Thứ sáu 22/11/2024 12:48

Nhận diện những thách thức trong chuyển đổi số ở doanh nghiệp Nhà nước

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo ông Vũ Hải Quang - Phó Tổng Giám đốc VOV, chuyển đổi số bao gồm ba trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát hoạt động rất chặt chẽ, tạo ra những rào cản khiến quá trình chuyển đổi số chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để thành công.
Nhận diện những thách thức trong chuyển đổi số ở doanh nghiệp Nhà nước
Theo ông Vũ Hải Quang - Phó Tổng Giám đốc VOV, chuyển đổi số bao gồm ba trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ảnh: Dương Quyên

Sáng 26/7, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức do Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức.

6 thách thức lớn

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các quốc gia, địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giúp các chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực và minh bạch hơn.

Ông Vũ Hải Quang cho biết, tại Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng cho lộ trình chuyển đổi số như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Chính trị; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh đã mang đến cơ hội phát triển của nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế.

Thiếu nhân lực nội bộ, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu thông tin công nghệ số, thiếu lộ trình chuyển đổi số rõ ràng… là những yếu tố đang cản trở quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp hiện nay.

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Chiến lược chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam), doanh nghiệp nhà nước đang gặp rất nhiều thách thức trong quá trình đổi số. Đưa ra bức tranh hiện trạng chuyển đổi số các doanh nghiệp nhà nước (có vốn nhà nước), ông Giang cho rằng chuyển đổi số khu vực này đang gặp rất nhiều khó khăn và phải đối mặt với 6 thách thức lớn.

Thứ nhất, khu vực doanh nghiệp này có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ. Đây là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để chuyển đổi số, bởi không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được, và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay, và sự chuyển đổi cũng chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để chuyển đổi thành công.

Thứ hai, do sự chuyển đổi mô hình tổ chức khó khăn nên chính quá trình này cũng tạo ra nhiều điểm khó khăn trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số.

Nhận diện những thách thức trong chuyển đổi số ở doanh nghiệp Nhà nước
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Dương Quyên

Thứ ba, việc chuyển đổi cách vận hành cũng làm phát sinh những khoản đầu tư lớn và với đặc điểm về sự chặt chẽ trong việc kiểm soát quá trình đầu tư dẫn tới hệ quả là thời gian ra quyết định chậm, thủ tục nhiều nên việc xây dựng các sáng kiến số theo mô hình phát triển nhanh “Agile” hoặc xây dựng những hệ sinh thái đầu tư mới để thử nghiệm trở nên khó khăn do chưa có hành lang pháp lý cho quá trình này.

Thứ tư, chuyển đổi số cũng đòi hỏi một cái nhìn toàn cảnh, một cách làm tổng thể, và chỉ thành công, hiệu quả với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, đây là một trở ngại lớn trong cơ chế ra quyết định tại các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ năm, hiện nay, chuyển đổi số đa phần mới chỉ dừng ở việc hoạch định, vấn đề tổ chức triển khai, đặc biệt xuống các cấp thấp của tổ chức đang là một điểm nghẽn lớn. Do vậy, chưa thực sự tạo ra được lợi thế cạnh tranh động cho doanh nghiệp nhà nước thông qua tiến trình chuyển đổi số.

Thứ sáu, tiến trình chuyển đổi số cũng gặp những trở ngại trong hành lang pháp lý về quy trình, quy định cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng những mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ, mô hình dữ liệu, mô hình vận hành,...

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng không có mô hình “may sẵn” cho chuyển đổi số của doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, chuyển đổi số là một tiến trình, không phải là một mô hình, hay phương thức. Do vậy, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về tư duy, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của quá trình chuyển đổi số để định hình chiến lược và mô hình phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp.

Chính việc thiếu kiến trúc này dẫn đến việc chuyển đổi số không phát huy tối đa những lợi thế trong quá trình ứng dụng vào vận hành thực tế để chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện doanh nghiệp sang bản chất kinh doanh mới – trở thành một doanh nghiệp số.

Doanh nghiệp có thói quen kinh doanh, khó thay đổi; thiếu sự cam kết từ lãnh đạo

Còn theo ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, tuỳ thuộc vào mỗi đặc thù doanh nghiệp, chuyển đổi số có các xuất phát điểm khác nhau. Chúng ta cần đánh giá hiện trạng cụ thể để xây dựng chiến lược và lộ trình phù hợp với doanh nghiệp.

Nhận diện những thách thức trong chuyển đổi số ở doanh nghiệp Nhà nước
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng không có mô hình “may sẵn” cho chuyển đổi số của doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Dương Quyên

Ông Bùi Trung Thành - Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số tại Base.vn (Tập đoàn FPT) cũng thừa nhận, những thách thức doanh nghiệp nhà nước đối mặt trong quá trình chuyển đổi số đó là quy mô lớn, được đầu tư từ khá lâu, các nghiệp vụ và quy trình đã ổn định lâu dài nên khó khăn trong chuyển đổi mô hình, trong vận hành, trong ứng dụng công nghệ mới. Quy trình đầu tư, đặc biệt là công nghệ của doanh nghiệp nhà nước gặp phải nhiều khó khăn về mặt thủ tục, hiệu quả đầu tư…

Vì vậy, để chuyển đổi số, doanh nghiệp nhà nước cần chuyển đổi tư duy, định hướng của doanh nghiệp từ trung tâm sản xuất sang việc lấy khách hàng làm trung tâm. Chuyển đổi các quy trình hoạt động giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả. Tạo không gian để nhân sự chuyển đổi, tăng cường các kỹ năng mới trong tác nghiệp, trong phát triển sản phẩm, trong dịch vụ khách hàng. Đồng thời cho rằng cần lắng nghe phản hồi khách hàng để kịp thời chuyển đổi, tăng trải nghiệm khách hàng. Sáng tạo sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới….

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thống kê cho thấy có 92% doanh nghiệp đã có sự quan tâm hay thậm chí đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của mình. 98% doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ chuyển đổi số như giúp giảm chi phí (67%), giảm tiếp xúc trực tiếp (52%), nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (42%)…

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT thông tin, năm 2022, tổng doanh thu công nghiệp CNTT của Việt Nam đạt 148 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2021, gấp 24 lần so với năm 2009 (6,2 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân 10,5%/năm, cao hơn 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong đại dịch covid-19, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước.

Năm 2022, Việt Nam đã hình thành đội ngũ doanh nghiệp công nghệ số với hơn 70.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Công nghiệp ICT bao gồm các lĩnh vực: phần cứng-điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tuyên cũng cho rằng, hiện nay việc chuyển đổi số vẫn gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu tư chuyển đổi số lớn, “vấn đề đầu tiên là tiền đâu”, bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng đã có thói quen kinh doanh, khó thay đổi; thiếu sự cam kết từ lãnh đạo; hay thậm chí có tình trạng “trên chỉ đạo, dưới không nghe, thiếu sự cam kết từ người lao động”, thiếu nhân lực nội bộ, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu thông tin công nghệ số, thiếu lộ trình chuyển đổi số rõ ràng… Tất cả những yếu tố này đang cản trở quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp.

Hà Nội: Tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội: Tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo
Dương Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động