Người dành trọn cuộc đời “xây tổ ấm” níu chân cò trời
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Vũ Thị Khiêm, người phụ nữ dành cả cuộc đời mình xây tổ ấm cho loài cò. |
“Bén duyên” cò trời…
Tôi tìm đến “vườn cò Hải Lựu” một ngày đầu đông năm 2022, khi tiết trời đã bắt đầu trở lạnh. Vườn cò ở thôn Dừa, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, cách TP Vĩnh Yên chừng hơn 40km, nơi đây được xem là “vùng sâu vùng xa” của tỉnh Vĩnh Phúc, đời sống kinh tế nhiều gia đình vẫn còn khó khăn.
Khung cảnh nơi đây thật tĩnh lặng, chỉ có tiếng chim chóc ríu rít trên tán cây rừng, càng khiến không gian thêm u nhã, thanh bình. Căn nhà 5 gian đã cũ kỹ rêu phong, nép mình dưới những tán cây cổ thụ đứng chênh vênh trên sườn đồi - nơi bà Vũ Thị Khiêm “chủ vườn cò” và cô cháu gái cư ngụ.
Bên ấm trà mời khách, bà Khiêm ánh mắt nhìn xa xăm, hồi tưởng lại những tháng ngày xưa, khi còn là một cô bé theo bố mẹ phải rời quê, phiêu bạt đến thôn Dừa. Thời gian như bóng câu qua cửa, thoáng chốc đã ngót 80 năm ròng, những mảnh hồi ức hiện về qua lời kể chậm rãi của bà:
“Tôi quê gốc ở Móng Cái, gặp lúc loạn lạc chiến tranh, bố mẹ tôi phải chạy loạn mà rời bỏ quê nhà. Năm 1946 mới được chừng 4 tuổi, tôi theo bố mẹ, lưu lạc đến thôn Dừa xã Hải Lựu, hồi đó đây vẫn còn là vùng rừng núi hoang vu, bạt ngàn lau sậy, sim mua, thưa thớt bóng người. Bố mẹ tôi đã bỏ công sức ra khai hoang cải tạo khoảnh rừng này…
Ban đầu chỉ trồng ngô, khoai, sắn, để lấy lương thực, rồi tiếp tục trồng thêm các giống cây lâu năm, nhãn, lim, lát, trám đen, xoan, dổi, mít… Khi những cây lâu năm bắt đầu lớn lên rồi khép tán, cũng là lúc đàn cò không rõ từ đâu lác đác bay về trú ngụ, càng về sau càng nhiều” - bà Khiêm chậm rãi kể lại.
Việc đàn cò tìm đến cư ngụ ở khoảnh rừng, bà Vũ Thị Khiêm cho là do duyên trời, bởi vì tại sao nhiều nơi khác cũng có rừng, mà cò lại chỉ xem khoảnh rừng của gia đình bà là “đất lành” để rồi chúng tìm đến trú ngụ, sinh sôi.
Khi trời nắng ấm, cò lũ lượt bay về vần vũ cả ngày, khiến vườn cò mang vẻ đẹp thơ mộng, yên bình. |
Thuận theo tự nhiên
Bà Khiêm cho biết: “Cuộc sống của tôi dẫu có phần vất vả cực nhọc, nhưng vẫn êm đềm trôi qua trên khoảnh rừng và nếp nhà của bố mẹ. Đến tuổi trưởng thành tôi lập gia đình, mấy năm sau chồng tôi phải từ giã tổ ấm để lên đường vào Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Chồng tôi đi năm 1967 thì đến năm 1968 tôi nhận được tin báo hy sinh, buồn bã, đau xót tôi chỉ biết mượn khoảnh rừng, miệt mài làm lụng để khuây khỏa nỗi đau”.
Không đếm xuể bao nhiêu khó khăn cực nhọc, bao nhiêu nước mắt mồ hôi đã đổ ra trong mấy chục năm ròng, để khoảnh rừng ban đầu chỉ là rừng gianh, sim mua lau sậy, được thay thế bằng nhiều cây lâu năm như trám, chò, dổi, lát, sưa, chẹt,… trưởng thành, vạm vỡ, thu hút đàn cò trời.
“Từ hồi bố mẹ tôi còn chưa khuất núi, gia đình cũng cố gắng không làm gì ảnh hưởng đến cuộc sống của cò. Đến nay, ở tuổi gần đất xa trời tôi vẫn duy trì nếp cũ, dặn dò con cháu không làm những việc như khua động, chặt cây, đào xới… khiến cò hoảng sợ. Mọi việc trong khoảnh rừng cứ để tự nhiên, thậm chí có những cây cổ thụ đã sống hết vòng đời của mình mà “quy”, thì chúng tôi cũng không khai thác những cây gỗ quý đó, cứ để mục rã rồi hòa vào đất một cách tự nhiên như vậy” - bà Khiêm tâm sự.
Nhiều năm gần gũi với đàn cò, bà Khiêm hiểu hết những tập tính của loài chim trời này. Bà cho biết, mùa sinh sản của cò bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 8 âm lịch, loài này thường không chăm sóc cò con không phải do mình đẻ ra, những chú cò con mất bố mẹ, hoặc rơi khỏi ổ phần lớn sẽ chết. Bởi vậy, mùa sinh sản của cò cũng là lúc bà Khiêm tất bật với việc tìm kiếm, chăm sóc những chú cò con “bất hạnh” không còn bố mẹ, như một người mẹ chăm sóc đàn con của mình.
Khi trời nắng ấm cũng là lúc cò về trú ngụ tại vườn nhà đông đúc nhất. Lần lượt, những bóng trắng bay liệng lên xuống xao động cả khoảnh rừng xanh, cảnh tượng thật thơ mộng yên bình.
Canh cánh nỗi niềm…
Trước tình trạng săn bắn chim trời nở rộ, rồi đô thị hóa, đất chật người đông, nhà cao tầng mọc lên càng nhiều, trong khi đồng ruộng, ao hồ bị lấp, thói quen lạm dụng thuốc trừ sâu, làm cho môi trường sinh sống, nơi cung cấp nguồn thức ăn cho cò bị hạn hẹp, đã khiến số lượng cò trở về vườn giảm sút. Việc bảo tồn, giữ gìn không gian sống cho cò, luôn là nỗi lo thường trực của bà Khiêm.
Được biết, chính quyền địa phương cũng giúp đỡ bà Khiêm rào giậu lại toàn bộ diện tích 5ha rừng của gia đình bằng lưới thép. Việc này hạn chế rất nhiều tình trạng săn bắn trộm. Ngoài ra, cũng có những cơ quan tổ chức, DN đặt vấn đề với gia đình về việc phối hợp phát triển nơi đây thành khu du lịch sinh thái, có thể tham quan nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, gia đình cũng cân nhắc rất nhiều, và chưa quyết định, bởi vì việc phối hợp như vậy sẽ phải chặt cây, mở đường, xây dựng các công trình phục vụ mục đích tham quan du lịch. Việc này, chắc chắn ảnh hưởng tới nơi ăn chốn ở của loài cò, mà cả gia đình bà mấy thế hệ, đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi công sức ngót trăm năm mới biến nơi này thành “đất lành” để cò trú ngụ.
Hướng ánh mắt trĩu nặng ưu tư nhìn ra cánh rừng, bà Khiêm cho biết, bây giờ người ta trọng giá trị vật chất, nên việc giữ gìn vườn cò với bà thật khó khăn - có người còn cho là gàn dở, khi đã quá vất vả rồi mà vẫn không bán vườn đi lấy tiền hưởng thụ.
“Hàng chục tỷ đồng, nhưng tôi không đồng ý. Tôi luôn động viên con cháu đừng chỉ thấy cái lợi trước mắt, cố gắng giữ gìn vườn cò, tiếp tục trồng thêm cây, tạo nên môi trường sinh sống thuận lợi cho chúng. Làm sao cho mãi mãi nơi này là mảnh đất lành, là chốn yên bình để không chỉ cò, mà các loài chim chóc, động vật khác cũng lấy làm nơi sinh sống - hình thành một khu bảo tồn thiên nhiên. Mong rằng, sau khi khuất núi rồi, ý nguyện của tôi vẫn được những người sau tiếp nhận và thực hiện” - bà Khiêm bộc bạch.
Nước mắt hạnh phúc của người mẹ có 2 con trải qua cuộc phẫu thuật đổi đời | |
Xúc động khi xem cuộc đời nhạc sĩ Đỗ Nhuận bằng âm nhạc |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại