Nhật ký 13 ngày vượt "cửa tử" của bệnh nhân Covid-19 nhiều bệnh nền ở Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMới đây, các bác sỹ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cho bệnh nhân cao tuổi ở Hà Nội có nhiều bệnh lý nền xuất viện sau 13 ngày được can thiệp, điều trị tích cực.
Đó là bệnh nhân Lê Văn Ph. 61 tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội. Do tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 nên ông Ph.-người có tiền sử: Đái tháo đường, tăng huyết áp nhiều năm-được đưa đi cách ly tập trung. Ngày 20-7, ông Ph. được phát hiện dương tính và trở thành bệnh nhân Covid-19. Lúc đó, ông Ph. có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi.
Thời điểm đó, ông Ph. được điều trị tại tuyến cơ sở, được chăm sóc tích cực điều trị kháng sinh, chống đông, thở máy không xâm nhập. Tuy nhiên, tình hình của ông Ph. diễn biến ngày càng trở nên nặng hơn, ông được chuyển viện cấp cứu đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung Ương.
BS. Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân không đáp ứng thở HFNC với nồng độ oxy cao lên đến 90%, bệnh nhân được can thiệp ống Nội khí quản và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực (ICU) lúc 9g30 ngày 26-7.
Bệnh nhân nhập ICU trong tình trạng: duy trì an thần, thở máy thông số tối ưu FiO2 100%, phim chụp CT phổi có hình ảnh tổn thương dạng kính mờ lan tỏa toàn bộ hai phổi, chức năng phổi suy giảm trầm trọng (chỉ số P/F 81), mạch chậm 69 l/phút, huyết áp tụt 86/57 mmHg; rối loạn tăng đông máu, chỉ số nhiễm trùng tăng cao. Bệnh nhân được chẩn đoán khi nhập khoa: Viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 /Đái Tháo đường-Tăng huyết áp .
Ngay sau khi nhập khoa bệnh nhân được thăm khám tổng thể về lâm sàng và cận lâm sàng. Trước tình trạng suy hô hấp, mạch và huyết áp dao động thấp, nguy cơ trụy tim mạch, bác sĩ đã can thiệp đặt catheter động mạch theo dõi huyết động và đặt catheter tĩnh mạch trung tâm duy trì thuốc và kiểm soát dịch truyền, và chỉ định điều trị thuốc Tocilizumab (sau khi xin ý kiến Tổ hội chẩn Quốc gia).
Việc bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền hồi sinh sau 13 ngày điều trị tích cực là điều may mắn và an ủi lớn với đội ngũ thầy thuốc (ảnh T.Đ) |
3g30 sáng 27-7: bệnh nhân xuất hiện các cơn nhịp chậm, nhip tim dao động thấp khoảng 35-38 lần/phút; sau cấp cứu nhịp tim tăng, huyết áp ổn định 125/80 mmHg, tuy nhiên cần luôn theo dõi sát sao để can thiệp kịp thời, kết hợp tầm soát toàn bộ xét nghiệm sinh hóa máu và chức năng tim.
Ngày 27-7 (2 ngày sau nhập khoa): bệnh nhân có rối loạn đông máu nặng nề (DDimer lên đến 27 387). Bệnh nhân được điều trị chống đông kết hợp thuốc chống viêm và chăm sóc theo dõi tích cực, sát sao, lăn trở tại giường phòng huyết khối.
Ngày 29-7 (sau 3 ngày chăm sóc điều trị tích cực): bệnh nhân được giảm an thần, đánh giá ý thức và giảm dần chế độ máy thở với FiO2 45%. Ngày 30-7, sau 5 ngày thở máy, Bệnh nhân tỉnh táo, ho khạc được, cơ lực tốt, bác sĩ cai máy thở và rút ống thở thành công. Sau rút ống, bệnh nhân tự thở oxy qua mash túi, tập vận động trị liệu tại giường, dinh dưỡng bổ trợ qua đường tĩnh mạch. Bệnh nhân được ngừng thở oxy 2 ngày sau đó.
Ngày 6-8: sau 13 ngày hồi sức, bệnh nhân đã ổn định hoàn toàn về sức khỏe, vận động đi lại bình thường, và đủ điều kiện xuất viện, bệnh nhân được ra viện trở về với gia đình vào chiều muộn cùng ngày.
BS. Đồng Phú Khiêm chia sẻ: Đây là ca bệnh nguy kịch, tuổi cao, nhiều bệnh lý nền, nhưng bệnh nhân đáp ứng điều trị rất tốt, thời gian hồi phục rất nhanh. Việc một ca bệnh nguy kịch hồi phục chỉ sau 13 ngày nhập viện là một điều rất may mắn cho bệnh nhân và là niềm động viên an ủi lớn với đội ngũ thầy thuốc tại ICU. Đây là ca bệnh thứ 38 hồi phục khỏi bệnh tại khoa Hồi sức tích cực.
Hiện khoa Hồi sức tích cực có 29 bệnh nhân nặng, trong đó có 22 ca thở máy và 06 ca ECMO. BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 371 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 60 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trong ngày 7-8 còn có thêm 9 bệnh nhân Covid - 19 khỏi bệnh được xuất viện trở về địa phương tiếp tục cách ly theo quy định.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại