Chủ nhật 08/09/2024 10:28

Giữ lửa nghề gốm cổ Bát Tràng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Là người khởi xướng mô hình du lịch trải nghiệm làm gốm đầu tiên tại làng nghề gốm Bát Tràng, đến nay nghệ nhân Phùng Quang Đăng (SN 1971, trú tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) trở thành “đại sứ văn hóa” truyền đam mê nghề gốm đến du khách trong nước và quốc tế.
Giữ lửa nghề gốm cổ Bát Tràng
Nghệ nhân Phùng Quang Đăng hướng dẫn “thợ gốm nhí” về kỹ thuật vuốt gốm truyền thống Ảnh: MỘC MIÊN

Khu vực “Bàn xoay Studio” tại Bảo tàng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) với mô hình “Tôi làm nghệ nhân” trở thành điểm đến du lịch yêu thích nhất của du khách khi đặt chân đến làng nghề gốm Bát Tràng. Nơi đây thường xuyên đón tiếp các đoàn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Mô hình “Tôi làm nghệ nhân” do nghệ nhân Phùng Quang Đăng trực tiếp đứng lớp. Hằng ngày, công việc chính của nghệ nhân là hướng dẫn, tư vấn, giới thiệu về cách làm gốm thủ công vuốt tay trên bàn xoay.

Từ những cục đất sét thô sơ ban đầu, trên chiếc bàn xoay cực nghệ du khách thoải mái vuốt, nặn gốm theo hình thù yêu thích. Suốt quá trình trải nghiệm luôn được nghệ nhân Phùng Quang Đăng tận tình hướng dẫn kỹ thuật làm gốm. Những hình thù chiếc cốc, cái bát, cái đĩa… của những “thợ gốm không chuyên” có hình dáng ban đầu méo mó nhanh chóng được hoàn thiện sản phẩm đẹp, ưa nhìn. Sau công đoạn làm gốm thủ công, sản phẩm được mang đi sấy khô và được chính du khách tự tay tô vẽ theo sở thích.

Không chỉ được mục sở thị về kỹ thuật vuốt gốm thủ công, các “thợ gốm nhí” còn được nghệ nhân Phùng Quang Đăng kể về lịch sử nghề gốm tại làng gốm Bát Tràng, các quy trình sáng tạo sản phẩm gốm truyền thống.

Theo nghệ nhân Phùng Quang Đăng mô hình “Tôi làm nghệ nhân” tại khu vực “Bàn xoay Studio” luôn “đắt” khách nhờ đầu tư quy mô lớn cùng các dịch vụ tiện ích. Trước khi trải nghiệm thực tế, du khách được ngồi xem video hướng dẫn về quy trình nặn gốm, trực tiếp nhìn quy trình làm gốm thủ công vuốt tay trên bàn xoay tạo được sự say mê, hào hứng.

Gắn bó với Bảo tàng gốm Bát Tràng từ những ngày đầu mở cửa năm 2021, đến nay Bảo tàng trở thành điểm đến du lịch yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Tên tuổi nghệ nhân Phùng Quang Đăng được những người yêu gốm biết tới và trân trọng, đặc biệt là tinh thần không ngại khó, ngại khổ, truyền tải kỹ thuật làm gốm thủ công vuốt tay đến với cộng đồng.

Trước xu thế hội nhập quốc tế, các sản phẩm gốm thủ công vuốt tay dần bị lấn át bởi công nghệ làm gốm hiện đại. Tuy nhiên, nghệ nhân Phùng Quang Đăng khẳng định sức sống của sản phẩm gốm thủ công vuốt tay vẫn có thị trường riêng. “Chìa khóa” thành công từ chính mô hình du lịch trải nghiệm và mô hình “Tôi làm nghệ nhân” là một dẫn chứng cụ thể.

Ít ai biết, mô hình trải nghiệm làm nghệ nhân gốm do nghệ nhân Phùng Quang Đăng khởi xướng đầu tiên tại làng nghề gốm Bát Tràng từ năm 2008. Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống làm gốm nhiều đời, nghệ nhân Phùng Quang Đăng yêu nghề gốm từ lúc nào không hay. Dành trọn tình yêu với gốm, nghệ nhân Phùng Quang Đăng luôn mong muốn nghề gốm được lan tỏa gần hơn đến giới trẻ, đặc biệt là kỹ thuật làm gốm cổ truyền thống của cha ông xưa.

Giữa thời điểm chợ gốm là điểm đến yêu thích của nhiều đoàn khách tham quan, đặc biệt là tuyến xe bus Long Biên – Bát Tràng đi vào hoạt động năm 2005 nhiều du khách biết đến làng gốm cổ Bát Tràng. Nghĩ là làm, từ xưởng gốm thủ công của gia đình, anh Phùng Quang Đăng khởi xướng mô hình du lịch trải nghiệm cho du khách. Đây cũng là mô hình du lịch trải nghiệm đầu tiên của làng gốm cổ Bát Tràng. Trước nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là các sinh viên, học sinh, mô hình du lịch trải nghiệm nở rộ tại các gia đình làm nghề.

Gắn bó gần 20 năm với công việc tư vấn, hướng dẫn du khách làm gốm thủ công vuốt tay, nghệ nhân Phùng Quang Đăng ấp ủ các dự định như việc sáng tạo các sản phẩm gốm vuốt tay độc bản. Tuy nhiên, công việc tư vấn, hướng dẫn tại “Bàn tay Studio” chiếm lĩnh nhiều thời gian trong ngày. Mặc dù bận rộn với các lớp trải nghiệm thực tế, gác lại đam mê riêng nhưng khi chứng kiến mô hình trải nghiệm làm gốm lan tỏa đến cộng đồng mang đến niềm vui cho người thợ nghề.

“Trước đây tôi thường làm nhiều sản phẩm gốm thủ công vuốt tay đi triển lãm nhưng khi gắn bó với mô hình trải nghiệm “Tôi làm nghệ nhân”, tôi luôn cố gắng truyền dạy những kiến thức làm gốm nhẹ nhàng, dễ hiểu, giúp du khách và các “thợ gốm nhí” yêu gốm và thổi lửa tình yêu nghề gốm gần hơn với cộng đồng’ – nghệ nhân Phùng Quang Đăng chia sẻ.

Bảo tàng gốm Bát Tràng nườm nượp du khách dịp lễ Quốc khánh 2/9
MỘC MIÊN
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động