Thứ năm 09/05/2024 16:52

Người phụ nữ gạt bỏ tình riêng, dành cuộc đời tìm mộ liệt sĩ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Mồ côi mẹ từ bé, cậu em trai đi bộ đội rồi hy sinh trong một trận càn quét của Mỹ, các chị lớn lên rồi lần lượt đi lấy chồng, bà Tâm ở vậy chăm sóc cha già đau ốm cho đến khi ông qua đời.


Bà lại “thân cò lặn lội” đi tìm hài cốt của cậu em trai xấu số …

Cô thôn nữ khốn khó…

Nhân vật mà chúng tôi nhắc đến trong bài viết là bà Phạm Thị Tâm, SN 1946, trú tại thôn Sen Hồ, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bà Tâm là con thứ 4 trong một gia đình có 5 anh chị em (4 gái, 1 trai), sớm mồ côi mẹ từ năm lên 7 tuổi. Ngày đó, gia cảnh nghèo khó, mọi nỗi cơ cực đều dồn lên vai người cha. Thương cảnh cha già nuôi các con ăn học, cậu em trai duy nhất hy sinh trong chiến trường miền Nam nên khi các chị gái đi lập gia đình riêng, bà Tâm quyết định ở vậy chăm sóc cha già ốm yếu và đi tìm hài cốt của em.

Buổi chiều đầu năm, trong cái lạnh tê tái, chúng tôi tìm về thôn Sen Hồ, gặp người phụ nữ đã gạt bỏ tình riêng đi tìm mộ em trai là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ trong hơn 30 năm. Giờ đây, người phụ nữ năm nào đã bước sang cái phần dốc bên kia của cuộc đời, bà vẫn ở vậy thờ em, chăm lo hương khói cho bàn thờ gia tiên.


Cô thôn nữ Phạm Thị Tâm ngày ấy đã gạt bỏ tình riêng, hơn 30 năm đi tìm mộ liệt sĩ. Ảnh: Giáp Hoàng


Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà bà Tâm, là một ngôi nhà cấp 4 đã cũ và xuống cấp, lọt thỏm vào giữa hai bên là những ngôi nhà cao tầng khang trang. Niềm nở rót ly nước trà mời khách sau lời giới thiệu, biết chúng tôi đến tìm hiểu về cuộc sống của bà, như quá khứ nằm im bấy lâu vô tình bị lục lại, bà rơm rớm nước mắt: “Đời tôi khổ lắm các chú ạ! Nhưng tất cả cũng đã qua rồi…”. Nói xong, bà ngồi lặng trong giây lát, sau khi nhấp ly nước chè, có lẽ tất cả tủi hờn như được gạt bỏ, ký ức lại ùa về, bà Tâm bắt đầu chia sẻ về cuộc đời mình…

Nhập ngũ năm 1968, Phạm Văn Duyệt, SN 1948, vào chiến trường miền Nam khói lửa, nhưng đến đầu năm 1969, gia đình nhận được hung tin từ một người đồng đội báo về, Phạm Văn Duyệt đã hy sinh trong một trận càn của giặc Mỹ tại chiến trường miền Nam, khi đang giữ chức vụ là tiểu đội phó.


Ngôi nhà nhỏ lọt giữa những ngôi nhà cao tầng, chứa một con người “hy sinh” đời mình để lo cho gia đình.


Gạt bỏ tình riêng

"Nhờ đến những mối quan hệ quen biết, tôi đã đi khắp nơi với hy vọng có thể sớm đưa được thi thể em về với quê hương. Được một thời gian sau đó rồi bố tôi mất và để lại di nguyện, mong muốn tôi đưa hài cốt của em Duyệt về an nghỉ nơi quê cha đất tổ. Thực hiện theo di nguyện của bố, tôi lại tiếp tục hành trình đi tìm hài cốt của em nhưng không có kết quả. Cho đến một ngày, tôi nhận được tin, có một người phụ nữ tên Tiến, quê ở Nghệ An, cũng là bộ đội, trước đây đã quy tập được 4 phần mộ ở khu vực biên giới, trong đó có một ngôi mộ ghi tên là Phạm Văn Duyệt. Với chút thông tin mong manh đó nhưng đã cho tôi một tia hy vọng, tôi là tiếp tục hành trình đi tìm người phụ nữ kia, mãi đến năm 2001, tôi mới thực hiện được di nguyện cuối cùng của bố trước lúc mất”, bà Tâm nhớ lại.

Thấy bà vất vả, một mình gánh vác việc gia đình, mọi người đều động viên bà lập gia đình để có người chia sẻ nhưng bà đều gạt đi. Đến khi lo toan xong mọi việc thì đã bước sang cái dốc bên kia của cuộc đời nên bà quyết định ở vậy hương khói cho tổ tiên và cậu em trai xấu số.


Bà Tâm quyết định ở vậy để hàng ngay lo hương khói cho liệt sĩ Phạm Văn Duyệt. Ảnh: Giáp Hoàng


"Ngày đó cũng có một người cùng quê yêu thương tôi. Hai người cũng đã có nhiều hứa hẹn với nhau. Nhưng do hoàn cảnh gia đình lúc ấy, nên tôi đã từ chối tình cảm của ông ấy. Chờ đợi mãi mà tôi chưa đồng ý, rồi ông ấy gia nhập quân ngũ. Rời chiến trường, ông ấy tiếp tục ngỏ lời muốn đến với tôi nhưng một lần nữa tôi từ chối vì phải thực hiện di nguyện của bố, đi tìm hài cốt của em. Sau đó, ông ấy quyết định đi lấy vợ, được một thì gian thì ông ấy mất vì mắc trọng bệnh trong chiến trường…”, bà Tâm buồn rầu nhớ lại.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Chuẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Lệ Chi cho biết: "Bà Tâm là người sống hết sức tình cảm, luôn được lòng mọi người. Câu chuyện bà đã gạt bỏ tình riêng để suốt nửa đời người đi tìm hài cốt của em trai đã lan truyền khắp xã. Ai nghe cũng cảm động và cảm phục. Đến nay, bà vẫn sống một mình, hoàn cảnh gia đình khó khăn, hàng năm, cứ vào dịp lễ Tết, chính quyền địa phương đều tổ chức đến thăm hỏi và chia sẻ cùng bà”.

Giờ đây trong căn nhà nhỏ với những ký ức của tuổi thơ, những đắng cay của cuộc đời, người phụ nữ ấy lại một thân một mình lo toan cho cuộc sống mưu sinh, ngoài 1,5 sào ruộng, hầu như bà không còn một nghề nào khác để lo toan cho cuộc sống gia đình. Sắp bước sang tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi mà nhiều người phụ nữ khác đã được đón nhận niềm vui của tuổi già khi có con đàn cháu đống, được nương tựa vào con cháu, thì với bà, đó chỉ là một giấc mộng đẹp mà bà không bao giờ có được.

Quốc Doanh - Giáp Hoàng

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động