Người dân tin tưởng lựa chọn hòa giải giải quyết tranh chấp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo Bộ Tư pháp, trong 5 năm (từ 2014 đến 2018), các tổ hòa giải cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 759.118 vụ, việc. Trong đó hòa giải thành 611.817 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,6%). Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiếp nhận trên 120.0000 vụ, việc và hòa giải thành trên 100.000 vụ, việc.
Thông qua công tác hòa giải, những tranh chấp, bất đồng mới phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp. Góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững, xây dựng khu dân cư văn hóa sống hòa thuận, hạnh phúc, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Hoạt động hòa giải cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế. Khi quan hệ cộng đồng làng xã ổn định, bền chặt, các thôn, bản, tổ dân phố giữ được an ninh, trật tự, khiến mỗi cá nhân và gia đình yên tâm lao động, sản xuất, làm ăn hiệu quả hơn, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Ảnh minh họa: Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho Nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước. |
Tính đến ngày 31-12-2018, cả nước có 107.074 tổ hòa giải được thành lập tại các thôn, tổ dân phố với 650.366 hòa giải viên. Trong số này có 22.746 hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật, chiếm tỷ lệ 3,5%.
Để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ hòa giải viên, trong những năm qua các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo như tổ chức thi tìm hiểu pháp luật cho hòa giải viên (TP Hà Nội), ban hành Quy định tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng về hoạt động hòa giải ở cơ sở (Tây Ninh); duy trì nề nếp mỗi tháng từng tổ hòa giải họp một lần và định kỳ 3 tháng, cán bộ theo dõi công tác hòa giải của xã họp giao ban cùng các tổ hòa giải trong xã để trao đổi nghiệp và nắm bắt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước mới ban hành (Bắc Giang)…
Một số địa phương cũng đã tổ chức làm điểm các mô hình tổ hòa giải ở cơ sở, từ đó nhân rộng trong phạm vi tỉnh, thành phố mình như mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” ở Hà Nội, mô hình “Tổ hòa giải điển hình tiên tiến” ở Lạng Sơn, mô hình Chủ tịch UBND cấp xã phải chứng kiến hoặc ký cam kết việc thỏa thuận hòa giải thành là đúng pháp luật ở tỉnh Quảng Bình…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại