Thứ hai 20/05/2024 19:20
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh:

Người “dũng sỹ” tuyên chiến với… quảng cáo rác

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1950), tổ 4, phố Khương Trung, phường Khương Trung vẫn hàng ngày “dạo quanh phố phường” để bóc, cắt, xóa những mảnh quảng cáo tràn lan trên phố.

Bắt đầu công việc từ năm 2009, chẳng ai trả lương, nhưng người “vác tù và hàng tổng” này vẫn kiên trì từng ngày với công việc làm sạch phố phường của mình.

Sau 35 năm công tác trong lực lượng CA vũ trang, năm 2003 ông Hùng nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá. Bao nhiêu năm ở trong quân đội, là bấy nhiêu năm ông cố gắng hết mình với nhiệm vụ, với công việc của mình.

Sinh ra trong thời chiến, cũng có mặt ở nơi trận địa ác liệt năm 1979 ở biên giới phía Bắc, sau tiếp tục công tác trong đoàn quân nhạc, lúc nghỉ hưu ông mới thực sự quay trở lại với đời sống thường ngày. Nhưng nghỉ hưu, không có nghĩa là ngơi nghỉ, với ông, chiến sỹ trên chiến trường, chiến sỹ thi đua trong đơn vị, hay chiến sỹ trong cuộc sống hàng ngày cũng là một, chỉ có điều công việc nó khác nhau.

nguoi dung sy tuyen chien voi quang cao rac
Ông Nguyễn Văn Hùng, “dũng sỹ diệt quảng cáo” tự phát của phường Khương Trung. Ảnh: N.Dũng

Do sớm được rèn luyện trong quân đội, việc gọn gàng, sạch sẽ nó như ăn sâu vào con người của ông, thế nên những mảng lem luốc quảng cáo lẻ trên tường nhà, những tờ giấy dán xộc xệch trên đường phố, những miếng mica treo lủng liểng trên những đường dây điện chạy ngang dọc đều khiến ông thấy… bất ổn bởi nó khiến bộ mặt đô thị đang phát triển lem luốc, nhếch nhác…

Và chẳng ai bảo, cũng chẳng ai yêu cầu, bắt đầu từ năm 2009, ông Hùng bắt tay vào thực hiện công việc của mình, đó là: xóa, bóc, cắt những mảng quảng cáo tự phát xuất hiện một cách tự do.

Ông đã tỉ mẩn đến từng nơi, từng chỗ có những “mảnh vá” ấy ở quanh tổ xóm mình ở để xóa, bóc đi. Còn những miếng quảng cáo treo trên cao, ông tự bỏ tiền ra mua thang, mua kìm bấm để cắt bỏ những quảng cáo vô duyên, mất trật tự ấy.

Ông làm thế, chẳng phải vì ghét bỏ gì ai, cũng chẳng phải để đẹp đẽ bức tường hay căn nhà của mình, mà ông làm thế chỉ bởi suy nghĩ đơn giản, để phố phường đỡ nhem nhuốc hơn, để mọi cái vào trật tự hơn, kể cả cái nhỏ nhất. Việc “vác tù và hàng tổng”, chẳng có ai nhờ, chẳng có ai cậy ông đó lại đã có lúc khiến ông gánh lấy ánh mắt khó chịu, bực bội của chính những người dân trong khu phố mình.

Nhưng ông kiên quyết, phường có bảng thông tin chung, có chỗ để người dân tha hồ dán những yêu cầu, nhu cầu và quảng cáo cho sản phẩm của mình, thế thì chẳng có lý do gì khiến mọi người cứ dán, cứ treo vô tội vạ ở bất cứ đâu như thế. Giận ông, ông kiên trì đến tận nhà, giải thích và thuyết phục bằng được. Dần dần ông được bà con lối phố ghi nhận, không ra thực hiện cùng ông cũng không sao, miễn là bà con không tiếp tay gây… bẩn.

Ngày ít, ngày nhiều chẳng có khi mấy khi ông đếm xem đã xóa, đã bóc, đã cắt được bao nhiêu tấm. Chỉ biết rằng, cứ một mảnh quảng cáo xuất hiện là có ông ra “xử lý”. Lâu dần, người ta tặng cho ông cái danh hiệu “dũng sỹ diệt quảng cáo” và rồi người dân khu phố bị công việc của ông thuyết phục. Người ta bắt đầu “ra quân” cùng đi xóa, đi bóc và cắt quảng cáo với ông. Không những vậy, công việc của ông cũng được chính quyền ghi nhận, những bằng khen, những lời động viên và sự hỗ trợ của chính quyền là điều mà ông thấy ông thành công.

Ông Hùng nói, những mảnh nhỏ quảng cáo đó xuất hiện theo “quy luật”, đó là có thể cả tuần chỉ lác đác, ít ỏi, thế nhưng chỉ qua buổi tối thứ 6, đến sáng thứ 7 là hàng chục mảnh quảng cáo đó có trên tường. Và công việc xóa quảng cáo thì buổi sáng thứ 7 là cật lực nhất.

“Trước cứ xóa chỗ này, thì nó xuất hiện ở chỗ khác. Cắt chỗ đầu ngõ, thì cuối ngõ lại lủng liểng tấm mica… Nhưng sau khi được chính quyền hỗ trợ, toàn dân trong tổ chung tay thì cũng đỡ hơn nhiều. Hơn nữa, giờ qua sự xử lý dứt khoát của phường, quận… cùng TP thì triệt để hơn nữa”, ông Hùng nói.

Bởi bây giờ, như một thói quen, trước khi xóa, bóc… cái quảng cáo nào, ông cũng chụp lại rồi gửi cho đồng chí phụ trách văn hóa phường, mục đích để cắt luôn số điện thoại có in trên quảng cáo. Ông cho rằng, đó là biện pháp “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”.

“Nghề chơi cũng lắm công phu”, đừng nghĩ việc xóa, bóc, cắt… quảng cáo là đơn giản. Ông Hùng giải thích, ngày trước, việc in trên tường, dán giấy… chỉ đơn giản là bằng một tờ A4 dán bằng hồ, nhưng nay công nghệ tiên tiến, họ dán bằng những tờ giấy mỏng hơn, lớp hồ cũng chắc hơn. Nếu bóc không khéo thì chỗ bóc lại càng lem nhem, giải quyết được nạn quảng cáo nhưng mà để sạch sẽ thì lại không ổn. Thế nên, để bóc những trang thông tin đó, lại cầu kỳ hơn, mất thời gian hơn.

Cũng vậy, những mảnh quảng cáo được in trên tường vốn chẳng khi nào đồng màu với màu sơn tường, mà tổ dân phố hoặc bản thân ông lại không thể đi mua từng màu sơn cho khớp, giải quyết thế nào để giảm thiểu lem luốc cũng không dễ dàng. “Xóa từng từ, xóa gọn và chỉ trong khuôn cái quảng cáo đó, hạn chế tối đa việc khiến mảnh xóa bị lem luốc là cái mà chúng tôi luôn phải tỉ mẩn”, ông Hùng cho biết.

Đưa việc xóa, bóc, cắt quảng cáo cả vào trong sinh hoạt của tổ dân phố, đưa ra là tiêu chí bình chọn từng hộ, từng cá nhân là điều mà ông Hùng đã làm thành công. 10 năm trời ròng rã, cũng 10 năm trời ông không ngừng nghỉ cái việc “tuyên chiến” với quảng cáo tự do trên các nẻo phố.

“Nếu không kiên trì, không kiên định chắc chắn sẽ không thể có được thành quả cô ạ” - Ông kết lại câu chuyện và lại nhanh nhẹn cầm xô nước, chiếc chổi quét xinh xinh để ra “xử lý” nốt những mảnh quảng cáo mới xuất hiện đêm qua…

Ngọc Dung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động