Nhạy cảm giới trong giải quyết các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác khách mời thảo luận tại sự kiện. Ảnh: Duy Linh |
Sự kiện có sự tham gia của các đại biểu là các kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán, luật sư, chuyên gia và các nhà hoạt động vì bình đằng giới… đến từ VKSND Tối cao, TAND, Bộ Công an… và các bộ ngành, Liên đoàn luật sư, các tổ chức xã hội.
Hơn 90% người từng bị bạo lực giới không tìm kiếm sự giúp đỡ
Sự kiện Bữa sáng Ruy băng trắng lần thứ 8 nhằm nâng cao nhận thức về sự nhạy cảm với các nhu cầu giới của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, đặc biệt là kiểm sát viên và cán bộ ngành kiểm sát trong giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự có người tham gia tố tụng là phụ nữ và trẻ em gái trong những nỗ lực chung về thúc đẩy bình đẳng giới và xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.
Bắt nguồn từ chiến dịch "Ruy băng trắng" ở Canada tưởng niệm 14 cô gái bị một bạn nam cùng lớp sát hại, năm 1999, Đại hội đồng LHQ tuyên bố lấy ruy băng trắng làm biểu tượng cho Ngày Quốc tế xóa bỏ Bạo lực đối với phụ nữ là ngày 25/11 hàng năm. Lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, được gấp lại thành nơ và cài lên ngực với ý nghĩa nam giới từ bỏ bạo lực với phụ nữ. Đây là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Ở Việt Nam, chương trình Bữa sáng Ruy băng trắng được tổ chức từ năm 2014 cho đến nay nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng thường trực, VKSND Tối cao cho biết, là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Việt Nam, ngành Kiểm sát Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng thường trực, VKSND Tối cao phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Duy Linh |
“Chúng tôi nhận thức được rằng bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong tố tụng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà mỗi Kiểm sát viên, mỗi người cán bộ ngành Kiểm sát Nhân dân cần phải thực hiện trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ của mình. Thực tế hiện nay, đâu đó ở Việt Nam vẫn có những phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực hoặc xâm hại mà chưa thể lên tiếng hay chưa được bảo vệ một cách xứng đáng. Bởi vậy, chung tay bảo vệ những đối tượng yếu thế này trong các vụ án bạo lực là trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân, cũng như của cả cộng đồng”, ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, ngành Kiểm sát Nhân dân sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hợp tác với Liên hợp quốc tại Việt Nam và tổ chức quốc tế khác nhằm giúp Việt Nam thực hiện ngày càng hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách UNODC tại Việt Nam cho hay, theo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hoặc kinh tế. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái để lại những hậu quả tồi tệ, trước mắt cũng như lâu dài về sức khoẻ, tâm lý, kinh tế, xã hội cho nạn nhân, gia đình và xã hội, để lại hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều lần so với các loại bạo lực khác.
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách UNODC tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Duy Linh |
Tuy vậy, bạo lực đối với phụ nữ, nhất là 2 hình thức phổ biến là bạo lực gia đình và bạo lực tình dục lại là vấn đề vốn được coi là nhạy cảm, phức tạp. Cũng theo điều tra nói trên, hơn 90% người từng bị chồng/bạn tình bạo lực về thể xác/bạo lực tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan cung cấp dịch vụ nhà nước hoặc các cơ quan chức năng khác và 50% trong số họ không chia sẻ với ai về việc mình bị bạo lực.
Bà Minh nhấn mạnh: “Trong ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, ngành kiểm sát đóng một vai trò rất quan trọng. Yêu cầu đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể tạo ra một môi trường có sự nhạy cảm, không định kiến, an toàn và khuyến khích người bị bạo lực lên tiếng và tố cáo? Điều đó đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ cần phải xét xử, giải quyết các vụ việc có liên quan một cách nhanh chóng, đúng quy định để bảo vệ tốt nhất cho phụ nữ và trẻ em. Mà quan trọng hơn, trong quá trình tố tụng, người có thẩm quyền tố tụng cần phải có nhận thức về giới, nhạy cảm giới và có trách nhiệm giới, tạo niềm tin cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, từ đó góp phần xoá bỏ các định kiến giới vốn tác động tiêu cực đến phụ nữ và trẻ em gái”.
Cần có sự ủng hộ, khuyến khích các nạn nhân trên hành trình đi tìm công lý
Tại sự kiện, các khách mời đã được chứng kiến vở kịch mô phỏng điều tra và vai trò của kiểm sát viên trong giải quyết một vụ việc bạo lực về xâm hại tình dục phụ nữ/trẻ em gái và tham gia đóng góp ý kiến tại toạ đàm về các vấn đề giới trong kịch mô phỏng và công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc bạo lực tại Việt Nam.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội cho rằng, trong nền văn hoá của Việt Nam, nạn nhân của bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục thường bị phán xét, đổ lỗi.
TS Khuất Thu Hồng (ngoài cùng bên trái), Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội thảo luận tại toạ đàm. Ảnh: Duy LInh |
“Người ta luôn luôn nghĩ là phải như thế nào thì một cô gái, bé gái mới trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục. Người ta thường đặt câu hỏi là nạn nhân ăn mặc như thế nào, đi đến những chỗ như thế nào, đi vào giờ nào, đi với ai…Trong nền văn hoá của Việt Nam thì việc đổ lỗi, phán xét hành vi của nạn nhân rất phổ biến, đặc biệt nếu nạn nhân lại là phụ nữ và trẻ em gái”, TS Hồng chia sẻ.
Chính những điều đó là áp lực đầu tiên mà nạn nhân phải đối diện, họ rất sợ rằng sẽ bị chê trách, bị đổ lỗi. Áp lực thứ 2, theo TS Hồng, liên quan đến vấn đề tâm lý khi vụ việc xảy ra đã là trải nghiệm đáng sợ với nạn nhân, nhưng nạn nhân lại được yêu cầu là phải trình bày lại một cách chi tiết.
“Trên thực tế có thể có những lời nói, những chi tiết nhỏ thôi nhưng có thể khiến cho nạn nhân cảm thấy áp lực tăng lên nhiều lần, cảm thấy mình tiếp tục bị phán xét ngay ở nơi mà nạn nhân đi tìm công lý. Tôi cho rằng 2 áp lực đấy đủ để cho nạn nhân không còn ý chí và mong muốn để tìm kiếm sự hỗ trợ nữa”, TS Hồng nhấn mạnh.
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty luật Fanci, áp lực thứ nhất mà nạn nhân gặp phải là tổn thương về sức khoẻ. áp lực thứ 2 đến từ truyền thông, từ trong gia đình, hàng xóm, bạn bè, trường lớp và đây là áp lực rất lớn. Áp lực thứ 3 là áp lực về ngày mai phải làm việc như thế nào(?).
“Khi một nạn nhân đến gặp chúng tôi thì họ quyết định tiếp cận hay quyết định bỏ cuộc không tham gia, giai đoạn này là giai đoạn dò tìm. Họ bắt đầu tìm đến những người tư vấn tin cậy, sau đó thì đâm đơn. Sau đâm đơn thì họ không tiếp tục tham gia nữa, tỷ lệ đấy rất cao bởi vì họ không lường hết được hậu quả khi họ trải qua một quy trình tố tụng kéo dài”, luật sư Tú cho biết thêm.
Cũng theo luật sư Tú, một áp lực nữa đối với các nạn nhân phải kể đến là nạn nhân mất các cơ hội trong cuộc sống, phải giải trình về một việc riêng tư và bị phán xét. Họ gần như mất tất cả các cơ hội: Đi học, đi làm, giao du bình thường, di chuyển bình thường…
Theo TS Khuất Thu Hồng, có thể nói hành trình để các nạn nhân đi tìm công lý là một hành trình cô độc. Do vậy, đối với những người làm công việc liên quan, bước đầu tiên phải có sự ủng hộ, chia sẻ về mặt tình cảm, tâm lý, làm cho nạn nhân tin rằng họ không có lỗi. Dù họ mặc như thế nào, dù họ đi đến đâu, dù họ làm việc gì chăng nữa cũng không phải là lý do để họ bị xâm hại mà kẻ có tội là kẻ thực hiện hành vi bạo lực.
“Điều đầu tiên, chúng ta phải khuyến khích họ như vậy, tiếp đến phải khuyến khích những người thân, những người xung quanh như cha mẹ, chồng con hay bạn bè, những người thân thiết nhất đứng về phía nạn nhân thay vì đặt câu hỏi, thay vì trách móc. Việc thứ 2 phải làm khuyến khích người thân trong gia đình chia sẻ, động viên, vỗ về và khuyến khích nạn nhân đi tìm công lý. Bước tiếp theo là chuẩn bị cho nạn nhân những kiến thức, thông tin về quá trình đi tìm công lý thông qua việc hợp tác với cơ quan điều tra, hợp tác với cơ quan tố tụng và nếu có thể đi đến toà án, quá trình đấy phải qua những bước như thế nào, để cho nạn nhân có thể đi qua một cách vững vàng, không sợ hãi, không bỏ cuộc”, TS Hồng chia sẻ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại