Người lao động hưởng BHXH một lần: Ảnh hưởng đến chế độ hưu trí
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười hưởng BHXH một lần có xu hướng trẻ hóa
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2016 – 2021, cả nước có 4.058.317 NLĐ đề nghị và được giải quyết BHXH một lần, bình quân mỗi năm có gần 700 nghìn người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.
Cụ thể, năm 2016, con số này là 500.174 người, năm 2017 là 560.137 người (tăng 11,99% so với năm 2016), năm 2018 là 666.482 người (tăng 18,99% so với năm 2017), năm 2019 là 707.184 người (tăng 6,11% so với năm 2018), năm 2020 là 761.081 người (tăng 7,62% so với năm 2019). Năm 2021 là 863.259 người (tăng 13,43% so với năm 2020 và tăng 73% so với năm 2016).
Còn trong năm 2022, con số này vào khoảng 895.500 người rút, tăng 3,7% so với cùng kỳ 2021.
Cũng trong giai đoạn 2016 – 2021, số lượng NLĐ hưởng BHXH một lần tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, phần lớn là ở khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 90,74% tổng số người hưởng. Điều này có thể lý giải với lý do NLĐ làm việc trong các khối doanh nghiệp này thường chịu áp lực về công việc, NLĐ có tâm lý “nhảy việc” nên trong thời gian tìm kiếm việc làm mới phù hợp hơn thì muốn hưởng BHXH một lần.
Hơn nữa, việc lao động bị mất việc làm và phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như chi phí sinh hoạt gia đình, tiền học cho con, trang trải nợ nần,…; đồng thời chính sách BHXH một lần dễ tiếp cận nên NLĐ sẽ tìm đến chính sách này như một công cụ tài chính trước mắt.
Trong một khảo sát về nhóm tuổi hưởng BHXH một lần, có thể thấy, NLĐ thuộc nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi chiếm chiếm tỷ lệ đông nhất với khoảng 40,4%; nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ 2 chiếm tỷ lệ khoảng 37,1%; nhóm tuổi từ trên 40 đến đủ 50 tuổi đứng thứ 3 chiếm tỷ lệ khoảng 5,8%; nhóm tuổi từ trên 50 đến đủ 60 tuổi đứng thứ 5 chiếm tỷ lệ 5,8%; nhóm tuổi từ trên 60 tuổi chiếm khoảng 1,1% và nhóm còn lại là đủ 20 tuổi trở xuống chiếm 0,3%. Như vậy có thể thấy, người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến 40 tuổi.
Điều này cho thấy, lao động trẻ hầu hết quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
NLĐ chọn rút BHXH một lần sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi sau này. Ảnh minh họa |
Rút BHXH một lần sẽ ảnh hưởng đến chế độ hưu trí
Chế độ hưu trí là chế độ đảm bảo để khi NLĐ về già, không còn khả năng lao động thì được quỹ BHXH chi trả lương hưu nhằm ổn định cuộc sống của NLĐ và gia đình họ.
Số người hưởng BHXH một lần gia tăng đồng nghĩa với đó là mức độ bao phủ của hệ thống BHXH bị thu hẹp ở cả khía cạnh số người tham gia BHXH và số người hưởng lương hưu, từ đó, mục tiêu của chính sách BHXH sẽ không đạt được. Đó là bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.
Hơn nữa, dân số Việt Nam đang già hóa rất nhanh. Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê cho đến năm 2069, dâ số cao tuổi từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt 17,89 triệu người (chiếm 17% tổng dân số) vào năm 2030; 23,34 triệu người (chiếm 20,96% tổng dân số) vào năm 2040; 29,22 triệu người (chiếm 25,35% tổng dân số) vào năm 2050 và 31,48 triệu người (chiếm 26,97% tổng dân số) vào năm 2060.
Với tỷ lệ bao phủ BHXH hiện nay không cao và xu hướng hưởng BHXH một lần gia tăng sẽ tác động rất lớn đến tỷ lệ dân số già được hưởng hưu trí hàng tháng trong tương lai.
Việc NLĐ hưởng BHXH một lần sau một năm nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến việc tích lũy quá trình đóng góp cần thiết để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, làm giảm cơ hội được hưởng lương hưu khi về già. Không được hưởng lương hưu đồng nghĩa với việc không được hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng cho NLĐ, điều này sẽ gây thêm khó khăn về kinh tế cho bản thân và gia đình.
Mặt khác, hưởng BHXH một lần ảnh hưởng đến quyền được hưởng BHXH một lần cũng có thể ngăn cản quyền được hưởng chế độ tuất của những thân nhân của NLĐ vì các khoản trợ cấp tử tuất cũng yêu cầu một số năm đóng góp tối thiểu của NLĐ khi qua đời. Như vậy, việc NLĐ hưởng BHXH một lần là thiệt thòi hơn rất nhiều so với việc bảo lưu thời gian đóng để được hưởng lương hưu khi về già.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại