Thứ tư 11/09/2024 08:09

Người đàn ông “sống chết” bám nghề ở phố Hàng Bạc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù ngoài 70 tuổi nhưng ông Nguyễn Chí Thành vẫn ngày ngày thực hiện các công việc chế tác cũng như cố gắng bám nghề truyền thống của gia đình từ nhiều thế hệ.
Ông Thành chia sẻ về khuôn đúc vàng bạc của gia đình
Ông Thành chia sẻ về khuôn đúc vàng bạc của gia đình.

Nói đến 36 phố phường hay phố cổ Hà Nội, mọi người sẽ nghĩ ngay đến các con phố tập trung nhiều hoạt động tiểu thủ công nghiệp, buôn bán giao thương rồi hình thành nên cái tên “Hàng”, cách gọi ám chỉ những phố nghề đặc trưng, mang đậm nét truyền thống. Cùng với sự phát triển của xã hội, khoa học công nghệ nên nhiều nghề thủ công truyền thống cũng có phần mai một. Thay vì chế tác thủ công như ngày xưa thì đã được thay thế bằng máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại. Cũng vì thế, số lượng người bám nghề thủ công, bám “Hàng” để làm các công việc thủ công ngày một ít.

Đến phố Hàng Bạc, bạn sẽ thấy choáng ngợp trước những cửa hàng vàng bạc san sát nhau, với nhiều sản phẩm và mẫu mã vô cùng đa dạng, phong phú. Các sản phẩm đó hầu hết được đục khuôn sẵn theo kiểu công nghiệp, không phải chế tác hoàn kim như xưa. Theo tìm hiểu, ở con phố Hàng Bạc dài chừng hơn 300 mét có hơn nửa cửa hàng bán vàng bạc không phải dân gốc ở đó, họ đến thuê địa điểm để bán hàng. Người thợ chế tác vàng bạc thủ công vẫn còn nhiều nhưng đa số cao tuổi hoặc bỏ nghề đi làm việc khác, chỉ còn duy nhất ông Nguyễn Chí Thành (74 tuổi) quyết “sống chết” bám nghề.

Chia sẻ với PV, ông Thành cho biết, gia đình ông có 4 đời làm nghề chế tác vàng bạc thủ công và đều làm ở tại ngôi nhà nơi ông đang ở. Ông cho biết thêm, ngôi nhà ông đang ở có tuổi đời hơn cả tuổi ông, đến nay đã hơn 100 năm tuổi. Bên cạnh đó có những đồ dùng như bàn chế tác, vật liệu dùng, mẩu gỗ, đe,… gắn bó với ông mấy chục năm,… từ khi ông học nghề đến nay. Với những người làm nghề thủ công, dụng cụ như sinh mạng của mình, rất ít khi vứt bỏ.

Ông Thành cho biết thêm, từ năm 10 tuổi, ông đã theo ông và bố tập tành đúc bạc, rồi sau đó là chế tác ra những sản phẩm bạc đầu tay. Khi mới làm ông cũng gặp rất nhiều khó khăn vì tay yếu không thể trên đe, dưới búa. Rồi độ khéo kéo cũng chưa thuần thục nên sản phẩm làm ra bố mẹ phải sửa lại. Sau này, khi đã thuần thục việc chế tác vàng bạc, ông Thành không coi đó là thành công mà luôn tự dặn lòng mình phải học nhiều hơn nữa để đưa ra được những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Hiện nay, xã hội hiện đại, đồ mỹ nghệ công nghiệp nhiều, mọi người có nhiều lựa chọn nên đồ thủ công mỹ nghệ dần mai một theo thời gian. Khách hàng của ông vẫn còn nhưng chỉ là khách quen hoặc người Hà Nội gốc mới hay lui tới. Một số khách do thích các sản phẩm chế tác thủ công nên lui tới đặt hàng nhưng cũng có một số khách mang hàng đến sửa chữa.

Theo ông Thành, so với vàng bạc được sản xuất công nghiệp, đồ thủ công có lợi hơn nhiều, nhất là việc sửa chữa. Theo đó, nếu muốn sửa chữa vàng bạc công nghiệp thì phải cần đến trọng lượng lớn khoảng 3 chỉ, còn với những nhẫn, hoa tai 1 chỉ họ sẽ không sửa được. Còn làm thủ công thì sẽ sửa được, thậm chí sửa theo cả yêu cầu của khách chứ không cần phải theo khuôn mẫu cũ.

Bên cạnh đó, trong lúc hoàn thiện sản phẩm, tâm lý của người thợ cũng một phần phụ thuộc xem sản phẩm có đẹp hay không. Bởi vậy những sản phẩm làm bằng tay luôn có những điểm đặc trưng mà những sản phẩm đúc sẵn không có được. Lấy một chiếc nhẫn do tự tay ông chế tác, ông cho biết phía trong luôn có ký hiệu riêng về người chế tác đó là tên của ông, đây chính là đặc điểm nhận dạng mà mỗi thợ thủ công luôn để trên sản phẩm mình làm ra. Đồng thời, tùy vào độ chi tiết của sản phẩm mà thời gian hoàn thành một sản phẩm cũng khác nhau, có cái 1 ngày đã xong những có cái phải đến vài tuần mới xong.

Giờ đây khi đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông đã truyền nghề cho đời thứ 5 của gia đình là con và cháu ông. Tuy nhiên, sau này thế hệ kế cận có bám trụ được với nghề không lại là chuyện khác. Với ông, ông sẽ bám trụ với nghề cho đến khi mắt mờ, chân chậm thì mới dừng lại.

Bám sát chủ trương của TP Hà Nội và đời sống dân sinh
Người đàn ông 16 năm xếp hàng mua vàng trong ngày vía Thần Tài
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động