do chính bà Huân đưa cho bà Nhị.

Quyển sổ ghi chép này thể hiện, sau khi lấy nhiều xuất họ như trong giấy biên nhận thể hiện, bà Nhị vẫn chỉ phải đóng số tiền mà người chơi húc được ở các tháng sau đó. Cho rằng, 23 tờ giấy biên nhận trên có dấu hiệu tạo dựng, bất hợp lý và kết quả giám định đang “vênh” nhau, bà Nhị tiếp tục đề nghị được giám định lại chữ viết, chữ ký và tuổi mực của các chứng cứ này.

Ngoài việc chỉ ra những chứng cứ phản tố của bị đơn có dấu hiệu tạo dựng và bất hợp lý, luật sư Đinh Văn Sơn còn chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong phiên xét xử sơ thẩm của TAND huyện Yên Phong gây thiệt hại cho nguyên đơn.

Tại phiên toà phúc thẩm, luật sư và vợ chồng bà Nhị đều đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét huỷ bản án sơ thẩm số 03/2017/DSST của TAND huyện Yên Phong để toà án cấp sơ thẩm xem xét lại theo đúng quy định của pháp luật. Còn đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh thì đề nghị TAND tỉnh Bắc Ninh sửa một phần bản án sơ thẩm và tuyên vợ chồng bà Huân phải trả cho bà Nhị hơn 100 triệu đồng.

Dự kiến, sáng 17-9, HĐXX cấp phúc thẩm sẽ tuyên án.

Quốc Doanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động