Nguồn lực văn hóa là trọng điểm cho sự phát triển kinh tế làng nghề gốm Bát Tràng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênAnh Bùi Đức Thịnh: “Với tôi trong nghề gốm luôn đặt chữ “Kỳ” lên đầu; kỳ công, tỉ mỉ, chau chuốt, nâng niu sản phẩm...” |
Nghề gốm khai thác giá trị kinh tế từ văn hóa Việt
Về làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội nơi lưu giữ nhiều dòng sản phẩm gốm đặc sắc nhất trong cả nước. Những loại gốm quý, độc đáo nhất như gốm men ngọc (thời Lý - Trần), gốm hoa nâu hay gốm men nâu (cuối thời Trần, đầu thời Lê), gốm men rạn (thời Lê - Trịnh), gốm hoa lam (cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn). Nhiều sản phẩm gốm men ngọc, men rạn, hoa lam của thợ Bát Tràng được coi là đỉnh cao của nghệ thuật, của kỹ thuật gốm ở Việt Nam.
Gốm men rạn, gốm hoa lam của Bát Tràng gồm nhiều chủng loại, mẫu mã, có cả những tác phẩm nghệ thuật gốm cổ, quý giá. Vì thế mà ngay từ cuối thời Trần sản phẩm gốm, sứ Bát Tràng đã được xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực, các nước vùng Trung Đông, một số nước châu Âu và được lưu giữ, trưng bày tại nhiều bảo tàng các nước.
Hiện nay, các sản phẩm gốm Bát Tràng càng ngày càng phong phú và đa dạng. Ngoài những mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất ra nhiều sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng Việt Nam như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa… kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện… cùng những sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Với dòng sản phẩm ấm chén Bát Tràng cao cấp là dòng sản phẩm dành cho người sành uống trà sở hữu bộ. Từ ngàn xưa ấm chén gốm sứ Bát Tràng đã mang được dấu ấn của mình trong lòng mỗi người thích uống trà, thưởng thức hương vị của trà.
Văn hóa sử dụng bộ ấm chén khi uống trà của người Việt Nam là một trong những nét sinh hoạt văn hóa đẹp trong cuộc sống hàng ngày cũng như mỗi dịp khi Tết đến, xuân về. Những chén trà sen, trà nhài thơm ngát trong bộ ấm chén đẹp không quá cầu kì như trà đạo Nhật Bản hay Trung Hoa mà đơn giản mộc mạc, bởi những họa tiết văn hóa Việt, gần gũi với hoa, cỏ, thiên nhiên. Những tách trà như sợi dây vô hình kết nối chúng ta lại gần nhau hơn.
Anh Bùi Đức Thịnh, một thợ giỏi trong làng chia sẻ, dòng sản phẩm ấm chén cao cấp mà anh đã dành hơn 5 năm thử nghiệm mới thành công: “Sản phẩm ấm chén nhà tôi làm chỉ là đất mộc từ trong ra ngoài bằng chất đất đỏ, không tráng men. Đây là dòng sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong ăn, uống hàng ngày nên phải đảm bảo an toàn sức khỏe và môi trường. Vì thế dòng sản phẩm này đều được nung khoảng 20 tiếng, trong nhiệt độ cao nhất khoảng 1.250 độ. Thuộc dòng mộc, không tráng men nên trà pha trong ấm được ủ lên hương, vị trà khi uống sẽ rất thơm và đậm. Nung ở nhiệt độ cao tạo bộ ấm trà nổi độ bóng của chất đất và gam màu của đất đỏ mộc tạo phong cách trà cổ sang trọng.”, Anh Bùi Đức Thịnh cho biết.
Anh Bùi Đức Thịnh tâm sự: Thưởng thức nghệ thuật uống trà qua bộ ấm chén cũng như có người bạn tâm giao để tâm sự, giúp ta nhớ đến tri ân, tri kỷ, suy nghĩ về mình, về người, về nhân tình thế thái. Những bộ ấm chén không chỉ có chức năng pha trà thông thường, những ấm trà Bát Tràng còn chất chứa cả tinh hóa của Việt Nam. Bằng bàn tay tài hoa, khối óc tinh tế và con mắt nghệ thuật, người thợ gốm thổi hồn vào những khối đất sét khô cứng trở thành những kiệt tác nghệ thuật.
Anh Thịnh nói: Bộ ấm chén là dòng sản phẩm thân thiện nhất với người dân nên hồn cốt, trang chí, vẽ, đắp… đều phải mang bóng dáng văn hóa Việt. Phong cách uống trà của người Việt là trong lúc cần thư thái vì thế từ hình dáng chiếc chén đến ấm pha trà và phụ kiện trong bộ trà cũng phải gần với các tích truyện dân gian của người Việt như; tre, sen, đào, trúc, cúc, mai…
Thủ công truyền thống tạo giá trị độc đáo
Hầu hết các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những bộ ấm chén Bát Tràng được làm hoàn toàn thủ công, sản phẩm ra lò sẽ có sự độc đáo, mới lạ trong từng sản phẩm. Để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo, đòi hỏi những nghệ nhân phải tỉ mẩn và cầu kỳ trong từng công đoạn.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, thợ giỏi làng nghề chia sẻ kỹ thuật tỉ mỉ của sản phẩm ấm chén vuốt tay mà anh và anh Thịnh đang làm: “Sản phẩm ấm chén mà chúng tôi đang làm thuộc chất đất sét đỏ nên ấm pha trà và một số phụ kiện trong bộ trà không đổ rót vào khuôn được mà phải vuốt bằng tay. Kỹ thuật làm đất sét đỏ rất cầu kỳ, sản phẩm sau khi vuốt xong, tiện xong trong lúc hàng còn ẩm không được dùng tay cầm vào sản phẩm sẽ để lại vết, mồ hôi tay làm mất độ bóng của sản phẩm mà phải dùng bao tay mới được cầm vào sản phẩm. Khi vuốt miệng ấm, nắp ấm làm sao cho khi nung xong nắp ấm phải chặt. Các hộp đựng trà, trôn chén phải vừa khít như được tiện bằng máy. Sản phẩm cầu kỳ nên một tuần chỉ vuốt được một bộ ấm chén...”.
Theo chia sẻ, không giống như những sản phẩm gốm sứ truyền thống khác, để tạo nên những bộ ấm chén cao cấp, những người thợ phải chọn nguyên liệu vô cùng tỉ mẩn. Anh Thịnh và anh Hùng đã đi hết miền Bắc để tìm chất đất làm dòng sản phẩm ấm chén cao cấp 100% đất mộc. Sau đó, đất sét sẽ được nhào nặn theo công thức riêng để cho ra đời những sản phẩm xinh xắn nhất. Sau đó đến là công đoạn tạo hình sản phẩm, trang trí họa tiết và cuối cùng là nung gốm.
Trước đây mỗi mẻ lò ra đời chỉ đạt 20% sản phẩm hoàn chỉnh. Sau 5 năm nghiên cứu, thử nghiệm đến nay sản phẩm đạt 80%. Để có được giá một bộ ấm trà từ trên 10 triệu đồng người thợ phải yêu nghề, đam mê với nghề. Anh Thịnh vui vẻ chia sẻ: “Giá trị của sản phẩm nghề thủ công truyền thống nằm trong văn hóa Việt Nam và văn hóa nghề. Sản phẩm gốm đổ khuôn thuộc dòng buôn gốm không phải người làm gốm. Với tôi trong nghề gốm luôn đặt chữ “Kỳ” lên đầu; kỳ công, tỉ mỉ, chau chuốt, nâng niu sản phẩm...”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại