Thứ bảy 23/11/2024 09:33

Nhẹ dạ, 5 bị hại giao cho cán bộ rởm hơn 7 tỷ đồng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cơ quan công an xác định, với mục đích chiếm đoạt tiền nên dù là đối tượng nghề nghiệp không ổn định nhưng Nguyễn Trung Kiên vẫn “nổ” với mọi người về việc anh ta đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, có nhiều mối quan hệ và có khả năng xin việc, “chạy” dự án, mua căn hộ giá rẻ...

Ngày 13-7, TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Nguyễn Trung Kiên, SN 1984, trú ở phường Ái Quốc, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương ra xét xử về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 6 cá nhân với tổng số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 7,2 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, cho thấy, tháng 1-2020, chị Phạm Thị H. (SN 1993, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng nhiều cá nhân gửi đơn đến Công an Hà Nội tố cáo Nguyễn Trung Kiên có hành vi nhận tiền “chạy” dự án, xin việc cho những cá nhân hoặc công ty có nhu cầu. Sau khi nhận tiền, Kiên không thực hiện như cam kết, chiếm đoạt số tiền đã nhận. Các cá nhân có đơn tố cáo cũng đã giao nộp cho cơ quan công an toàn bộ tài liệu, giấy nộp tiền... thể hiện việc Kiên đã nhận tiền của người bị hại.

Tiến hành điều tra, cơ quan công an xác định với mục đích chiếm đoạt tiền nên dù là đối tượng nghề nghiệp không ổn định nhưng Kiên vẫn “nổ” với mọi người về việc anh ta đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, có nhiều mối quan hệ và có khả năng xin việc, “chạy” dự án, mua căn hộ giá rẻ...

Với thủ đoạn này, Kiên đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 6 người nhẹ dạ cả tin để chiếm đoạt hơn 7,2 tỷ đồng. Khi vụ án bị phanh phui, Kiên và gia đình anh ta mới khắc phục, bồi thường cho các bị hại hơn 1 tỷ đồng và hiện còn chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng.

Nhẹ dạ, 5 bị hại giao cho cán bộ rởm hơn 7 tỷ đồng
Bị cáo Nguyễn Trung Kiên bị tuyên phạt 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Bị hại của Kiên được xác định là ông Nguyễn Văn D. (SN 1966), ở Tây Hồ, Hà Nội. Theo đó, năm 2017, nghe Kiên giới thiệu đang làm việc tại Văn phòng Chính phủ, có nhiều mối quan hệ với các lãnh đạo địa phương, ông D. đã tin tưởng. Tháng 11-2018, con gái nuôi của ông D. là chị Phạm Hải Yến (SN 1982, ở Lào Cai) nói với ông D. việc chị này dự định xây dựng khách sạn để kinh doanh nhưng khi tiến hành làm thủ tục mới hay, mảnh đất trên nằm trong quy hoạch. Vì thế chị Yến nhờ bố nuôi tìm người có mối quan hệ để xin đưa mảnh đất trên ra khỏi diện quy hoạch. Ông D. sau đó gặp và trao đổi với Kiên, bị cáo khi ấy khẳng định có thể giúp đỡ và yêu cầu đưa tiền để chi phí quan hệ.

Tin tưởng Kiên đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, từ tháng 11-2018 đến tháng 3-2019, ông D. đã đưa cho Kiên hơn 1,6 tỷ đồng là tiền cá nhân của ông này. Sau khi nhận tiền của ông D., Kiên không thực hiện như cam kết mà dùng tiền đó chi tiêu cá nhân. Ngoài ra, còn 5 bị hại khác, Kiên cũng dùng thủ đoạn tương tự để lừa đảo chiếm đoạt tiền ăn tiêu cá nhân.

Với hành vi trên, đối với Nguyễn Trung Kiên, TAND TP Hà Nội khẳng định bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối để các bị hại tin tưởng giao tiền và chiếm đoạt của họ. Hành vi của Kiên đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền chiếm đoạt rất lớn nên cần phải áp dụng mức án tương xứng.

Vì vậy, tại phiên tòa ngày 13-7, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Trung Kiên, SN 1984, trú ở phường Ái Quốc, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, Nguyễn Trung Kiên còn phải tiếp tục bồi thường, khắc phục thiệt hại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại trong vụ án.

Qua vụ án, cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều người khác, cần tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như tìm hiểu thấu đáo trước khi trao đổi công việc và nhờ ai đó, đừng dại mà mang tiền trao vào tay kẻ lừa đảo.

Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động